Truyện cổ tích là những sáng tác từ dân gian. Theo năm tháng và sự dịch chuyển qua các vùng đất, những câu chuyện có thể được bồi đắp, biến đổi để có thêm các dị bản. Tuy nhiên, dù ở dị bản nào, truyện cổ tích vẫn thể hiện ước mơ và niềm tin của nhân dân về cái thiện chiến thắng cái ác, cái tốt chiến thắng cái xấu và những bài học mang tính giáo dục.
Truyện cổ được kể từ phe ác
Cốt lõi của các truyện cổ thường tồn tại hai tuyến nhân vật đối lập, đại diện cho phe thiện và phe ác. Cuộc đấu tranh thiện - ác bao đời nay vẫn luôn tồn tại ở trong cuộc sống lẫn trong truyện cổ. Chúng ta cảm thương và yêu mến Tấm, Thạch Sanh, hay chàng Khoai trong Cây tre trăm đốt và lên án, phê phán những nhân vật như Cám, Lý Thông hay ông địa chủ.
Sách Thiện và Ác và Cổ tích do Thủy Nguyên biên soạn. |
Thông thường, độc giả sẽ tiếp cận truyện cổ tích qua ngôi kể thứ ba. Với ngôi kể linh hoạt và tự do này, truyện được đánh giá khách quan và tự nhiên hơn, bạn đọc dễ nhận ra nhân vật nào đại diện cho phần Thiện và ngược lại.
Nhưng có bao giờ người đọc tự đặt cho mình câu hỏi “Những nhân vật như Thiên (Của Thiên trả Địa), Thủy Tinh (Sơn Tinh – Thủy Tinh) cũng có những tiếng nói riêng cho những hành động của mình?”.
Với Thiện và Ác và Cổ tích do Thủy Nguyên biên soạn, người đọc sẽ tiếp cận với truyện cổ theo một cách mới. Từ các câu chuyện có mô-típ quen thuộc, lần đầu tiên nhân vật thuộc phe phản diện được lên tiếng.
Truyện cổ đã không còn cổ với kết cấu hai tuyến nhân vật song song cùng kể chuyện. 16 câu chuyện là 16 cuộc du hành vào thế giới những câu chuyện đặc sắc nhất kho tàng truyện cổ Việt Nam. Ở đó bạn đọc sẽ đi ngược thời gian để hóa thân vào từng nhân vật, tìm những câu chuyện có cùng mô típ và tự kể lại theo cách của mình.
Thú vị và mới lạ khi Thạch Sanh, Lý Thông đại diện cho hai phe thiện - ác tự dẫn chuyện xen kẽ, ngang hàng về câu chuyện cắt đầu trăn tinh và cứu công chúa. Trước đây, ở ngôi kể thứ ba, bạn đọc hoàn toàn đứng về phía Thạch Sanh khi tiếp cận câu chuyện. Còn với truyện Thạch Sanh trong Thiện và Ác và Cổ tích, lần này nhân vật Thạch Sanh vừa xưng tôi kể chuyện, đồng thời chuyện cũng được kể từ phía còn lại là Lý Thông.
Trương Sinh trong Thiếu phụ Nam Xương không phải là kẻ xấu, nhưng lòng ghen tuông mù quáng khiến hành động của anh nhuốm màu của cái Ác. Hãy nghe Trương Sinh giãi bày trong cuốn sách:
“Tối đến chỉ còn hai cha con trong nhà. Con khóc đòi mẹ. Tôi thắp đèn, ôm con bên ngọn đèn dầu vỗ về. Bỗng con chỉ vào bóng tôi trên vách, bảo rằng đó chính là người bố buổi tối mới đến. Lúc này tôi mới lạnh toát người, hiểu ra ngọn ngành. Thương người vợ oan khuất tội nghiệp bao nhiêu, tôi càng giận mình ghen tuông hồ đồ bấy nhiêu’’.
Dù không xây dựng trực tiếp trên trục thiện đối đầu ác, nhưng sự vô tâm và vô cảm của người anh trong Sự tích Trầu Cau khiến sau này anh phải ăn năn, phục thiện: "Từ ngày lấy vợ, phải đảm trách vai trò trụ cột gia đình, tôi bận rộn cả ngày, hết ruộng đồng lại việc làng xã, thành ra ít có thời gian gần gũi với em trai".
Một trang truyện Sự tích quả dưa hấu trong sách. |
Ngoài mỗi câu chuyện được kể lại dưới hai góc nhìn đối lập, Thiện và Ác và Cổ tích còn có phần nhận định giá trị nội dung và nghệ thuật về vai trò của truyện cổ cuối mỗi truyện.
Sọ Dừa được đánh giá có nhiều lớp thông điệp gửi gắm; Hồn Trương Ba - Da hàng thịt được xem là một triết lý sâu sắc về lẽ sống, lẽ làm người; tình yêu và sự hối hận chính là điều Thiện, xoa dịu nỗi đau và làm cho con người hiểu rõ hơn những giá trị sâu sắc của cuộc đời trong truyện cổ tích Trương Chi…
Đồng thời, ở cuối sách, nội dung từng câu chuyện cũng được cô đọng lại và chuyển ngữ sang tiếng Anh.
Những câu chuyện sống động bằng tranh
Không chỉ độc đáo về mặt văn bản, Thiện và Ác và Cổ tích còn là một cuốn artbook kỳ công, đầy sáng tạo. Sách có sự tham gia minh họa của 17 họa sĩ trẻ như Khoa Lê, Phùng Nguyên Quang và Huỳnh Kim Liên, Trần Nguyễn Trung Tín, Nguyễn Hoàng Dương, Trịnh Xuân Quyền...
Với sự sáng tạo của các họa sĩ đương đại, những câu chuyện cổ trong Thiện và Ác và Cổ tích đã được khoác lên tấm áo mĩ thuật đẹp, lôi cuốn. Trong các bức tranh, yếu tố văn hóa dân gian, văn hóa truyền thống được lưu giữ, nhưng được thể hiện với thẩm mỹ đương đại, phù hợp thị hiếu bạn đọc hôm nay.
Sự tham gia của 17 họa sĩ trẻ khiến tác phẩm mang thẩm mỹ đương đại, phù hợp thị hiếu độc giả hôm nay. |
Cuốn sách được trình bày theo hình thức một bức tranh đặt ở giữa, hai mặt trang sách là lời kể lại câu chuyện theo ngôi của phe thiện, ác theo trục đối xứng. Sự kết hợp logic giữa lời viết và tranh minh họa khiến cho câu chuyện của cuốn sách trở nên đa sắc và hấp dẫn với độc giả.
Không đơn thuần là những nét vẽ minh họa thông thường, đây còn là tâm huyết của những người trẻ đối với văn hóa dân tộc như họa sĩ Võ Huỳnh Phú chia sẻ: ‘‘Từ nhỏ mình đã thích tìm hiểu về văn hóa dân gian. Từ lời ăn, tiếng nói, trang phục, ẩm thực cho đến âm nhạc, hội họa, kiến trúc, tín ngưỡng. Sự phong phú của văn hóa Việt luôn làm mình kinh ngạc, thôi thúc mình học hỏi và tìm tòi. Là một người trẻ đam mê văn hóa dân tộc, mình muốn vẽ những đề tài đậm chất Việt Nam, với mong ước truyền cảm hứng, cùng mọi người cảm nhận nét đẹp văn hóa mà cha ông đã giữ gìn và bồi đắp’’.