Trưa 27/9, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT, Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai cùng lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên - Huế đã thị sát tại Quảng Công (huyện Quảng Điền) và khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão Phú Hải (huyện Phú Vang).
Trong khi đó, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết đến 13h, tâm bão cách đất liền Đà Nẵng - Quảng Ngãi 270 km về phía đông. Sức gió duy trì mạnh nhất cấp 14-15, giật trên cấp 17 trong những giờ qua. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14-15 (150-183 km/h), giật trên cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 300 km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 150 km tính từ tâm bão.
Cơ quan khí tượng nhận định trong 12 giờ tới, bão giữ cường độ trên và đi vào vùng biển từ Thừa Thiên - Huế đến Quảng Ngãi. Lúc 1h sáng 28/9, sức gió mạnh nhất vẫn ở cấp 14-15.
Hoàn thành di dời dân trước 15h chiều nay
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết tỉnh quyết liệt ứng phó với cơn bão số 4, dự kiến di dời 12.000 hộ với khoảng 50.000 dân.
“Công tác di dân sẽ kết thúc vào 15h chiều 27/9. Phương án '4 tại chỗ' được phát huy cao độ, bởi vì khi bão gió lớn sẽ không có hoạt động tác nghiệp trên đường được. Các phương án liên quan đến an toàn của người dân đã được các cấp chính quyền chuẩn bị chu đáo", ông Phương nói.
Đến 14h, địa bàn Đà Nẵng bắt đầu có mưa to kèm theo những đợt gió từ ngoài biển thổi vào. Người dân địa phương được nghỉ làm nên đã tranh thủ đến chợ, cửa hàng tạp hóa mua nhu yếu phẩm, các vật dụng như bao tải, dây thép để gia cố nhà cửa.
Những tuyến đường ven biển thưa thớt người qua lại, quán xá, nhà hàng đã “cửa đóng, then cài”. Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Thi, ngụ quận Sơn Trà (Đà Nẵng), nói dù việc phòng chống bão đã hoàn tất, mọi thành viên trong gia đình rất lo lắng.
“Chúng tôi được thông báo là cơn bão này mạnh nhất trong 20 năm qua nên rất bất an. Hy vọng khi vào đất liền, cường độ gió sẽ giảm để hạn chế nguy cơ thiệt hại”, ông Thi chia sẻ.
Trưa cùng ngày, ông Nguyễn Văn Quảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã đi kiểm tra công tác phòng, chống bão Noru tại một số vùng xung yếu của huyện Hòa Vang. Điểm thị sát đầu tiên của Bí thư Thành ủy Đà Nẵng và đoàn công tác là khu vực đồi Núi Sọ, thôn An Ngãi Tây, xã Hòa Sơn.
Theo lãnh đạo huyện Hòa Vang, đây là điểm dân cư từng nhiều lần xảy ra sạt lở trong thời gian qua. Khu vực này có 43 hộ dân với 143 nhân khẩu, đa phần kinh tế còn khó khăn, nhà cửa tạm bợ.
Lo ngại bão Noru đe dọa tính mạng, tài sản của người dân, chính quyền huyện đã và đang di dời họ đến những tòa nhà kiên cố để trú tránh. Tương tự, tại đồi Lệ Mỹ (xã Hòa Liên) và Nam Mỹ (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), hơn 100 người dân sống trong khu vực có nguy cơ sạt lở.
Sau khi khảo sát, ông Quảng yêu cầu lãnh đạo địa phương khẩn trương di dời người dân đến nơi an toàn. “Hòa Vang là địa bàn trọng yếu của thành phố, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan bất kỳ công tác chuẩn bị nào. Việc di dời dân đến nơi an toàn phải tiến hành khẩn trương, trong chiều nay phải xong”, ông Quảng chỉ đạo.
Người đứng đầu Thành ủy Đà Nẵng yêu cầu sở, ngành liên quan chuẩn bị đầy đủ thuốc men, nhu yếu phẩm cho người dân trong những ngày ứng phó bão. “Tuyệt đối không để bất cứ người nào thiếu đói, bị rét”, ông Quảng nhấn mạnh.
Huyện đảo Lý Sơn đã có gió giật cấp 11
Tại Quảng Nam, ông Bùi Ngọc Ảnh, Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ, cho biết đến trưa nay, địa phương đã hoàn tất việc thực hiện sơ tán người dân đến nơi tránh, trú bão an toàn.
Địa phương đã sơ tán hơn 4.300 hộ dân với hơn 14.700 nhân khẩu. Trong đó, có hơn 2.300 hộ sơ tán xen ghép và hơn 2.000 hộ sơ tán tập trung tại các địa điểm kiên cố trong trung tâm thành phố.
