Bên dưới vùng đầm lầy cỏ rải rác cối xay gió của Hà Lan là kho dự trữ khí đốt tự nhiên lớn hàng đầu châu Âu. Ngay từ mùa đông năm nay, Groningen rộng lớn có đủ khả năng để thay thế phần lớn nhiên liệu mà Đức từng nhập khẩu từ Nga.
Tuy vậy, mỏ này vẫn không được khai thác triệt để và đang trên đà đóng cửa, trong khi Hà Lan từ chối lời kêu gọi cung cấp thêm khí đốt, ngay cả khi châu Âu chuẩn bị cho mùa đông có thể coi là khắc nghiệt nhất kể từ Thế chiến II.
Lý do là bởi việc khai thác dẫn tới nguy cơ rủi ro động đất, nên các quan chức Hà Lan không muốn mạo hiểm thất hứa với cư dân quanh vùng, theo Bloomberg.
"Nhà tôi thành đống đổ nát"
Groningen trở thành trụ cột cung cấp khí đốt châu Âu kể từ năm 1963. Ngay cả sau nửa thế kỷ, kho này vẫn còn khoảng 450 tỷ m3 khí dự trữ, trị giá khoảng 1.000 tỷ USD.
Theo Shell Plc - một trong hai đối tác lớn tham gia vận hành, kho này vẫn còn nhiều khả năng để khai thác khoảng 50 tỷ m3/năm, nhiều hơn con số hiện tại.
Tuy nhiên, cư dân địa phương nói rằng châu Âu nên tìm nguồn cung khác.
Wilnur Hollaar - 50 tuổi, sống ở Groningen gần hai thập niên - vẫn đang đứng ngồi không yên khi các quan chức phớt lờ lo ngại của ông.
“Căn nhà này giống như cung điện khi tôi mua nó vào năm 2004”, ông kể, nói thêm ngôi nhà của ông được xây vào năm 1926. Tuy vậy, giống như hàng nghìn ngôi nhà khác trong khu vực, nhà ông Hollaar đã bị hư hại vì động đất, tường đầy vết nứt trong khi mặt tiền ngôi nhà lún xuống.
“Ngôi nhà của tôi trở thành đống đổ nát”, ông nói.
Bộ trưởng khai thác mỏ Hà Lan Hans Vijlbrief nói việc tiếp tục khai thác khu này là nguy hiểm, nhưng Amsterdam không thể phớt lờ khó khăn của châu Âu.
Ông nói thiếu khí đốt “có thể buộc chúng ta phải đưa ra quyết định này”, và việc bệnh viện, trường học và nhà ở không được sưởi ấm đúng cách cũng là vấn đề liên quan tới tính an toàn.
Ngôi nhà gia cố bằng cọc gỗ do bị sụt lún ở Overschild. Ảnh: Bloomberg. |
Trong bài phát biểu gần đây, Ủy viên Thị trường Nội bộ Liên minh châu Âu Thierry Breton cho biết Hà Lan nên xem xét lại quyết định đóng cửa Groningen. Bản thân ông Vijlbrief cũng bị các đối tác EU khác thúc ép. Tuy nhiên hiện tại, nước này vẫn giữ nguyên quan điểm.
Hồi tháng 2, Thủ tướng Mark Rutte tuyên bố không hoàn toàn loại trừ khả năng dùng Groningen để tăng cường nguồn cung, Reuters đưa tin. Tuy nhiên, ông khẳng định đây sẽ là phương sách cuối cùng và trong trường hợp cực kỳ nghiêm trọng, và hiện tại điều này là không cần thiết.
Groningen chứng kiến các trận rung lắc nhẹ đầu tiên vào năm 1986. Kể từ đó, khu vực này ghi nhận hàng trăm sự cố tương tự.
Mặc dù hầu như đều là rung lắc nhẹ mà cư dân khó có thể tự cảm nhận, trận động đất 3,6 độ vào năm 2012 khiến hàng nghìn người yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản.
Từ năm 2014, chính phủ Hà Lan đặt giới hạn ngày càng khắt khe đối với sản lượng khai thác từ mỏ. Sản lượng giảm từ 54 tỷ m3 vào năm 2013 xuống 4,5 tỷ m3 dự kiến trong năm nay.
Ít nhất 127.000 ngôi nhà đã báo cáo thiệt hại trong tổng số 327.000 căn, theo Viện Thiệt hại Khai thác mỏ Groningen. Đài truyền hình Hà Lan NOS đưa tin kể từ năm 2012, hơn 3.300 tòa nhà đã bị phá bỏ vì rung lắc làm chúng không còn an toàn để ở.
