Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đòn bánh tét đượm hương vị miệt Hậu Giang

Đòn bánh tét được coi là vật quan trọng nhất. Nó là hương vị ngày xuân, là thực phẩm vừa ngon miệng, vừa no lâu, vừa để tưởng nhớ ông bà tiên tổ.

Nấu bánh tét đón Tết. Ảnh: VTV.

Việc chia chác trong hùn ăn, hùn uống được hiểu là người hùn hưởng ngay phần mình vừa thưởng thức. Riêng trong đám giỗ, sau khi tiệc tàn, khi khách về chủ nhà không quên biếu, tặng khách ít trái cây, bánh, thậm chí tô canh, chén thịt kho... để cảm ơn. Những thứ ấy gọi là cho, nhưng cũng có thể hiểu đó là cách chia... phần hùn vậy!

Khi chế biến món ăn, người ta cũng có thể hùn nhau. Người ra của, người ra công, hoặc cũng có thể một người ra của, năm bảy người góp sức. Chẳng hạn muốn làm khô, làm mắm, người ra cá, hai, ba người cùng nhau làm, ướp, phơi, ủ... đến khi có thành phẩm thì chia nhau theo thỏa thuận từ trước.

Ngày Tết đến, nhà nghèo cũng phải lo tươm tất để cúng ông bà, để lũ trẻ có được miếng ăn ngon. Ngoài ra, tá điền còn phải sửa soạn mâm cơm thịnh soạn dâng cho chủ ruộng, mong lấy lòng để kéo dài thời gian thuê đất.

Trong tất cả sinh hoạt ấy, đòn bánh tét được coi là vật quan trọng nhất. Nó là hương vị ngày xuân, là thực phẩm vừa ngon miệng, vừa no lâu, vừa để tưởng nhớ ông bà tiên tổ. Nhưng để gói được nồi bánh tét thì tốn kém không ít.

Cư dân miệt Hậu giang có cách sáng tạo thú vị là hùn gói bánh tét... ăn Tết. Sau khi đưa ông táo, năm ba nhà trong xóm hứa miệng với nhau rằng sẽ cùng góp công, góp của để gói... nồi bánh!

Người có nếp thì hứa góp nếp, người có tiền khá hơn thì hứa góp mỡ heo, nhà nào trồng đậu xanh thì góp đậu, người thì hùn lá chuối xiêm, dây lác chẻ phơi khô để gói và buộc bánh. Đến ngày, mọi người cùng đến nơi hẹn. Ai có phầnviệc nấy, người gút nếp, người đãi đậu, người lau lá...

Chuẩn bị xong thì hai, ba người gói, số người còn lại đảm trách việc buộc bánh. Đàn ông, trai tráng bắt nồi lớn ngoài hè, hay giữa sân để nấu. Người ta đem những gốc cây, khúc củi lớn để chụm (nấu) bánh. Bánh chín vớt ra rồi lại chia nhau.

Tùy theo lượng công, của đã hùn mà người ta nhận bánh đem về nhà. Trong gia đình, chuyện hùn công, hùn của của các thành viên để cùng xây dựng mái ấm diễn ra lâu dài, có khi lên đến hàng chục năm. Để rồi, khi cho con cái dựng vợ gả chống, gia đình ra riêng, cha mẹ sẽ chia cho người con ấy của cải, đất đai, tiền bạc, vàng vòng...

Việc làm ấy tùy thuộc chủ yếu vào tình thương của cha mẹ nên nó gần với cho, nhưng cũng có khi cha mẹ xem công sức đóng góp của người con ấy cho thành quả của gia đình... thì sẽ gần với hùn và chia. Khi cha mẹ già yếu, họ sẽ làm tờ di chúc hoặc trăn trối bằng lời để chia phần, chia của cải từ nhà cửa, ruộng đất, trâu bò đến xuồng, ghe, cối xay, cối giã, lu, khạp, tủ, bàn... cho các con, cháu.

Người bình dân ở miền đất này có tập quán ở với con út, nên giàu út ăn, nghèo út chịu bởi anh chị đã có của tư riêng hết cả. Phần ông, bà cha mẹ trước khi qua đời cũng không quên để lại ít đất hương hỏa. Ai canh tác trên đất ấy sẽ lo việc thờ cúng hàng năm và nhang khói thờ phượng hàng ngày mà không được sang bán hay chia chác lại cho ai khác.

Nghĩa của từ “hương hỏa 香火” có lẽ gắn liền với điều đó. Riêng bộ ván ngựa để lại cho con, thường được xẻ ra làm hai, phần dành cho người tại thế, phần dành đóng thọ đường (quan tài). Có lẽ đó là phần cuối cùng cho mình mà người đứng ra chia của giành lấy.

Trường hợp, vợ chồng phải chia tay, đường ai nấy đi, thì xảy ra chuyện chia gia tài. Căn cứ vào của cải lúc cha mẹ hai bên cho con, căn cứ vào sự đóng góp của vợ, chồng mà họ hàng hoặc làng xã phân định ai được lấy phần nào. Nó giống như ngày nay tòa phán quyết khi ly hôn vậy.

Chuyện hùn hạp và chia chác bắt đầu hình thành từ những thỏa thuận miệng. Quan trọng là tin nhau vì chữ tín. Ít khi hình thức giao tiếp này được ghi trong văn bản, giấy tờ khế ước. Quá trình hùn tạm chấm dứt sau khi chia chác lợi nhuận. Sau đó, người trong cuộc có thể hùn tiếp, tăng hoặc giảm quy mô tùy theo tính hiệu quả của công việc. Nếu có chuyện xích mích, mâu thuẫn, người trong cuộc thường chọn cách rã phần hùn. Người rộng lượng thì bỏ công, bỏ của để giữ lại chút tình xưa nghĩa cũ.

Trần Minh Thương / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY