Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner. Ảnh: Reuters. |
Ngày 29/9, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner khẳng định Berlin đang tham gia “cuộc chiến năng lượng” trước Nga. Trước đó, chính phủ Đức đã công bố khoản cứu trợ 200 tỷ euro nhằm bảo vệ người tiêu dùng và các công ty khỏi chi phí năng lượng tăng cao, theo Politico.
Thông báo về khoản trợ cấp được đưa ra sau nhiều ngày đàm phán giữa Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck từ đảng Xanh và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner từ đảng Dân chủ Tự do.
“Quyết định này là một câu trả lời rõ ràng cho Nga. Chúng tôi mạnh về kinh tế và chúng tôi huy động sức mạnh kinh tế này khi cần thiết”, ông Lindner nói trong cuộc họp báo.
Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck, Thủ tướng Olaf Scholz và Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner trong cuộc họp báo ngày 29/9. Ảnh: AFP. |
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang cố gắng đối phó với chi phí điện và khí đốt tăng cao, phần lớn gây ra do Nga cắt nguồn cung khí đốt cho châu Âu. Moscow cho rằng chính những lệnh trừng phạt của phương Tây đã gây ra tình trạng này, theo Reuters.
Theo kế hoạch được đề xuất, Đức sẽ đặt ra giới hạn cho giá khí đốt và sử dụng quỹ 200 tỷ euro chi trả phí chênh lệch giữa giới hạn này với giá các nhà nhập khẩu phải trả. Một khoản thuế khí đốt gây tranh cãi sẽ được loại bỏ để tránh tăng giá thêm.
Berlin cũng tuyên bố giảm lợi nhuận của các công ty năng lượng ít bị ảnh hưởng bởi giá khí đốt.
Các nhà cung cấp năng lượng lớn của Đức như Uniper đã rơi vào tình trạng khó khăn nghiêm trọng về tài chính sau khi Nga tạm dừng cung cấp khí đốt. Các công ty bắt buộc phải bù đắp khối lượng khí đốt còn thiếu bằng các giao dịch đắt đỏ trên thị trường thế giới.
“Chính phủ Đức sẽ làm mọi thứ để giá cả giảm xuống”, Thủ tướng Olaf Scholz cho biết.
Một báo cáo vào tháng 9 cho biết Đức phải đối mặt với mức lạm phát 10%, cao nhất trong 70 năm qua. Giá năng lượng cũng có tác động một phần tới con số này, theo Le Monde.
Các nhà máy điện hạt nhân ở miền Nam nước Đức sẽ có thể tiếp tục hoạt động đến đầu năm 2023. Đồng thời, chính phủ Đức đang tìm kiếm các nguồn cung năng lượng thay thế, đẩy nhanh việc xây dựng cơ sở hạ tầng để nhập khẩu năng lượng từ những nơi xa hơn.