Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Mỗi tỉnh chi gần 30 tỷ đồng/năm cho 3 lực lượng bảo vệ an ninh cơ sở

Bộ Công an thống nhất 3 lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với tổng gần 300.000 người trên cả nước. Dự kiến, mỗi địa phương chi ngân sách 28,8 tỷ đồng/năm cho lực lượng này.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm vừa thay mặt Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Dự án này được Chính phủ đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, sẽ được trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 tới (ngày 22/5-23/6).

Theo đó, giải trình yêu cầu về việc đánh giá chính xác số liệu của các lực lượng an ninh, trật tự cấp cơ sở, đại tướng Tô Lâm cho biết Bộ Công an đã đề nghị các địa phương đánh giá về thực trạng tổ chức, điều kiện hoạt động của các lực lượng nêu trên.

Số liệu cho thấy cả nước có khoảng 300.000 người đang tham gia lực lượng với hơn 66.700 người là lực lượng bảo vệ dân phố, gần 70.900 người là công an xã bán chuyên trách và khoảng 161.100 người giữ các chức danh đội trưởng, đội phó dân phòng.

"Ba lực lượng trên sẽ được kiện toàn, thống nhất thành lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và bố trí thành tổ bảo vệ an ninh, trật tự tại thôn, tổ dân phố", Bộ trưởng Công an cho biết.

an ninh co so anh 1

Bộ trưởng Công an Tô Lâm thay mặt Chính phủ báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Ảnh: Phạm Thắng.

Ngoài ra, dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở quy định các chức danh tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đồng thời là đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Bộ Công an nhìn nhận số lượng đội dân phòng đã thành lập trên thực tế mới đạt 77%, tương ứng là 79.672 đội dân phòng trong tổng số 103.568 đội phải thành lập.

Như vậy, cả nước còn thiếu khoảng 23.896 đội dân phòng và thiếu khoảng 47.792 đội trưởng, đội phó đội dân phòng.

Cũng theo Bộ trưởng Công an, việc thành lập các đội dân phòng còn thiếu theo quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy sẽ không phải tuyển chọn, bổ nhiệm chức danh đội trưởng và đội phó đội dân phòng.

Các chức danh này sẽ do tổ trưởng, tổ phó tổ bảo vệ an ninh, trật tự đã được công nhận trước đó kiêm nhiệm. Việc này góp phần giảm đầu mối và bảo đảm tính khả thi.

Giải trình thêm về nguồn chi cho việc kiện toàn và thống nhất lại các lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, Bộ trưởng Công an cho rằng việc này không làm tăng chi ngân sách.

Cụ thể, các địa phương hiện dành khoảng 20-30 tỷ đồng/năm (trung bình 2-2,5 tỷ đồng/tháng) tổng mức chi trung bình cho hoạt động, chế độ, chính sách, bảo đảm điều kiện hoạt động của lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên trách tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.

Chính phủ tính toán sau khi kiện toàn lại lực lượng trên, mỗi địa phương dự kiến chi trung bình 2,4 tỷ đồng/tháng, tương đương 28,8 tỷ đồng/năm cho lực lượng này.

Mức chi này đã bao gồm chi phí hỗ trợ hàng tháng, hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT, trang bị công cụ hỗ trợ, bố trí địa điểm và nơi làm việc...

Như vậy, Chính phủ cho rằng quy định của dự thảo Luật về chế độ, chính sách bảo đảm hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở so với tổng mức chi thực tế hiện nay của địa phương là bảo đảm cân đối và không làm tăng chi ngân sách Nhà nước.

Sách hay về xã hội

Văn minh Việt Nam - nhà dân tộc học Georges Condominas từng nhận xét tác phẩm này là “Cửa sổ để thế giới hiểu về Việt Nam”.

Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Quốc hội xem xét sửa quy định lấy phiếu tín nhiệm

Tại kỳ họp tháng 5 tới, Quốc hội sẽ xem xét sửa đổi Nghị quyết 85 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. 

Quốc hội dự kiến thông qua cơ chế đặc thù cho TP.HCM vào tháng 5

Bên cạnh việc cho ý kiến nhiều dự án luật quan trọng, tại kỳ họp tháng 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm