Chính phủ vừa có tờ trình gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc đề nghị bổ sung Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho phát triển TP.HCM vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Theo đó, Chính phủ cho biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp với UBND TP.HCM và các bộ, ngành liên quan lập đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.
Hồ sơ này đã được Bộ Tư pháp thẩm định và được Chính phủ xem xét, thông qua vào ngày 20/3 với 7 nhóm chính sách đặc thù bao gồm: quản lý đầu tư, tài chính ngân sách, quản lý đô thị và tài nguyên môi trường, thu hút nhà đầu tư chiến lược, quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, tổ chức bộ máy của TP.HCM và tổ chức bộ máy TP Thủ Đức.
Trên cơ sở hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được chuẩn bị, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung Nghị quyết về xây dựng một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5) theo quy trình một kỳ họp.
Về sự cần thiết ban hành Nghị quyết, Chính phủ cho biết TP.HCM là đô thị đặc biệt, lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế; là một trung tâm phát triển kinh tế - xã hội của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và cả nước nói chung, cửa ngõ quan trọng kết nối khu vực, thế giới.
Theo các Nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, mục tiêu phát triển TP.HCM đến năm 2030 là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo, có nguồn nhân lực chất lượng cao; là thành phố dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế số…
Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á; là điểm đến hấp dẫn toàn cầu; kinh tế và văn hóa phát triển đặc sắc, người dân có chất lượng cuộc sống cao…
Do đó, việc xây dựng Nghị quyết về chính sách đặc thù cho TP.HCM nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đến năm 2030, với tầm nhìn đến năm 2045.
Những cuốn sách hay về miền Nam
Đế quốc An Nam và người dân An Nam - bên cạnh thông tin tổng quan về địa lý, sản vật, tập quán ở nước ta hồi thế kỷ XIX, nhiều thông tin quan trọng về sông Mekong, địa lý Đàng Ngoài và Đàng Trong, nhất là Sài Gòn xưa, được ghi chép chi tiết.
Ký họa về Đông Dương - Nam Kỳ là một bộ tranh gồm hàng trăm bức ký họa có giá trị nghệ thuật đặc sắc, phản ánh trực quan, sinh động về đời sống kinh tế, xã hội, văn hóa ở Sài Gòn và Nam Kỳ đầu thế kỷ XX.