Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh giác với quảng cáo 'làm nhanh căn cước công dân gắn chip'

Từ quảng cáo dịch vụ “Nhận làm căn cước công dân giả” hoặc “Làm CCCD giả gắn chip phôi chuẩn 2023”, kẻ lừa đảo có thể chiếm đoạt tiền, khai thác thông tin nạn nhân.

Người dùng cần cảnh giác trước các thủ đoạn dụ làm nhanh hoặc làm giả căn cước công dân. Ảnh: HL.

Trong bản tin tuần vừa qua, Cục An toàn thông tin (ATTT) - Bộ Thông tin & Truyền thông, tiếp tục cảnh báo một số hình thức lừa đảo đáng chú ý trên Internet.

Bên cạnh thủ đoạn đánh cắp dữ liệu thông qua dịch vụ làm căn cước công dân (CCCD) gắn chip, kẻ lừa đảo còn lợi dụng các tựa game và đầu tư tiền mã hóa để tiếp cận nạn nhân thuộc nhiều lứa tuổi, ngành nghề.

Mở dịch vụ làm CCCD để lừa đảo

Thời gian gần đây, kẻ lừa đảo tạo các fanpage quảng cáo dịch vụ “Nhận làm căn cước công dân giả” hoặc “Làm CCCD giả gắn chip phôi chuẩn 2023” thu hút lượng lớn tương tác.

Khi có người liên hệ, chúng yêu cầu cung cấp thông tin rồi chuyển tiền cọc, sau đó chiếm đoạt và chặn mọi liên lạc. Trong một số trường hợp, kẻ lừa đảo giao CCCD nhưng không giống quảng cáo, nhiều chi tiết dễ phân biệt bằng mắt thường.

Series diem tuan Cuc ATTT anh 1

Xuất hiện thủ đoạn dụ người dân làm nhanh CCCD gắn chip để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ảnh: Cục ATTT.

Không chỉ chiếm đoạt tiền, đối tượng còn có thể khai thác hình ảnh, thông tin do nạn nhân cung cấp để làm giả CCCD, sau đó mở tài khoản ngân hàng nhằm tiếp tục lừa đảo.

Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao khẳng định đây là hành động vi phạm pháp luật nghiêm trọng, làm gia tăng nguy cơ phát sinh tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, rửa tiền, đánh bạc...

Để phòng ngừa nguy cơ lộ thông tin trên CCCD, Cục ATTT khuyến cáo người dân tăng cường bảo mật thông tin quan trọng. Tuyệt đối không cung cấp dữ liệu có trên CCCD, số tài khoản ngân hàng hoặc mật khẩu, không chia sẻ ảnh CCCD lên mạng xã hội hoặc dưới mọi hình thức.

Nếu lưu trữ ảnh chụp CCCD hoặc thông tin nhạy cảm trên điện thoại, người dùng nên cài app từ các nguồn chính thống như App Store (trên iOS) hoặc Play Store (trên Android).

Phòng tránh lừa đảo trẻ em trên Internet

Một số nghiên cứu cho thấy các tựa game như Fortnite hay Roblox đang bị lợi dụng để lừa đảo người chơi, phần lớn là trẻ em.

Series diem tuan Cuc ATTT anh 2

Kẻ lừa đảo dễ dàng dụ dỗ trẻ em thông qua các tựa game phổ biến. Ảnh: Cục ATTT.

Sau khi tiếp cận, kẻ lừa đảo dụ dỗ trẻ em truy cập website, tải file PDF để nhận tiền hoặc vật phẩm quý trong game. Thực chất, đó là các địa chỉ và ứng dụng độc hại nhằm đánh cắp thông tin, chiếm quyền điều khiển máy tính.

Nhằm ngăn chặn trẻ em trở thành nạn nhân của lừa đảo, Cục ATTT nhấn mạnh phụ huynh cần quan tâm, giải thích con em về việc không chia sẻ thông tin cá nhân trên Internet, dạy cho trẻ kỹ năng nhận biết các lời dụ dỗ, website và đường dẫn lạ.

Phụ huynh cần thường xuyên theo dõi việc sử dụng Internet, danh sách bạn bè và nội dung tải xuống của trẻ em, cài đặt phần mềm bảo mật uy tín để kịp thời phát hiện website, phần mềm độc hại. Đồng thời, khuyến khích con em chia sẻ tin nhắn đáng ngờ.

Thủ đoạn lừa đảo đầu tư tiền số

Thời gian gần đây, hình thức lừa đảo thông qua kêu gọi góp vốn đầu tư tiền mã hóa với cam kết lãi suất cao, hoàn tiền nếu gặp rủi ro có dấu hiệu gia tăng.

Một sàn giao dịch được kẻ lừa đảo sử dụng có tên TokenPocket. Bằng nhiều chiêu trò, đối tượng lôi kéo nạn nhân tham gia đầu tư, sau đó đóng tài khoản để chiếm đoạt tiền. Mục tiêu của chúng là doanh nhân, chủ doanh nghiệp, hoa hậu, người đẹp, cán bộ hưu trí...

Series diem tuan Cuc ATTT anh 3

Kẻ lừa đảo lợi dụng các sàn giao dịch, website tiền mã hóa giả mạo để lừa người dùng. Ảnh: Cục ATTT.

Một thủ đoạn phổ biến là mạo danh các sàn giao dịch tiền mã hóa của nước ngoài, hoặc giả mạo công ty để tạo ra website, ứng dụng lừa đảo.

Tên miền của các sàn giả mạo chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, sau khi lừa nhiều người sẽ đóng và chuyển sang tiền miền khác để ngăn chặn việc điều tra, truy vết của cơ quan chức năng.

Theo thống kê, có gần 26 triệu người sở hữu tiền mã hóa tại Việt Nam, trong khi Nhà nước chưa công nhận tiền mã hóa. Đáng chú ý khi số nạn nhân bị lừa đảo liên quan đến tiền số chiếm 2/3 số vụ lừa đảo trên không gian mạng.

Nhằm ngăn chặn hình thức lừa đảo trên, Cục ATTT khuyến cáo người dân luôn cảnh giác, chỉ tin tưởng vào các nền tảng, sàn giao dịch uy tín.

Ngoài ra, cần cảnh giác trước các lời đề nghị, giới thiệu đầu tư tài chính qua mọi hình thức, đặc biệt là trên Internet. Người dùng cũng nên tìm hiểu kỹ về sàn giao dịch và công ty đầu tư. Nếu cảm thấy không chắc chắn, hãy tham khảo chuyên gia tài chính hoặc luật sư để có quyết định sáng suốt.

Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ

Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.

Người Việt mất trung bình 734 USD khi bị lừa qua mạng

Trong khi tần suất tiếp cận ngày càng tăng, cuộc gọi điện thoại và tin nhắn SMS vẫn là các kênh liên lạc phổ biến của kẻ lừa đảo.

Lý do Facebook tràn ngập quảng cáo đồi trụy, loa Marshall giả

Chế độ Chuyên nghiệp của Facebook cung cấp tính năng chạy quảng cáo cho người dùng cá nhân. Công cụ được sử dụng để phát tán nội dung đồi trụy, lừa đảo trên nền tảng.

Mất 70 triệu đồng vì tin video deepfake

Nhiều nhóm lừa đảo dành thời gian thu thập hình ảnh người thân của nạn nhân, tạo video deepfake rồi gọi điện để lừa chuyển tiền.

Phúc Thịnh

Bạn có thể quan tâm