Một số món ăn trong đám giỗ ở miền Tây. Ảnh: cet. |
Trong gia đình người Việt ở đây gần như nhà nào cũng có nhiều bàn thờ: Thờ Ông Thiên trước sân nhà, bàn thờ ông bà đặt trang trọng ở giữa gian nhà chính, thờ ông Địa, thờ ông Táo... Có nải chuối, chén chè dọn cúng hoặc dịp lễ, Tết diễn ra, ngoài việc đốt nhang, chủ nhà còn lâm khâm vái mời Trời, Phật, thánh thần về thụ lễ, chứng kiến.
Bàn thờ giữa nhà là nơi cư ngụ của ông bà, cha mẹ quá cố. Dân gian gọi chung là bàn thờ Từ đường hay Cửu huyền thất tổ. Hàng ngày, vào sáng sớm và chạng vạng tối, chủ nhà đốt nhang bàn thờ, có khi cúng chung trà hoặc đôi khi nhà có món ngon như chén chè, dĩa bánh, dĩa trái cây hái từ vườn nhà cũng dọn lên bàn thờ rồi đốt nhang cúng.
Hành động này có thể ngầm hiểu là cách mời người quá cố dùng trước vừa chứng giám lòng thành của con cháu. Đối với người hiện tiền thì ông bà tổ tiên luôn quanh quẩn đâu đó để phù hộ độ trì cho con cháu.
Đến ngày mất của người được thờ (biểu hiện trên bàn thờ và cái lư hương cắm nhang, có khi có di ảnh hoặc bài vị) chủ nhà sẽ làm mâm cơm cúng. Dân gian ở đây gọi là đám giỗ. Trong đám giỗ, ngoài mâm cúng trên bàn thờ chính còn mâm cúng đất đai, mâm cúng ông bà quá cố khác, mâm cúng cô hồn các đảng...
Khi mâm cơm cùng các món ngon được bày biện xong, chủ nhà trong trang phục chỉnh tề sẽ thắp ba cây nhang và khấn vái, mời người quá cố về... ăn cơm uống rượu. Lời khấn mời tồn tại trong dân gian chúng tôi sưu tầm được như sau:
"(…) Con xin kính lạy Tổ tiên nội ngoại họ: (nêu họ người được cúng giỗ)
Con là (xưng họ tên), ngụ ở ấp... xã... huyện... tỉnh... nước Việt Nam.
Ngày này, tháng này, cách nay... năm, ông nội (bà nội, ông ngoại, bà ngoại hoặc cha, mẹ,...) của con là (đọc họ tên người được cúng cơm) đã giã từ trần thế nhàn du tiên cảnh. Con cạn nghĩ rằng dù đã vắng xa trần thế không thấy âm dung, nhưng ơn võng cực được xem như trời biển.
Nghĩa sinh thành không bao giờ quên, càng nhớ công ơn gây cơ tạo nghiệp càng cảm thấy thâm tình nặng tựa Thái Sơn, sâu như Đông Hải. Năm qua tháng lại đến ngày húy lâm, hôm nay con cùng toàn gia con cháu trong nhà nhất tâm sắm sửa lễ vật kính dâng và đốt nén hương linh kính mời ông nội (…) cùng toàn thể chư vị hiển linh về dùng bữa cơm rượu lạt, phù hộ độ trì cho con cháu bình an, mạnh giỏi! Con xin thành tâm đảnh lễ!".
Lời mời trong trường hợp này được thực hiện theo cung cách mời trang trọng nhất. Có điều, lời mời được người khấn vái đọc rì rầm trong làn khói hương nhẹ nhàng như tâm sự với vong linh ở thế giới bên kia, người hiện tiền chứng kiến khó nghe được đầy đủ những lời này.
Ngoài lời mời, người mời còn thực hiện những hành động tôn kính khác như chắp tay, hạ thấp người, xá, lạy... Đối tượng giao tiếp trong hoạt động này diễn ra giữa người hiện tại và hương hồn trong thế giới khác. Và vì đối tượng mời là hương hồn nên người hiện tại mặc định rằng đối tượng được mời sẽ quang lâm chứng kiến.
Cá biệt, khi có những hiện tượng xui rủi ngoài ý muốn diễn ra như nhang, đèn tắt, hoặc do bất cẩn, chân nhang ở lư hương bốc cháy... dân gian cho rằng hiện tượng ấy là do người khuất mặt quở trách, không bằng lòng, không nhận lời mời về ăn uống!