Trước khi hội nghị nhà phát triển Build 2024 diễn ra vào 21/5, Microsoft đã tổ chức sự kiện riêng để giới thiệu các công cụ trí tuệ nhân tạo (AI) và máy tính Surface thế hệ mới.
Microsoft đưa ra tầm nhìn về Copilot+PC, máy tính với khả năng chạy tác vụ AI tạo sinh trực tiếp thay vì dựa vào đám mây. Bên cạnh hệ sinh thái Surface, một số nhà sản xuất cũng ra mắt các máy tính Copilot+PC đầu tiên. Công ty còn giới thiệu một số tính năng AI sắp có mặt trên Windows 11.
Máy tính tối ưu cho Copilot
Một trong những tâm điểm của sự kiện xoay quanh Copilot+PC - tiêu chuẩn dành cho máy tính xoay quanh công cụ AI cùng tên. Thiết bị cần sở hữu bộ xử lý thần kinh (NPU) sức mạnh ít nhất 40 TOPS (nghìn tỷ tác vụ mỗi giây), tối thiểu 16 GB RAM và SSD 256 GB.
Theo Engadget, đây là thông số cần thiết nhằm chạy những tác vụ AI tạo sinh trên laptop, không cần Internet để kết nối máy chủ. Cách tiếp cận này được áp dụng trên một số smartphone cao cấp, chẳng hạn như Google Pixel.
Microsoft tuyên bố máy tính Copilot+PC chạy nhanh hơn MacBook Air M3. Ảnh: The Verge. |
Microsoft cho biết đã "tái kiến trúc" Windows 11 để tối ưu các hệ thống cùng tích hợp bộ xử lý trung tâm (CPU), bộ xử lý đồ họa (GPU) và NPU. Công ty cũng hợp tác một số nhà sản xuất chip như AMD, Intel, Qualcomm, bên cạnh các hãng laptop.
Trong sự kiện, Microsoft tuyên bố Copilot+PC nhanh hơn 58% so với MacBook Air dùng chip M3. Các hệ thống có thể chạy hàng chục mô hình ngôn ngữ nhỏ, phục vụ một số tính năng như ứng dụng Copilot độc lập.
Surface Pro và Laptop tích hợp AI
Microsoft cũng giới thiệu các mẫu Surface cho người dùng phổ thông. Tất nhiên, đây là một trong những Copilot+PC đầu tiên trên thị trường.
Surface Laptop 2024 sở hữu viền màn hình mỏng, trang bị chip Snapdragon X Elite của Qualcomm. Thiết bị có 2 tùy chọn 13,8 và 15 inch, hiệu năng nhanh hơn 86% so với Surface Laptop 5, RAM tối đa 32 GB và SSD tối đa 1 TB.
Microsoft Surface Pro 2024. Ảnh: The Verge. |
Chuyển sang kiến trúc ARM có thể kéo dài thời lượng pin trên Surface Laptop 2024. Microsoft nói phiên bản 15 inch cho thời gian sử dụng tối đa 22 tiếng khi phát video offline, và 15 tiếng nếu duyệt web liên tục. Sản phẩm dự kiến lên kệ vào 18/6 với giá khởi điểm 1.000 USD.
Trong khi đó, Surface Pro 2024 lần đầu bổ sung tùy chọn OLED, chip Snapdragon X Elite. Microsoft tuyên bố thiết bị chạy nhanh hơn thế hệ trước 90%, thời lượng pin 14 tiếng khi xem video offline. Dù vậy, máy chỉ có 2 cổng USB-C.
Đại diện Microsoft giới thiệu Surface Laptop 2024. Ảnh: The Verge. |
Giá bán khởi điểm của Surface Pro OLED là 1.500 USD. Nếu quá đắt, người dùng có thể chọn phiên bản LCD với giá từ 1.000 USD, chip Snapdragon X Plus, SSD 256 GB và RAM 16 GB.
Bên cạnh phần cứng mới, Microsoft cũng giới thiệu một số phụ kiện như bàn phím Surface Pro Flex giá 350 USD, hoặc 450 USD nếu mua kèm bút cảm ứng Surface Pen.
Laptop Copilot bên thứ ba
Không chỉ Microsoft, các hãng Samsung, Asus, Lenovo, Acer và Dell cũng giới thiệu những Copilot+PC đầu tiên. Ví dụ như Asus Vivobook S 15 với chip Snapdragon X Elite, NPU 45 TOP, màn hình OLED 15,6 inch và khối lượng 1,4 kg (nhẹ hơn MacBook Air 15 inch).
Bên cạnh Copilot, sản phẩm còn tích hợp một số tính năng AI của Asus như camera hồng ngoại AiSense, khả năng tinh chỉnh màn hình khi phát hiện hoạt động của người dùng. Ngoài ra, ứng dụng StoryCube có thể tự phân loại ảnh RAW và ảnh nén, phục vụ người thường xuyên chụp ảnh.