Theo ghi nhận, đầu giờ chiều 27/9, TP Tam Kỳ đã có mưa nặng hạt và gió bắt đầu lớn dần. Người dân địa phương cũng gần như hoàn thành chằng chống nhà cửa để phòng tránh bão Noru.
Tại huyện Núi Thành, Quảng Nam, gần 50 cán bộ, chiến sĩ sử dụng đò tiếp cận thôn Long Thạnh Tây, hỗ trợ gần 100 hộ dân với 285 nhân khẩu di chuyển vào đất liền. Sau đó, xe của Sư đoàn 315 đưa người dân đến tránh trú bão tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (xã Tam Giang, Núi Thành).
Lãnh đạo xã Tam Hải cho hay địa phương đã cắt cử nhân lực phục vụ nhân dân xã đảo Long Thạnh Tây trong thời gian tránh bão. Lực lượng dân quân sẽ thường trực 24/24 và phục vụ các suất cơm, nước uống và hỗ trợ tình huống khẩn cấp nếu có. Xã cũng đã chuẩn bị lương thực dự phòng đảm bảo trong 7 ngày tới.
Tại Quảng Ngãi, ông Nhâm Xuân Sỹ, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, cho biết đến 14h ngày 27/9, khu vực huyện đảo Lý Sơn đã có gió cấp 8, giật cấp 11. Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, đã đi kiểm tra công tác sơ tán dân vùng ven biển huyện Bình Sơn, địa phương có thể ảnh hưởng trực tiếp từ cơn bão số 4.
"Tôi yêu cầu lực lượng vũ trang phối hợp với địa phương giúp dân sơ tán đến các khu ký túc xá, trường học để tránh trú bão đảm bảo an toàn tính mạng. Trước 14h, việc sơ tán dân tránh bão phải hoàn thành", ông Minh yêu cầu.
Đến 14h cùng ngày, các địa phương ở Quảng Ngãi đã di dời hơn 53.000 người dân vùng trũng, thấp, ven sông, ven biển và vùng nguy cơ sạt lở núi đến các nơi tập trung để tránh bão.
Sau khi kiểm tra tình hình neo đậu của tàu thuyền tại cảng cá Tam Quan Bắc, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, yêu cầu cơ quan chức năng cần chủ động theo dõi diễn biến, đường đi của bão số 4. Cùng với đó, các ngư dân Bình Định chủ động bảo vệ tài sản, neo đậu tàu thuyền đến nơi an toàn.
Còn tại núi Gai, thôn Trà Cong, xã An Hoà, huyện An Lão, Chủ tịch tỉnh Bình Định yêu cầu khẩn cấp di dời 178 hộ trong vùng nguy hiểm. “Mưa to sẽ gây lụt và sạt lở. Đặc biệt tại các điểm sạt lở, các anh phải sống chết di dời bà con ngay”, ông Phạm Anh Tuấn yêu cầu.
Tại 2 xã ven biển Mỹ Đức, Mỹ An (huyện Phù Mỹ), ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, cũng chỉ đạo UBND huyện Phù Mỹ huy động lực lượng hỗ trợ di dời ngay các hộ dân có nhà sát biển và số lượng tàu thuyền đang ở mép biển đến nơi an toàn. Bên cạnh đó, giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, sử dụng bao cát đắp bờ ngăn nước biển vào khu dân cư, đảm bảo an toàn cho người dân.
Siêu bão Noru
Nỗi sợ lũ về trong đêm của người miền Trung
2h sáng, lũ ùn ùn đổ về, kéo dài suốt một ngày. Nhiều nhà dân trở tay không kịp, ngậm ngùi nhìn tài sản chôn chặt dưới lớp bùn đặc.
Sự bất thường của siêu bão Noru
Giới khoa học cho rằng trong tương lai, cường độ bão trở nên khó dự đoán hơn. Điều này khiến các quốc gia dễ bị tổn thương vì khí hậu cần luôn sẵn sàng cho tình huống xấu nhất.
Nước biển ở Huế đổi màu bất thường sau bão Noru
Sau bão Noru, bờ biển xã Lộc Vĩnh xuất hiện màu nước khác thường. Người dân nghi ngờ việc nước biển màu nâu đỏ có thể do nước thải từ bãi tập kết dăm gỗ gần đó gây ra.
Lời cảnh báo cho cả thế giới từ hai siêu bão
Trước lời cảnh báo về việc thời tiết cực đoan sẽ xuất hiện ngày càng dày đặc, thế giới được cho vẫn làm chưa đủ để tự bảo vệ mình, đặc biệt khi hành tinh tiếp tục nóng lên.
Sạt lở chia cắt tỉnh lộ ở Quảng Nam, 6.000 người bị cô lập
Tuyến ĐT601 của tỉnh Quảng Nam sạt lở khiến 6.000 người thuộc 4 xã vùng biên giới bị cô lập.