Trong một mùa đông buốt giá, khi những dòng sông bị đóng băng, gia đình mục sư Arne - gia đình được coi là giàu có nhất vùng, có nhà cao, và nhiều của cải tại nhà thờ Solberga - bị giết hại. Đó là vụ án mở đầu cho cuốn tiểu thuyết Kho báu của nữ nhà văn Selma Lagerlof, từ đó đặt ra bao vấn đề tâm lý phức tạp.
Giết một kẻ phạm tội chi bằng yêu thương hắn thật nhiều
Elsalill, cô thiếu nữ quen sống trong giàu sang, không có một chút “sức đề kháng” để đối chọi với bất kỳ biến cố nào xảy đến với cuộc đời. Ngoài ủ ê với nỗi buồn, buông những tiếng thở than, bấu víu vào nỗi bất hạnh của mình mong nhận được sự cảm thông, chia sẻ và những lời xót xa, cô bé không có cách nào để quên đi, để vực dậy cuộc sống. Ngay cả khi cô được mẹ con Torarin - một anh chàng bán cá dạo - thương hại đem về nuôi.
Cho đến khi, mẹ anh đã không ngần ngại mà nói thẳng với cô rằng: “Elsalill, nhà ta đâu đủ giàu để cho cháu cái ăn cái mặc, mà cháu thì cứ ngồi đó khoanh tay than khóc suốt ngày”. Câu nói như một cách khiến cho Elsalill tỉnh ngộ. Và đây cũng giống như một bài học về phương cách vượt qua, đứng dậy sau những lần vấp ngã. Cô bé Elsalill đã dần phải bước đi bằng chính khả năng của mình để mưu sinh.
Tiểu thuyết Kho báu. |
Mọi sự tưởng như đã khép lại từ đó, khi ai nấy đều nhanh chóng quên đi vụ án và quay trở về với công việc mưu sinh hàng ngày, bản thân cô cũng bắt đầu với tình yêu đầu đời của mình, với Archie, một lính đánh thuê ở Scotland. Thế nhưng người em gái nuôi của Elsalill cứ liên tục trở về mang theo những điềm chẳng lành. Và cũng chính người em ấy nói cho cô biết rằng, người cô đang yêu, cùng với hai tên khác lại chính là kẻ sát hại gia đình cô.
Ngược lại với lối triển khai câu chuyện về địch - ta, nữ nhà văn đã để Elsalill, cô gái trong sáng dùng tình yêu của mình để cảm hóa những tên phạm tội với chính gia đình mình, và bằng tấm lòng chân thành, cô bé đã khiến người em gái của mình được yên lòng.
Cũng chính bởi sự chân thành ấy, cô gái đã thức tỉnh tên lính đánh thuê Archie va đồng bọn, cho hắn một lần được cảm nhận sự chân thành quý giá biết nhường nào mà trong hành trình cuộc đời của hắn chưa một lần được cảm nhận và sống với nó. Và khi ấy hắn mới nhận ra, cuộc đời của hắn, cái gì cũng có, cũng dư thừa, nhưng riêng chỉ có tình yêu là thiếu thốn.
Kết cấu truyện không quá phức tạp, những nhân vật được đảo lộn, chính-phụ liên tiếp, diễn biến câu chuyện được chuyển đổi như một trò chơi theo lối vòng tròn một cách tài tình cũng là một điểm nhấn, sức cuốn hút trong cuốn tiểu thuyết không dày dặn này.
Tinh thần kết nối giữa những con người là sức mạnh vô biên
Không dừng lại ở những giá trị cao cả, tác giả cũng nhẹ nhàng lồng ghép những tình huống làm nổi bật lên những lối sống quá an phận của mình mà quên đi tính kết nối giữa các thành viên. Nữ nhà văn đã đưa ra khá nhiều tình huống về hậu quả của việc mất đi tính kết nối.
Một thực trạng rõ nét của một nhóm người dưới thời Vua Đan Mạch Frederik đệ nhị trị vì Bohuslen (thế kỷ XVI). Đó là tâm lý an phận, chắc lép, bị động và võ đoán. Tâm lý của người dân quanh vùng là một minh chứng. Họ sẵn sàng truyền tai nhau, kể cho nhau nghe về cái chết nhà ông Arne và tin vào hiện trường giả chúng đã tạo ra. Và vụ án cũng nhanh chóng được khép lại mà không hề có cuộc điều tra hay bất cứ nghi ngờ gì từ phía nhà chức trách.
Những thành viên trong gia đình một mực tin rằng, ông Arne không nghe thấy tiếng mài dao thì không có tiếng mài dao, không có nguy hiểm nào đang rình rập thì sẽ chẳng có gì để lo lắng cả. Không khí ở đầu cuốn tiểu thuyết cho thấy sự kết nối giữa mọi người gần như là không có. Ai cũng bận bịu với chính câu chuyện của mình.
Selma Lagerlof - nữ nhà văn đầu tiên đoạt giải Nobel văn học - trong tranh của họa sĩ Carl Larsson. |
Cũng bởi mất đi sự kết nối mà những tên trộm đã dễ dàng tạo ra một hiện trường giả để đánh lừa người dân, đánh lừa nhà chức trách. Tất thảy đều tin rằng những tên giết người đã bị trả giá và vụ án nhanh chóng được kết thúc mà chẳng có bất kỳ một hoài nghi nào.
Nhưng sau cùng, chính Torarin là người đã đánh thức tinh thần kết nối đã ngủ quên trong mọi người bấy lâu. Bằng nhiệt huyết và trách nhiệm, anh đã đuổi theo con thuyền chở Elsalill đến một vùng đất xa xôi và thông báo cho mọi người biết về những tên tội phạm nguy hiểm sau khi nhận những lời từ chối của nhà chức trách.
Với ngôn ngữ giản dị, trong sáng, trường liên tưởng phong phú, táo bạo và niềm tin vào tín ngưỡng sâu sắc, Selma Lagerlof - nữ nhà văn đầu tiên đoạt giải Nobel văn học năm 1909 - đem lại cho độc giả tác phẩm văn học đầy tính nhân văn.