Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Trai nước Nam làm gì?': Cái nhìn mang hơi thở thời đại

Một cuốn sách tuy mỏng nhưng hành văn chắc chắn mang hào khí của người đàn ông nước Nam năm xưa.

Hoàng Đạo Thúy  là một nhà giáo dục, nhà hoạt động văn hóa nổi tiếng ở Việt Nam. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho. Hoàng Đạo Thúy viết rất nhiều về các vấn đề lớn trong xã hội đặc biệt là những công trình nghiên cứu lịch sử Hà Nội.

Tái bản sau 73 năm, Trai nước Nam làm gì? là cái nhìn sắc bén của Hoàng Đạo Thúy về xã hội đương thời. Dù thời gian trôi qua, nhân sinh thay đổi, nhưng tinh thần, truyền thống vẫn mang hơi thở thời sự tới tận bây giờ.

Trai nuoc Nam lam gi anh 1
Cuốn sách Trai nước Nam làm gì?.

 

Trai nước Nam làm gì? gồm 10 chương đề cập đến tình thế đất nước, mục đích sống, nguồn cội và những thói hư tật xấu phải tránh xa. Mặc dù cách viết của Hoàng Đạo Thúy có phần cứng rắn thậm chí ít nhiều cực đoan nhưng điều này cũng chứng tỏ tư tưởng sắc bén, chưa bao giờ lỗi thời của ông.

Thi sĩ Tản Đà từng ngâm trong Mậu Thìn xuân cảm thế này: “Dân hai nhăm triệu ai người lớn? Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con” hàm ý chê trách tư duy, suy nghĩ hời hợt của một bộ phận thanh niên bấy giờ. Những lời Hoàng Đạo Thúy viết như một lời kêu gọi, một cương lĩnh sống. Ông không  thúc ép, không bắt buộc phải nghe theo nhưng lối viết khiến người đọc phải cảm phục, kính nể.

Trước những cơn “ốm tinh thần” đang ngày một nặng hơn, thanh niên đang loay hoay không biết phải thay đổi thế nào khi tứ bề bao quanh bởi thuốc phiện, cờ bạc... Hoàng Đạo Thúy tự biến mình thành một ông đồ bất đắc dĩ, mở một con đường mới có phần hà khắc để mọi người có thể bước đi.

Ông khuyên người ta về cách sống nhân nghĩa và các giá trị của đạo Khổng bao gồm: hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ. Người đời nên tự phải biết hổ thẹn mà kìm hãm những tham, sân, si trong lòng.

Một số tư tưởng của Hoàng Đạo Thúy tuy không còn hợp với thời đại như chuyện ông cho rằng nam nhân sĩ khí mà không lấy vợ là bất hiếu, là cái tội to, tuyệt diệt nòi giống. Nhưng cũng có những khía cạnh ông phân tích rất hay về đời sống tình cảm vợ chồng, cách đối nhân xử thế sao cho vẹn lòng cả đôi bên mà tình nghĩa vẫn vẹn nguyên son sắt.

Ông viết: “Vợ về nhà mình phải thờ kính cha mẹ mình rồi mới đến hầu mình. Bởi vì thờ cha mẹ mình, nối dõi tông đường nhà mình nên mình phải kính vợ. Vợ chồng lấy nhau: tương kính như tân. Nghĩa là kính nhau như bậc khách chớ không phải là coi nhau như khách… Một người đàn bà nếu biết rằng chồng mình yêu mình chỉ vì sắc, chắc tủi thân lắm lắm. Một người đàn ông yêu vợ vì sắc, khổ sở bao nhiêu”.

Dưới ngòi bút của ông một xã hội nước Nam đầy nhiễu nhương và phức tạp được tái hiện. Thói xa hoa, giàu xổi, thích cao lương mỹ vị mà chóng quên giá trị vốn có. Họ thích đi xe hơi, nhà lầu, tiêu xài hoang phí mà chả mấy chốc tất cả lại trở về nông dân như ngày xưa.

Những cách ăn uống mà khoa học mất nhiều thời gian để đưa ra một cách hợp lý thì Hoàng Đạo Thúy đã nhìn ra từ lâu, mặc cho các khái niệm còn khá mơ hồ, đơn giản. Ông tin rằng ăn chậm, nhai kỹ no lâu, cả đời cơm rau đạm bạc sẽ có một cuộc sống khỏe mạnh, không như phường bất lương đánh lừa vị giác con người bằng đủ thứ gia vị, tẩm hóa chất, độc hại.

Nước sẽ mạnh, đời sẽ đẹp nếu có những thanh niên cấp tiến, dám thay đổi. Nhưng mạn phép bình thêm giờ đây không chỉ là nam mới được kinh bang tế thế, cả phận nữ nhi cũng có thể làm nên chuyện lớn, chăm lo quốc gia đại sự. Nói vậy để thấy với cuốn sách này, không hẳn người đọc phải nhất nhất tuân theo nhưng tư tưởng và những phân tích của tác giả vẫn rất đáng suy ngẫm sau hơn nửa thế kỷ.

Ra sách về người thầy trong lịch sử Việt Nam

Đúng dịp ngày Hiến chương nhà giáo 20/11, tập đầu tiên của bộ sách "Những người thầy trong sử Việt" đã được ra mắt bạn đọc.

Gia Hạ

Bạn có thể quan tâm