Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lì xì là nét văn hóa đẹp ngày Tết

Trong nét ứng xử cho - nhận thì người cho thực hiện hành động cho một cách chủ động, người nhận không ngỏ lời xin, cũng không hay biết trước.

Lì xì là một biểu hiện của tài lộc, may mắn. Ảnh: maisontet.

"Đền ơn dưỡng dục ngày nào.

Đem cho mẹ chút canh rau báo đền".

Những sản vật thu hái, bắt từ tự nhiên dùng để ăn sống hoặc chế biến làm thức ăn như nắm rau, trái bình bát, trái cơm nguội, trái nhãn lồng, trái bần, trái sắn, trái me nước… những con cá lóc mới nhấp, lươn vừa đặt trúm, chim cu vừa gác được hay mớ tôm, tép vừa chạy nò, chạy vó... cũng là món đồ để đem cho, biếu.

Gần gũi hơn, người ta có thể đem cho người thân những vật dụng dùng để đun nấu hoặc sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau trong cuộc sống thường nhật như bó lá dừa khô, bó củi, hay khúc cây làm cán dá, cán búa... cũng có thể đó là cái ống điếu hút thuốc rê, cây cù nghéo làm từ gốc tre già cho các cụ ông, cụ bà đi lại được vững vàng.

Ngược lại, các cụ ông, cụ bà tranh thủ thời gian nông nhàn đương mấy cái rổ may rồi đem cho cháu gái trước ngày vu quy theo chồng. Cũng có khi cha mẹ cho chục cần câu, cái sà nel, cái nôm... mà mình đã làm mấy ngày để con, cháu có phương tiện kiếm ăn.

Người ta cũng đem cho những thứ do công sức mình trồng, tỉa hoặc chăn nuôi mà có được, chẳng hạn ít lon nếp, lon đậu hoặc chục bắp, vài ba trái dừa tươi, dừa khô, buồng chuối chín, ít củ khoai lang, khoai mì, khoai ngọt, hoặc mớ hành, hẹ vừa mới thu hoạch...

Thấy con thiếu ăn, sợ cháu đói, ông bà chạy vạy kiếm được vài ba lít gạo cũng đem cho để đỡ đần con trong cảnh khó khăn. Và cũng có khi họ mang cho cây giống, hột giống như đậu bắp, đậu đũa, bầu, bí, ớt, hom mía, hom khoai... hay vài con gà, vịt; mèo con, chó con... để tiếp giúp cho con cháu trồng trọt, chăn nuôi.

Cuối cùng, những vật dụng đem cho còn có thể do người cho mua từ chợ hoặc mua lại của người khác. Nhà không có sẵn, đi chợ gặp thức ăn ngon, vật lạ như tôm càng, cá he, cá chẽm... hay ngay cả những thứ quen thuộc như chục trầu, chục cau, bánh thuốc rê, cuộn giấy vấn thuốc, vài cái bánh, mấy cục kẹo, mớ trái cây… người ta mua về để cho ông bà cha mẹ hay cho con, cháu… ăn, xài.

Những bộ quần áo đã bận, những vật dụng đã xài qua như nón, khăn... nhưng còn mới tốt sẽ được người ta giữ lại rồi đem cho người thân, hay hàng xóm, láng giềng để kết chặt thêm tình thân ái.

Ông bà, cha mẹ còn cho con cháu tiền, hay những vật dụng quý (cả về giá trị vật chất lẫn giá trị tinh thần) được gia tộc gìn giữ và lưu truyền từ nhiều đời: là cái cối đá của ông cố đã truyền cho ông nội, ông nội cho cha, nay cha cho con... hay bộ ván cây trắc, cẩm lai của ông ngoại cho mẹ làm của hồi môn khi về nhà chồng, nay mẹ lại cho con trai út...

Dân gian gọi những hình thức đó là cho chuyền. Bởi ở đây có hiện tượng người nhận của cho lại trở thành người đem cho lại đối tượng thứ ba, thứ tư... Xem ra, trong đời sống dân gian tồn tại biết bao điều thú vị, độc đáo.

Ngày Tết, ông bà, cha mẹ thường cho tiền trẻ con biểu hiện qua tục lì xì. Cha mẹ, gửi tiền cho con đi học xa nhà, chồng đi làm mướn gửi tiền về cho vợ để trang trải cho gia đình...

Chuyện kể rằng: Xưa, có con yêu quái chuyên xuất hiện vào đêm Giao thừa, thích xoa đầu những đứa trẻ đang ngủ ngon giấc làm chúng bị sốt cao hoặc trở nên ngớ ngẩn. Vì thế những gia đình có con nhỏ phải thức cả đêm để canh không cho yêu quái làm hại con mình.

Gia đình nhà nọ ngoài 50 tuổi mới sinh được một trai. Tết năm ấy, có tám vị tiên dạo qua nhà biết rằng chú bé này sẽ gặp họa với yêu quái nên biến thành tám đồng tiền, cha mẹ chú đem gói vào một mảnh giấy đỏ, đặt bên cạnh gối đứa bé. Khi con quái vật đến, những đồng tiền lóe lên khiến con quái vật hoảng sợ phải bỏ chạy.

Câu chuyện đã được lan truyền khắp mọi nơi và cũng kể từ đó, cứ mỗi dịp Tết đến, người ta lại đem tiền bỏ vào một phong bì đỏ để đem tặng trẻ nhỏ. Dần dần việc ấy đã trở thành thói quen và duy trì cho đến tận bây giờ, mọi người gọi đó là tục lì xì đầu năm mới. Hai chữ 利是 âm Hán Việt là lợi thị (đó là thuận lợi, tốt đẹp), âm Quảng Đông là lì xì.

Trần Minh Thương / NXB Tổng hợp TP.HCM

SÁCH HAY