Năm 2013, Microsoft quyết định chi hơn 7 tỷ USD để mua lại mảng thiết bị cầm tay của Nokia. Mục đích của thương vụ này là nhằm tạo ra một hệ điều hành thứ 3 để cân bằng thị trường vốn chỉ có iOS và Android.
Thương vụ chính thức được thông qua và hoàn thành vào cuối tháng 4/2014, tròn 10 năm trước. Tuy vậy, dự án Windows Phone của Microsoft và Nokia đã nhanh chóng thất bại thảm hại. Năm 2015, Microsoft ghi nhận khoản lỗ, chấp nhận bán lại Nokia khiến hàng nghìn người mất việc.
Vậy điều gì đã dẫn đến sai lầm khủng khiếp như vậy? Theo The Register, đó là sự kết hợp tai hại của những quyết định tồi về nhân sự, một thị trường đang phát triển theo cách mà những người kín tiếng không thể dự đoán được, và những sản phẩm thực sự thảm họa.
Gã khổng lồ không đối thủ
Vào những năm 1990, Nokia là nhà sản xuất điện thoại hàng đầu thế giới. Nếu các sản phẩm của Blackberry mang tính biểu tượng thì Nokia sản xuất những chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới có công nghệ Wi-Fi. Ngoài ra, hãng cũng mang lại chất lượng chụp hình thật sự tốt.
Trong suốt một thời gian dài từ cuối những năm 1990 đến đầu những năm 2000, Nokia đã trở thành ngôi sao trong làng công nghệ toàn cầu: nhà sản xuất di động lớn nhất thế giới, thương hiệu mà gần như bất kỳ ai muốn mua điện thoại cũng tìm đến. Thời điểm đó, chữ Nokia gần như đồng nghĩa với điện thoại di động.
Nokia 3310 đến nay vẫn là một phần ký ức của nhiều người. Ảnh: Mockuuups. |
Năm 1991, Thủ tướng Phần Lan Harri Holkeri đã sử dụng sản phẩm của Nokia để thực hiện "cuộc gọi di động bằng hệ thống toàn cầu" đầu tiên trên thế giới.
Theo thời gian, Nokia dần tự thay đổi mình để phù hợp với thời cuộc. Năm 1992, họ cho ra đời điện thoại cầm tay kỹ thuật số GSM đầu tiên trên thế giới, chiếc Nokia 1011.
Nokia chính là một trong những công ty đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển chuẩn GSM, chuẩn mạng phổ biến mà các phiên bản mới hơn của nó vẫn đang được chúng ta sử dụng ngày nay. Đây là công nghệ mạng di động thế hệ thứ hai vừa có thể truyền tải giọng nói, vừa truyền được dữ liệu.
Cho đến năm 2007, Nokia đã bán được khoảng một nửa số điện thoại di động trên thế giới. Với người dùng, điện thoại Nokia rất bền, đáng tin cậy và trên hết là cực kỳ hữu ích.
Tháng 11/2007, tạp chí Forbes cho đăng trên trang bìa hình ảnh CEO Nokia Olli-Pekka Kallasvuo cầm một chiếc Nokia series 6xxx nắp gập. Dòng tít trên trang bìa ghi: “Nokia, một tỷ khách hàng - còn ai bắt kịp nhà vua?”.
Như đã xảy ra với rất nhiều doanh nghiệp tên tuổi lẫy lừng trong quá khứ, Nokia trở nên lười biếng, trong khi các đối thủ cạnh tranh liên tục "ăn miếng trả miếng".
Ảnh bìa của tạp chí Forbes số 12/11/2007 với bức hình chụp CEO Nokia kèm thông điệp tự mãn của gã khổng lồ Phần Lan trước sự xuất hiện của iPhone. Ảnh: Forbes. |
Khi iPhone ra mắt vào năm 2007, không có phản ứng nào từ Nokia. Gã khổng lồ công nghệ Phần Lan cũng làm ngơ trước sức hút ngày càng tăng của hệ điều hành Android đã bị bỏ qua.
Bay cao rồi vấp ngã
Theo giới chuyên gia, tình trạng bi đát của Nokia xuất phát từ một loạt quyết định của Stephen Elop, người nắm giữ cương vị CEO (Giám đốc điều hành) của hãng từ tháng 10/2010.
