Bộ Lịch sử thế giới là tác phẩm hợp soạn của 2 tác giả: Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) và Thiên Giang Trần Kim Bảng (1911-1985). Bộ sách được xuất bản trong giai đoạn 1954-1955 tại Sài Gòn và chỉ in duy nhất một lần. Đến năm 1964, tức là khoảng 9 năm sau, bộ sách mới được tái bản.
Đánh giá về bộ sách, giới nghiên cứu cho rằng mặc dù đây là một bộ sách mang tinh thần phổ thông nhưng được biên soạn rất nghiêm túc. Nó hòa quyện cả giá trị của một công trình nghiên cứu khoa học chuẩn mực, khách quan với một sử quan khoáng đạt và giàu nhiệt tâm.
Trong cuốn hồi ký của mình, học giả Nguyễn Hiến Lê từng dành một phần nói về sự ra đời của bộ sử phổ thông này. Cơ duyên đầu tiên, là ở thời điểm đó, ông tiếp cận được một số bộ sử có giá trị như Histoire Universelle của H.G.Wells hay Histoire de l'humanité của H.Van Loom.
"Đầu niên khóa 1954-1955, trong chương trình Trung học có thêm môn Lịch sử thế giới dạy trong 4 năm. Ông Thiên Giang lúc đó dạy sử các lớp trung học. Tôi bàn với ông soạn chung bộ sử thế giới càng sớm càng tốt cho học sinh có sách học, khỏi phải chép "cua" (cours). Ông đồng ý và chúng tôi phân công: tôi viết cuốn đầu và cuốn cuối, ông viết hai cuốn giữa. Chúng tôi bỏ hết công việc khác, viết trong một thời gian mới xong, tôi bỏ vốn ra xuất bản, năm 1955 in xong trước kỳ tựu trường tháng chín." (Hồi ký Nguyễn Hiến Lê trang 354, NXB Văn học, 1993).
Bộ Lịch sử thế giới của 2 tác giả Nguyễn Hiến Lê và Thiên Giang vừa được tái bản sau hơn nửa thế kỷ. |
Tuy được ra đời với một mục đích tích cực như vậy, nhưng bộ sử này lại gặp số phận rất truân chuyên.
Đầu tiên là năm 1956, một độc giả đã mạt sát hai người biên soạn bộ sử này là đầu óc đầy "rác rưởi" chỉ vì trong bộ sách có nhắc tới thuyết tiến hóa của Darwin.
Sự việc càng căng thẳng hơn khi một linh mục ở miền Trung gửi thư yêu cầu Bộ Giáo dục cấm bán và tịch thu hết bộ sách vì trong cuốn 2 về thời Trung cổ, hai tác giả có nói đến sự bê bối cảu một vài vị Giáo hoàng. Trước áp lực, cơ quan quản lý giáo dục của chính quyền họ Ngô đã cử người tới "điều đình" với nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê.
Nhưng mặt khác, cũng có một lệnh cấm ngầm các nhà phát hành không được bán bộ sách ở các trường học miền Trung. Chính lý do này khiến Nguyễn Hiến Lê và Thiên Giang quyết định không tái bản sách cho tới khi chế độ Ngô Đình Diệm bị lật đổ và nhà Khai Trí xin phép được in lại.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Hiến Lê và phu nhân. Ảnh: tư liệu. |
Hơn chục năm sau sự việc, một vị giáo sư từ Huế vào Sài Gòn thăm ông Nguyễn Hiến Lê đã hỏi ông sao hồi đó không đưa ra dẫn chứng những nguồn sử liệu mà ông sử dụng đề viết về những chi tiết "nhạy cảm" đó. Nhà nghiên cứu trả lời: "Tôi xin làm gì? Không khi nào tôi làm công việc đó".
Sau ngày giải phóng năm 1975, vị giáo sư kia một lần nữa tới thăm người đồng nghiệp và nói: "Tôi phục phương pháp biên soạn và tư cách của ông từ hồi đó".
Đọc bộ Lịch sử thế giới của hai nhà nghiên cứu, người ta không chỉ bất ngờ và thích thú với lối viết sử rất gần gũi, cuốn hút nhưng không hề kém phần khoa học. Xa hơn, câu chuyện về bộ sách chính là câu chuyện về nhân cách người làm khoa học.
Nguyễn Hiến Lê (1912-1984) là nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập. Sự nghiệp của ông có tới 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,...