HP Omnibook X. Ảnh: Engadget. |
HP cũng trình làng Omnibook X (giá khởi điểm 1.200 USD) và Elitebook Ultra (giá khởi điểm 1.700 USD). Đây là cơ hội để công ty quảng bá thương hiệu máy tính mới có tên Omni, thay thế toàn bộ dòng Spectre, Pavilion và Envy.
Dù một số tính năng AI trên Windows 11 chưa phát hành, trang tin Engadget không đánh giá cao thiết kế trên các laptop HP mới.
Tuy trang bị cổng tai nghe 3,5 mm, sản phẩm chỉ có thêm 2 cổng USB-C và một cổng USB-A. Bù lại, HP tuyên bố thời lượng pin của Omnibook X có thể đạt 26 tiếng khi phát video offline.
Lenovo giới thiệu 2 mẫu máy tính Copilot+PC gồm ThinkPad T14s Gen 6 và Yoga Slim 7x, trong khi Dell cũng trình làng 5 model mới. Tất cả sử dụng chip Snapdragon X, kiến trúc ARM với NPU 45 TOP thay vì AMD hay Intel.
Windows 11 tối ưu cho ARM
Do chip Snapdragon sử dụng kiến trúc ARM, Microsoft đã tối ưu Windows 11 cho kiến trúc này. So với Intel hay AMD, chip của Qualcomm vẫn đảm bảo hiệu năng cao, tiết kiệm năng lượng và chi phí.
Microsoft từng nỗ lực mang Windows lên chip ARM nhưng không thành công. Do đó, công ty đã dành thời gian tối ưu Windows 11 với AI, hoạt động tốt hơn trên chip ARM.
Tính năng Recall hiển thị các hành động của người dùng dưới dạng dòng thời gian. Ảnh: Microsoft. |
Theo Microsoft, Windows 11 giờ đây tích hợp driver tính toán mới để nhận diện NPU, các API liên quan đến AI cũng được tích hợp trực tiếp vào hệ điều hành.
Dù tối ưu chip ARM, Windows 11 trên những thiết bị này vẫn có thể chạy ứng dụng x86 hay x64 nhờ trình giả lập Prism, tốc độ cải thiện 20% so với công cụ giả lập trước đây của Microsoft.
Hiện tại, tất cả ứng dụng mặc định của Microsoft đã tối ưu để chạy trên chip ARM. Những app bên thứ ba như Chrome, Spotify, Zoom, WhatsApp, DaVinci Resolve hay nhiều phần mềm của Adobe cũng sẽ có phiên bản ARM.
AI tiếp tục "đổ bộ" Windows 11
Với phần cứng và phần mềm tối ưu, các mẫu Copilot+PC sẽ tận dụng hàng loạt tính năng AI mới trên Windows 11. Đầu tiên là Recall, cho phép người dùng tìm lại hành động từng thực hiện trên máy tính trong quá khứ bằng cách nhập câu lệnh.
Ví dụ, nếu tham khảo một mẫu điện thoại cách đây vài tháng và muốn tìm lại thông tin, người dùng có thể mô tả bằng văn bản hoặc giọng nói để Recall tìm giúp.
Các ứng dụng bên thứ ba tối ưu cho ARM. Ảnh: The Verge. |
Theo Engadget, công cụ này cũng có thể khai thác email, tài liệu và tin nhắn để tìm kiếm thông tin. Microsoft khẳng định dữ liệu mà Recall tham khảo được lưu trên máy, không dùng để đào tạo mô hình AI.
Microsoft cũng biến Copilot thành ứng dụng riêng, có thể kích hoạt dưới dạng sidebar, chạy toàn màn hình hoặc cửa sổ. Người dùng có thể đưa thông tin cho Copilot bằng cách kéo thả.
Tiếp theo, Microsoft Paint sẽ tích hợp công cụ tạo ảnh Cocreator với một số tính năng như thanh trượt "sáng tạo", cho phép điều chỉnh mức độ can thiệp ảnh gốc của AI.
Tính năng sáng tác ảnh bằng AI trong Microsoft Paint. Ảnh: The Verge. |
Ngoài ra, chế độ Live Captions có thể dịch một số ngôn ngữ sang tiếng Anh theo thời gian thực. Trong Windows Photos, tính năng Super Resolution có thể phục hồi ảnh cũ.
Cuối cùng là công nghệ nâng cấp hình ảnh trong game của Microsoft. Tương tự DLSS của Nvidia, Auto Super Resolution sẽ tận dụng AI để nâng đồ họa, tốc độ khung hình trong game nhưng không ảnh hưởng hiệu năng.
Giải mã bí ẩn Thung lũng Silicon
Cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn về Thung lũng Silicon qua cái nhìn của người trong cuộc, đồng thời đưa ra những lời khuyên để giúp các doanh nghiệp khởi nghiệp đi đúng hướng.