Năm 2019, ông Rutte đã xin lỗi công khai trước quốc hội về vấn đề này, nhưng chính phủ Hà Lan vẫn bối rối trước loạt khiếu nại và nhìn doanh thu tăng đều. Lĩnh vực này đã mang lại tổng lợi nhuận là 422 tỷ USD, trong đó nhà nước Hà Lan nhận được 357,6 tỷ USD trong 60 năm qua.
"Tôi thấy không an toàn trong chính nhà mình"
Vấn đề này được cư dân xung quanh Groningen đặc biệt chú ý.
Ông Hollaar đề nghị được bồi thường 11.800 USD cho thiệt hại ngôi nhà ở Roodeschool, mặc dù ước tính hư hỏng đã khiến căn nhà sụt giá tận 541.000 USD.
Albert Heidema - 69 tuổi - hiện là chủ tịch nhóm hành động địa phương có tên là Ons Laand đấu tranh chống lại cái mà ông gọi là “sự bất công” mà Groningers đối mặt. Hồi năm 2015, một thanh tra nói ngôi nhà của ông ở Appingedam đã “bị phá làm đôi”, nhưng ông vẫn đang chờ quyết định chính thức phá dỡ nhà kể từ đó.
“Những trận động đất thực sự rất khó chịu. Vào ban đêm, âm thanh khiến tôi tỉnh giấc. Tôi cảm thấy không an toàn trong chính căn nhà của mình”, ông kể.
Theo bài báo BBC đăng tải hồi tháng 7, sự bất an và "cuộc chiến" không hồi kết về vấn đề này đã khiến sức khỏe tinh thần của nhiều cư dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Tom Postmes - giáo sư tâm lý xã hội tại Đại học Groningen - cho hay nghiên cứu gần đây tiết lộ khoảng 16 người chết sớm mỗi năm tại khu vực động đất ở Groningen là do căng thẳng vì hiện tượng này. Nhà cửa của những người này trước đó đều ghi nhận thiệt hại.
Biển báo phản đối khai thác khí đốt từ mỏ Groningen. Ảnh: Bloomberg. |
Tình hình tại Groningers nhận được nhiều sự đồng cảm từ cử tri Hà Lan.
Bộ trưởng Vijlbrief thừa nhận trong nhiều năm qua, chính phủ Hà Lan đã khiến những người như ông Hollaar thất vọng. Cùng với Nederlandse Aardolie Maatschappij - liên doanh Shell và Exxon Mobil Corp. vận hành mỏ, chính phủ đã trả 1,65 tỷ euro tiền bồi thường.
Nhưng đó mới là một phần nhỏ so với những gì cư dân mong muốn. Mặc dù thay mặt chính phủ nhận một số trách nhiệm, ông Vijlbrief cũng muốn Shell và Exxon nỗ lực bồi thường hơn nữa.
“Họ hoàn toàn chịu trách nhiệm, giống như chính phủ, đối với những thiệt hại và gia cố nhà cửa”, ông nói.
Thay vì thúc đẩy sản lượng khí đốt, Hà Lan loại bỏ giới hạn với các nhà máy nhiệt điện than để giúp đảm bảo an ninh năng lượng. Ngoài ra, giống các thành viên EU khác, nước này cũng chuyển sang sử dụng nhiên liệu gây ô nhiễm môi trường. Amsterdam tăng gấp đôi công suất nhập khẩu khí đốt tự nhiên hóa lỏng và các kho chứa khí đốt để đảm bảo đầy ở mức 80% trước mùa đông.
Tình hình mùa đông năm nay có thể “khá an toàn”, ông Vijlbrief nói, nhưng ông thấy lo lắng hơn về những gì xảy ra sau đó. "Nếu dùng hết toàn bộ nguồn dự trữ vì mùa đông lạnh giá, bạn sẽ làm thế nào để lại lấp đầy chúng?", ông nói.
Nhiều cư dân Groningen đang chuẩn bị tinh thần trong trường hợp chính phủ đảo ngược quyết định, thậm chí là tăng sản lượng khi áp lực về năng lượng gia tăng.
“Tôi sẽ tiếp tục cuộc chiến này ngay cả khi điều đó giết chết tôi”, ông Hollaar nói. “Tôi có một con chó, một người mẹ già và một ngôi nhà hỏng hóc. Đó là tất cả thứ mà tôi có thể mất”.