Những ngày này, người châu Âu không khỏi thấp thỏm khi xem các hóa đơn năng lượng, chuẩn bị cho đợt tăng giá khí đốt, dầu và điện dưới tác động của cuộc xung đột ở Ukraine. Trong số đó, nhiều người cố gắng tiết kiệm bằng cách tắt đèn và giảm nhiệt độ phòng khi mùa đông đến.
Tuy nhiên, đó không phải điều mà người dân Feldheim đang làm, theo AP.
Thị trấn nhỏ này trực thuộc thành phố Treuenbrietzen, nằm về phía nam thủ đô Berlin, có số dân chỉ khoảng 130 người. Trong hơn một thập kỷ qua, người dân nơi đây đã tự cung cấp năng lượng.
“Mọi người đều có thể ngủ ngon vào ban đêm. Họ không phải lo lắng, vì dù sao giá cả sẽ không thay đổi trong thời gian tới”, Kathleen Thompson, thành viên Diễn đàn Năng lượng Mới - một tổ chức giáo dục địa phương, cho biết.
Thử nghiệm táo bạo
Khoảng giữa những năm 1990, Feldheim đã tiến hành một thử nghiệm táo bạo - lắp đặt một số ít tuabin gió để tự cấp điện cho thị trấn. Sau đó, người dân địa phương xây dựng mạng lưới điện, lắp đặt các tấm pin mặt trời, bộ lưu trữ năng lượng và thêm nhiều tuabin.
Họ cũng xây dựng và mở rộng một hầm biogas để thu thập và tinh chế khí metan, sau đó dẫn loại khí này qua hệ thống sưởi trong toàn thị trấn. Một cơ sở sản xuất hydro cũng đang được xây dựng.
Các tuabin gió ở gần thị trấn Feldheim, thành phố Treuenbrietzen, nằm về phía nam thủ đô Berlin, Đức, vào ngày 28/9. Ảnh: AP. |
Giờ đây, thị trấn Feldheim có 55 tuabin gió trên khắp các khu đất nông nghiệp, và người dân địa phương được hưởng mức giá điện và khí đốt tự nhiên rẻ nhất nước Đức.
Phương pháp sản xuất năng lượng thân thiện với môi trường của Feldheim đã thu hút hàng nghìn du khách mỗi năm, từ khắp nơi trên thế giới.
Thị trấn này trái ngược với phần còn lại của nước Đức - những khu vực vẫn phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu.
Sự khác biệt đó trở nên rõ ràng hơn khi xung đột nổ ra ở Ukraine, đe dọa sự phụ thuộc của Đức và các nước châu Âu khác vào than, dầu và khí đốt tự nhiên của Moscow.
Mặc dù Đức đã bơm hàng tỷ USD vào lĩnh vực phát triển năng lượng tái tạo nhằm giảm lượng khí thải do biến đổi khí hậu, nhiên liệu hóa thạch và năng lượng hạt nhân vẫn chiếm hơn 1/2 tổng sản lượng điện của quốc gia này trong 6 tháng đầu năm nay.
Trước khi xung đột nổ ra ở Ukraine, khoảng 55% lượng khí đốt tiêu thụ ở Đức được nhập khẩu từ Nga. Sau đó, chính phủ Đức đã tìm cách đa dạng nguồn cung, giảm sự phụ thuộc này xuống còn 1/4.
Song mùa đông sắp tới sẽ là thách thức rất lớn đối với nước Đức, khi phải đảm bảo việc sưởi ấm các ngôi nhà và duy trì hoạt động công nghiệp, theo Guardian.
Trước tình trạng khủng hoảng năng lượng, nhiều cơ sở sử dụng nhiên liệu hóa thạch trên khắp nước Đức đã hoạt động trở lại để cung cấp điện cho các nhà máy ở miền Nam.
Ngược lại, nhiều trang trại điện gió vẫn đóng cửa vì vấp phải sự phản đối của người dân.
