Toni Morrison (Chloe Anthony Wofford; sinh ngày 18/2/1931) là nhà văn Mỹ đoạt giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 1988 và giải Nobel Văn học năm 1993.
Viện Hàn lâm Thụy Điển khi trao giải Nobel đã nhận định bà là một "văn sĩ thượng thặng" mà tác phẩm khắc họa đẹp đẽ và gắn bó một cách kỳ diệu với cuộc sống con người.
Toni Morrison - văn sĩ thượng thặng của Mỹ. |
Nguồn gốc của ngoại tộc là cuốn sách mới nhất của bà được xuất bản tại Việt Nam. Sách tập hợp những bài diễn văn của Toni Morrison năm 2016 trong khuôn khổ chương trình thường niên Charles Eliot Norton Lectures do Đại học Harvard tổ chức.
Ở đó, Morrison bàn về những chủ đề chính yếu trong tác phẩm của bà và đây cũng là những chủ đề ngày càng có sức ảnh hưởng lớn trên bản đồ chính trị thế giới: nạn phân biệt chủng tộc, nỗi sợ hãi, ranh giới, những cuộc đại di cư, niềm khao khát thuộc về nơi nào đó.
Trong sách, Toni Morrison đặt ra nhiều câu hỏi lớn: sự khác biệt chủng tộc là gì? Tại sao con người có khuynh hướng xây dựng những "kẻ ngoại tộc", tại sao sự hiện diện của kẻ ngoại tộc lại khiến chúng ta lo sợ?
Tác giả tìm kiếm câu trả lời khi soi chiếu vào lịch sử, chính trị, ký ức cá nhân của mình, và trong văn học. Tác giả đoạt Nobel Văn chương năm 1993 tìm hiểu vấn đề ngoại tộc trong tác phẩm của những tác gia lớn như: William Faulkner, Ernest Hemingway, Harriet Beecher Stowe, Flannery O'Connor, Camara Laye.
Morrison chỉ ra văn chương đã vô tình thao túng nhận thức của người đọc về việc phân biệt đối xử dựa trên màu da. Tác giả chứng minh qua các đoạn văn trong Túp lều bác Tom (Harriet Beecher Stowe), phân tích tâm lý nhân vật cậu chủ George (thiếu niên da trắng) với nỗi sợ hãi khi bước vào túp lều bác Tom (người da đen). Phải có thật nhiều dấu hiệu ôn hòa cho thấy anh được hoan nghênh và an toàn, George mới dám bước vào khu vực của kẻ ngoại tộc.
Hoặc như trong tác phẩm To Have and Have Not (Hemingway), nhân vật chính Harry Morgan - một người buôn lậu rượu mía - khi trò chuyện với người da đen thì gọi tên người đó là Wesley, nhưng khi kể ở ngôi thứ ba thì lại dùng từ "tay mọi đen" để chỉ Wesley.
Sách Nguồn gốc của ngoại tộc do Nguyễn Tiến Văn dịch, mới phát hành ở Việt Nam. |
Morrison đặt ra câu hỏi: Tại sao Hemingway không sử dụng tên thật của người da đen để dẫn dắt câu chuyện, tại sao ông cần nhấn mạnh yếu tố da màu để trần thuật? Bà phân tích, Hemingway đã "chủ ý nhấn mạnh vào lòng trắc ẩn người kể chuyện dành cho người đàn ông da đen, thứ tình thương có thể khiến cho kẻ buôn rượu lậu trở nên thân thiết với người đọc". Sự thương hại này cho thấy tâm thức kẻ trên người dưới khi khác biệt màu da.
Nguồn gốc của ngoại tộc cũng chia sẻ những dụng ý của Toni Morrison khi sáng tác văn chương. Nữ tác giả viết Yêu dấu với cảm hứng từ câu chuyện có thật về Margaret Garner - người mẹ nô lệ ở thế kỷ 19 đã giết con mình vì không muốn con chịu kiếp nô lệ. Nhưng tác giả Pulitzer 1988 đã không chú trọng vào vụ án, mà đặt trọng tâm tác phẩm vào tiếng nói không thể cất lên của đứa trẻ đã khuất. "...đối với tôi, bé gái Yêu Dấu, cái sinh linh ám ảnh, là ngoại tộc tối hậu. Lên tiếng đòi, đòi mãi mãi một nụ hôn", Toni Morrison nói.
Nhà văn Toni Morrison và Cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama. |
Qua sách Nguồn gốc của ngoại tộc, Toni Morrison cho rằng, chủng tộc là một ý niệm, không phải một thực tế. Sự phi nhân hóa bằng chủ nghĩa chủng tộc không chỉ thuần mang tính biểu tượng, nó vạch ra những đường biên của quyền lực. Và như Toni Morrison đã nói Nguồn gốc của ngoại tộc không viết về sự khác biệt chủng tộc mà là cuốn sách viết về khả năng và trách nhiệm của văn chương với một chủng tộc duy nhất: chủng tộc người.
Với những vấn đề bất ổn trên thế giới hiện nay, Nguồn gốc của ngoại tộc như một tấm gương soi chiếu giúp ta nhận thức được những nỗi sợ hãi thuộc về căn tính khi đối diện với tha nhân. Qua đó, ta biết được vị thế của mình, biết cách điều chỉnh nhận thức và hành vi khi sống trong thời đại toàn cầu hóa