Văn minh Việt Nam của tác giả Nguyễn Văn Huyên từ lâu được coi là một trong bốn tác phẩm phải đọc để hiểu về Việt Nam. Tuy nhiên, vốn dĩ đây là tác phẩm viết bằng tiếng Pháp. Tháng 12 này, cuốn sách được tái bản với bản tiếng Việt.
Sách có kết cấu bao gồm 12 chương, cung cấp một lượng thông tin đồ sộ về con người, xã hội và văn hóa Việt Nam giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, những gì thuộc về bản sắc Việt Nam, được gọi là “tật xấu” hoặc “nét đẹp” trong văn hóa người Việt.
Sách Văn minh Việt Nam của tác giả Nguyễn Văn Huyên vừa ra mắt bản tiếng Việt. |
Phần mở đầu Nguyễn Văn Huyên trình bày về đất nước và lịch sử Việt Nam. Chương I với những thông tin nhân trắc học. Ba chương sau tác giả nghiên cứu tổ chức xã hội của người Việt từ gia đình đến làng xã và nhà nước.
Ba chương tiếp là kiến trúc nhà ở của người Việt, các phương thức tập trung dân chúng ở nông thôn và thành thị, cũng như các hành vi ứng xử của người Việt đối với cơ thể, từ cách ăn cách mặc đến cách chăm sóc khi ốm đau hoặc làm đẹp. Ở bốn chương cuối, sách đề cập đến đời sống kinh tế, đời sống tôn giáo, cũng như đời sống tư tưởng, văn học và nghệ thuật.
Nhân dịp ra mắt ấn bản mới của Văn minh Việt Nam, một buổi tọa đàm được Nhã Nam phối hợp tổ chức tối 13/12 tại Trung tâm Văn hóa Pháp tại Hà Nội. Trong tọa đàm, Giáo sư Nguyễn Văn Huy, con trai tác giả Nguyễn Văn Huyên cho biết, cuốn sách được đặt viết theo nghị định (năm 1938) của Toàn quyền Đông Dương ký dùng làm sách giáo khoa cho bộ môn văn hóa Việt Nam trong các trường trung học mới lập hồi đó.
Diễn giả tại tọa đàm về cuốn sách. |
Trong vòng một năm, tác giả Nguyễn Văn Huyên khi ấy 34 tuổi, viết bản thảo cuốn sách vào năm 1939 với tựa đề La civilisation annamite. Tới năm năm sau, năm 1944, sách mới được xuất bản tại Hà Nội, qua kiểm duyệt gắt gao của chính quyền thuộc địa, và cũng là 5 năm kháng cự bền bỉ của tác giả để bảo vệ cho quan điểm của mình.
Sau khi in bản tiếng Pháp, 50 năm sau, sách được dịch sang tiếng Việt lần đầu vào năm 1995 – 1996, in trong cuốn Góp phần nghiên cứu Văn hóa Việt Nam, sau đó tái bản trong Nguyễn Văn Huyên toàn tập, rồi xuất bản trong bộ sách Giải thưởng Hồ Chí Minh, NXB Văn học in. Ấn bản lần này tuy là lần tái bản thứ năm, song gần như là bản độc lập ra thị trường đầu tiên của cuốn sách.
Tác giả Nguyễn Văn Huyên thời trẻ. |
Tiến sĩ Olivier Tessier thuộc Viện Viễn đông Bác cổ cho biết Viện muốn dịch tất cả công trình Nguyên Văn Huyên trong thời gian ông làm việc tại đó. Ông đánh giá: “Trong làn gió nghiên cứu dân tộc học, vai trò của Nguyễn Văn Huyên chưa bao giờ mờ nhạt”. Chỉ riêng Văn minh Việt Nam, lâu nay vẫn được coi là cuốn sách hàng đầu để hiểu về văn hóa, con người Việt Nam.
Không chỉ nói về tác phẩm này, tại tọa đàm, sự nghiệp, đóng góp của Nguyễn Văn Huyên cũng được nhắc tới. Nhà báo Kiều Mai Sơn phân tích, Nguyễn Văn Huyên làm Bộ trưởng Quốc gia Giáo dục Việt Nam chưa được bao lâu thì kháng chiến toàn quốc nổ ra. Trong khó khăn, ông đã tập trung được tầng lớp tinh hoa tri thức đi theo kháng chiến.
Trong suốt 28 năm làm Bộ trưởng, Nguyễn Văn Huyên gây dựng nên nền giáo dục nhân cách con người. Dù trong chiến tranh, nền giáo dục ấy vẫn tạo nên nhiều gương mặt gây bất ngờ cho thế giới.