Công nhân nhà máy sản xuất iPhone. Ảnh: NYTimes. |
Sợ hãi và giận dữ là những cảm xúc bao trùm lên toàn bộ công nhân của nhà máy iPhone lớn nhất thế giới đặt tại Trịnh Châu, Trung Quốc. Dưới quy định giãn cách do xuất hiện ca mắc Covid-19 mới, họ phải làm việc và sinh hoạt trong môi trường khép kín, không được ra ngoài. Tuy nhiên, điều kiện sống lại nghèo nàn, nguồn cung cấp nhu yếu phẩm rất hạn chế.
Biểu tình bạo lực ngay giữa đêm
Do đó, khuya ngày 22, sáng sớm ngày 23/11, hàng trăm nhân viên tại nhà máy sản xuất iPhone của Foxconn đã trốn khỏi ký túc xá, tràn ra đường. Với số lượng người áp đảo, họ đã chen lấn, xô đẩy với các bảo vệ.
Có video còn quay lại cảnh nhiều bảo vệ mặc đồng phục dùng gậy đánh liên tục vào một người đàn ông nằm dưới đất. Những người chứng kiến xung quanh thì la to và liên tục xô đẩy nhau để vượt qua hàng rào chắn. Thậm chí, một vài người đã vây quanh một chiếc xe cảnh sát, vừa la hét, vừa ném đá vào xe.
Một video phát trực tuyến quay lại cảnh hàng chục công nhân đã đụng độ với hàng dài cảnh sát và xe công đang rọi đèn. Chủ sở hữu video còn nhìn thấy bom khói, hơi cay xuất hiện trong đoàn người biểu tình. Có người còn dùng bình chữa cháy xịt vào người nhóm cảnh sát.
Công nhân biểu tình ở nhà máy sản xuất iPhone Trịnh Châu, Trung Quốc bị bảo vệ đánh đập, đàn áp. Ảnh: Bryon Wan, Alerta Mundial. |
Một video khác quay lại cảnh nhiều công nhân tỏ ra giận dữ và liên tục đòi kết quả xét nghiệm Covid-19 trong khi các quản lý xung quanh đều cúi mặt xuống, không trả lời. “Tôi rất sợ nơi này. Rất có thể chúng tôi đã bị mắc Covid-19”, một công nhân nam phẫn nộ.
Theo nguồn tin giấu tên nói với Bloomberg, cuộc biểu tình đã bắt đầu từ tối hôm trước vì công nhân ở đây bị quỵt lương và sợ lây nhiễm Covid-19 nếu tiếp tục sống trong môi trường khép kín. “Bọn họ đã không làm theo hợp đồng như đã cam kết”, nhân viên nói.
Anh cho biết có một vài nhân viên mới vào sợ bị nhiễm bệnh từ những người đã ở đây từ trước. “Công nhân chúng tôi biểu tình vì muốn nhận tiền trợ cấp và được thả về nhà”, một nhân viên nói.
Một lượng lớn cảnh sát đã được điều động đến nhà máy để ổn định tình hình, BBC cho biết.
Bất mãn kéo dài
Theo Bloomberg, sự kiện biểu tình bằng bạo lực tại nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu đã làm leo thang căng thẳng tại đây kể từ khi áp dụng lệnh giãn cách hồi tháng 10. Phần lớn công nhân trong số 200.000 người tại “thành phố iPhone” đã bị cách ly hoàn toàn, thiếu thốn lương thực, thực phẩm và cũng chẳng được hỗ trợ thuốc thang.
Vì thế, cuối tháng 10, nhiều công nhân đã bỏ đi do bất mãn với cách đối xử với nhân viên và tình trạng thiếu thức ăn. Vào thời điểm đó, video của BBC cho thấy công nhân phải trèo rào để trốn thoát khỏi nhà máy, và cho biết nhiều người sẵn sàng đi bộ hàng trăm cây số về nhà để thoát khỏi điều kiện sống thiếu thốn.
Họ bất mãn vì điều kiện sống thiếu thốn và bị quỵt lương. Ảnh: BBC. |
Ngay sau đó, Foxconn và chính quyền địa phương khẳng định đã kiểm soát được tình trạng này. Hãng gia công còn thuyết phục công nhân ở lại và tuyển thêm nhân viên, hứa hẹn cải thiện điều kiện làm việc cùng với mức lương và tiền thưởng mỗi giờ cao hơn nhằm khôi phục sản xuất.
Nhưng cuộc biểu tình mới đây đã cho thấy sự thật không như những gì đã hứa hẹn, việc phong tỏa nghiêm ngặt đã bộc lộ mặt trái.
Trong đó, Trịnh Châu là một trong những địa điểm sản xuất quan trọng nhất của Apple khi chịu trách nhiệm sản xuất 4 thiết bị mới nhất của hãng công nghệ và chiếm phần lớn sản lượng iPhone 14 Pro.
Điều này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo Apple về việc quá phụ thuộc vào chuỗi cung ứng ở Trung Quốc giữa bối cảnh chính sách phòng dịch ngặt nghèo và căng thẳng Mỹ - Trung. Tập đoàn công nghệ đã cảnh báo rằng sản lượng iPhone 14 cao cấp nhất sẽ thấp hơn dự đoán mặc dù đang là mùa mua sắm cuối năm nhộn nhịp.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn.