Tại phiên họp ngày 10/4 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV.
Dự kiến, tổng thời gian làm việc của Quốc hội tại kỳ họp này là 22 ngày. Quốc hội dự kiến họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 22/5, bế mạc ngày 20/6.
Ông Cường cho biết kỳ họp này dự kiến xem xét, thông qua các dự thảo luật: Luật Căn cước công dân sửa đổi, Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Tại kỳ họp sắp tới, Quốc hội cũng xem xét, thông qua dự thảo một số nghị quyết, trong đó có Nghị quyết về cơ chế chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TP.HCM.
Trước đó vào cuối tháng 3, Chính phủ đã có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Tờ trình dựa trên hồ sơ đã được Bộ Tư pháp thẩm định, bao gồm 7 nhóm chính sách đặc thù bao gồm: quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy của TP.HCM và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 5 dự kiến diễn ra ngày 22/5-20/6. Ảnh: Phạm Thắng. |
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết kỳ họp tháng 5 tới rơi vào khoảng giữa nhiệm kỳ, công tác lập pháp rất nặng. Dự kiến tại kỳ họp này, Quốc hội thông qua 7 luật và 4 nghị quyết có tính quy phạm pháp luật, chưa kể nghị quyết chung của kỳ họp.
Đồng thời, Quốc hội sẽ cho ý kiến với 9 dự án luật khác. Như vậy, kỳ họp sẽ thông qua và cho ý kiến 16 dự án luật, 4 dự thảo nghị quyết như luật. Ông Huệ đánh giá công việc này nhiều gấp đôi bình thường.
Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ thảo luận, cho ý kiến về 9 dự án luật sửa đổi bao gồm: Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; Luật Đấu thầu; Luật Giá; Luật Giao dịch điện tử; Luật Hợp tác xã; Luật Đất đai; Luật Nhà ở; Luật Kinh doanh bất động sản; Luật Các tổ chức tín dụng.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhắc nhở tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ. Một số dự án luật sắp được xem xét nhưng tới nay chưa có hồ sơ chính thức của Chính phủ, nên rất khó khăn cho công tác thẩm tra và cho ý kiến.
"Đề nghị Thường vụ Quốc hội cho ý kiến kỹ hơn về việc này để có công tác phối hợp, vì có tận dụng thời gian đến mấy thì quỹ thời gian cũng chỉ có hạn, một ngày chỉ có 24 giờ. Nếu gấp quá, thời gian không đảm bảo thì chất lượng sẽ bị hạn chế", Chủ tịch Quốc hội nói.
Ngoài ra, ông Huệ yêu cầu chương trình kỳ họp ưu tiên bố trí những dự án luật và những dự thảo nghị quyết vào đầu kỳ họp để các cơ quan có thời gian chỉnh lý.
Đồng thời, Chủ tịch Quốc hội đề nghị trong kỳ họp, có khoảng một tuần giãn ra để các cơ quan có công tác chuẩn bị kỹ lưỡng hơn và các đại biểu kiêm nhiệm về giải quyết công tác ở địa phương.
Sách Bàn về Quốc hội - những thách thức của những khái niệm là kết quả của cả một quá trình tích lũy và suy ngẫm của tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.