Trước đó, Elop làm việc tại Microsoft và trách nhiệm của ông chính là mang các sản phẩm của Microsoft lên hệ điều hành Symbian trên các mẫu điện thoại của hãng Nokia. Elop cũng chính là người đầu tiên dẫn dắt Nokia mà không mang quốc tịch Phần Lan.
Theo thống kê, mỗi ngày Elop cầm lái con tàu Nokia, giá trị thị trường của công ty này giảm trung bình 23 triệu USD, khiến ông trở thành một trong những CEO tồi nhất trong lịch sử, trên phương diện doanh số.
Thực tế, Elop là một trong những người hiếm hoi dám nêu lên sự thật rằng Nokia đã đi sau Apple.
Trong bản ghi nhớ nổi tiếng Burning Platforms gửi cho nhân viên Nokia, Elop thừa nhận hãng đã hoàn toàn thua kém về phần mềm, không thể cạnh tranh với các đối thủ về phần cứng và đang gặp rắc rối sâu sắc.
Biểu đồ cho thấy sự suy giảm nghiêm trọng của Nokia chỉ trong thời gian từ quý III/2010 đến quý I/2011. Ảnh: Asymco. |
"Chiếc iPhone đầu tiên xuất xưởng vào năm 2007 và chúng ta vẫn chưa có sản phẩm nào sánh được với trải nghiệm của họ. Android mới xuất hiện cách đây hơn hai năm và tuần này họ đã chiếm vị trí dẫn đầu của Nokia về số lượng Smartphone", Elop nói với nhân viên.
Thật không may, giải pháp của vị CEO cho vấn đề này của Nokia lại là Windows Phone.
Tại sao Nokia không chọn hệ điều hành Android? Câu trả lời đơn giản là vì tiền. Hãng Microsoft cam kết trả hàng tỷ USD cho Nokia nếu chỉ sử dụng hệ điều hành Windows Phone, nhưng tiền của Microsoft cũng không thể cứu được Nokia vì không thể xây dựng một hệ thống chỉ bằng tiền.
Kinh nghiệm của Elop trước đây tại Microsoft chắc chắn cũng là một nhân tố quan trọng vì trong những tình huống khó khăn, con người ta thường quay trở về với những gì thân quen.
Microsoft chịu khoản thâm hụt kỷ lục trong lịch sử của hãng sau thương vụ mua lại bộ phận di động của Nokia. Ảnh: CNET. |
Tuy nhiên, đến chính nội bộ Microsoft cũng lúng túng trong việc đề ra hướng phát triển của hệ điều hành di động. Thị phần của Windows Mobile rất nhỏ và gần như không ai muốn viết ứng dụng cho hệ điều hành này.
Đến ngày 10/12/2019, Microsoft chính thức tuyên bố ngừng phát hành các bản cập nhật bảo mật, sửa lỗi hay các nâng cấp về phần mềm cho những thiết bị chạy hệ điều hành này. Sau cùng, thương vụ mua lại Nokia đã khiến gã khổng lồ phần mềm lỗ 7,6 tỷ USD.
Hiện tại, Nokia vẫn đang giữ kỷ lục sở hữu chiếc điện thoại bán chạy nhất mọi thời đại là Nokia 1100 ra mắt năm 2003 với hơn 250 triệu thiết bị đến tay người dùng.
Tuy nhiên, công ty đến từ Phần Lan đã không còn vị thế "ông lớn" như ngày xưa. Smartphone Nokia bây giờ do HMD Global, hãng smartphone được cấp phép sử dụng tên gọi Nokia, sản xuất.
Bài học từ sự thất bại của Nokia và nhiều thương hiệu lớn.
Thật khó để các chủ doanh nghiệp tưởng tượng mọi thứ có thể bất chợt lật nhào như những gì đã diễn ra với Nokia. Cuốn sách Ảo tưởng của sự bất khả chiến bại giúp độc giả trả lời những câu hỏi như: Phải chăng những mầm mống của thất bại lúc nào cũng hiện hữu trong những thành công lâu bền? Tại sao các công ty lại thất bại ngay cả khi họ đã tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc, kinh nghiệm được đúc kết từ rất nhiều bài học của các doanh nghiệp thành công?