Để thay đổi nghịch cảnh này, Thị trưởng thành phố Treuenbrietzen Michael Knape cho biết người dân cần có cơ hội trực tiếp tham gia và hưởng lợi từ những dự án chuyển đổi. Đó cũng là chìa khóa thành công của Feldheim.
Tại thị trấn này, người dân ủng hộ việc lắp đặt tuabin đến mức họ đủ khả năng xuất khẩu lượng điện gấp khoảng 250 lần lượng điện tiêu thụ.
“Người dân cần phải cảm thấy rằng đó là quá trình chuyển đổi của họ chứ không phải một sự áp đặt từ phía trên”, ông Knape nói.
Song ông cũng khen ngợi các nhà chức trách đã không cản trở cái mà ông mô tả là một "thử nghiệm" ẩn chứa nhiều nguy cơ thất bại. Vào thời điểm đó, dự án chuyển đổi năng lượng của Feldheim còn nằm trong vùng xám" pháp lý và có thể bị các quan chức ở nơi khác yêu cầu chấm dứt.
“Ở Đức, đôi khi bạn có cảm giác rằng nếu ai đó mắc lỗi, đó sẽ là một vấn đề lớn”, ông Knape nói. "Nhưng chỉ (khi mắc lỗi), chúng ta mới đạt được tiến bộ".
Cần thay đổi cách tiếp cận
Phương pháp tiếp cận của Feldheim để tạo ra năng lượng sạch hoàn toàn trái ngược với thực tiễn ở Đức.
Các công ty năng lượng lớn của Berlin có xu hướng xây dựng và kiểm soát các dự án điện lớn. Trong khi đó, những nỗ lực quy mô nhỏ thường phải đối mặt với nhiều rào cản pháp lý.
Thị trấn Feldheim tự cung cấp năng lượng trong hơn một thập kỷ qua. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, Thị trưởng Knape hy vọng quá trình chuyển đổi năng lượng của Đức có thể bắt kịp Feldheim.
“Tôi tin chắc rằng với áp lực hiện tại ở châu Âu, mọi người đều thấy rõ chúng ta cần tiếp cận vấn đề này khác với trước đây”, ông nói.
Mặc dù không thể áp dụng cách tiếp cận của thị trấn Feldheim ở khắp mọi nơi, những dự án tương tự có thể góp phần tạo ra giải pháp, ông Knape nhận định và nói thêm rằng "nhiều Feldheims nhỏ ít nhất đủ khả năng cung cấp cho một số khu vực của Berlin".
Ông Siegfried Kappert, 83 tuổi, cũng có quan điểm lạc quan tương tự.
Sinh ra và lớn lên ở Feldheim, ông Kappert đã không ngần ngại trả khoản phí 3.000 USD để kết nối các hệ thống trong gia đình với lưới điện và hệ thống sưởi của thị trấn.
Khoản đầu tư đó mang lại hiệu quả lớn, với giá năng lượng thấp cho cả gia đình ông và toàn thị trấn. Feldheim cũng không còn tình trạng thất nghiệp và có nhiều thay đổi tích cực về cơ sở hạ tầng trong thời gian gần đây.
Ông Kappert than thở rằng cựu Thủ tướng Angela Merkel đã để nước Đức phụ thuộc quá nhiều vào năng lượng Nga. Ông cũng cho rằng khối liên minh bảo thủ của bà nên ngừng đối đầu với chính phủ mới.
Trước đó, vào ngày 7/9, lãnh đạo phe đối lập thuộc đảng Bảo thủ Đức Friedrich Merz đã chỉ trích kế hoạch năng lượng của chính phủ là "sự điên rồ" trong bối cảnh giá cả tăng cao, theo DW.
“Họ nên làm việc cùng nhau, đó mới là cách đúng đắn”, ông Kappert nói.
Vị cư dân lớn tuổi của Feldheim cũng bày tỏ niềm tự hào về thành công của quê hương: “Chúng tôi đã tìm kiếm và tìm thấy một lối đi. Thành thật mà nói, chúng tôi tự hào về điều này”.