Chiến dịch #MeToo một lần nữa nóng tại Trung Quốc sau khi xuất hiện ở các trường đại học vào đầu năm nay. Các cáo buộc quấy rối và tấn công tình dục chủ yếu nhắm vào những nhân vật nổi tiếng trong tổ chức phi chính phủ, giới truyền thông và ngành xuất bản.
Trong những ngày gần đây, một số phụ nữ đã sử dụng tên thật và vạch trần hơn 10 tên “yêu râu xanh” trên truyền thông xã hội. Con số này đang tiếp tục tăng.
Các nhà hoạt động xã hội "yêu râu xanh"
Trong số những người bị cáo buộc phải kể đến 2 nhân vật nổi tiếng là nhà bảo vệ môi trường Feng Yongfeng và Lei Chuang, nhà hoạt động chống phân biệt đối xử với người mắc viêm gan B.
Lei Chuang, người bị cáo buộc cưỡng hiếp tình nguyện viên của tổ chức tình nguyện do ông sáng lập. Ảnh: Weibo. |
Làn sóng cáo buộc mới nổi lên khi một phụ nữ đăng bức thư ngỏ trên mạng xã hội ngày 23/7, cáo buộc Lei cưỡng hiếp cô ở một khách sạn tại Bắc Kinh trong chuyến đi bộ từ thiện 19 ngày hồi tháng 7/2015.
Sau đó cùng ngày, Lei thừa nhận, xin lỗi và từ chức khỏi vị trí lãnh đạo Trung tâm Từ thiện YiYou do ông thành lập năm 2013. Ông cũng nói rằng sẽ chịu toàn bộ trách nhiệm pháp lý cho hành vi của mình và đang cân nhắc tự thú. Tuy nhiên, sau đó, Lei lại kể với tờ Beijing Youth Daily rằng quan hệ giữa mình và cô gái là tự nguyện.
Bức thư đã động viên những người phụ nữ khác đứng lên giành công lý. Hôm 24/7, Feng Yongfeng, người thành lập hơn 10 tổ chức phi chính phủ về môi trường, bị cáo buộc quấy rối, đe dọa, và tấn công tình dục một đồng nghiệp nữ.
Feng Yongfeng, người bị cáo buộc tấn công và đe dọa đồng nghiệp nữ. Ảnh: Weibo. |
Một trong những đồng nghiệp của Feng nói với phóng viên rằng người phụ nữ đã đối chất với Feng sau cuộc họp hàng tháng ở Thành Đô vào tháng 5.
“Chúng tôi có khoảng 40-50 người chuẩn bị ăn tại một nhà hàng sau cuộc họp thì người phụ nữ đến gần Feng và hét lên 'Hãy quỳ xuống và xin lỗi tôi'”, người này cho biết.
"Cô ấy nói với tôi rằng Feng đã tấn công tình dục cô ấy", anh nói, cho biết thêm người phụ nữ đó còn kể rằng Feng đánh và dọa giết cô. Người này cho hay trước đây cũng từng có nữ đồng nghiệp khác tố cáo Feng.
Sau đó, nhà hoạt động xã hội thừa nhận đã "làm tổn thương một số phụ nữ" vì không kìm chế được ham muốn do ảnh hưởng của rượu, thề sẽ ngừng uống rượu và từ chức tại các tổ chức phi chính phủ thuộc Đại học Tự nhiên.
Dù bị cản trở, #MeToo vẫn nhen nhóm
Hôm 25/7, nhà văn Chun Sue cho biết cô bị tấn công tình dục bởi đồng nghiệp và một nhân vật truyền thông kỳ cựu cách đây vài năm.
“Tôi hy vọng chiến dịch #MeToo ở Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển. Tôi đã đọc những câu chuyện về các cuộc tấn công tình dục trong các tổ chức phi chính phủ những ngày vừa qua và cảm nhận được nỗi buồn của các nạn nhân. Tôi vô cùng thất vọng”, Chun viết trên mạng xã hội.
Những người ủng hộ phong trào #MeToo sử dụng ký hiệu với từ đồng âm để thu hút sự chú ý và tránh bị kiểm duyệt trên mạng. Ảnh: Weibo. |
Guo Yuetong, một nhân viên xã hội hỗ trợ các nạn nhân bị tấn công tình dục ở Bắc Kinh, cho biết dù công chúng đã có sự ủng hộ nhất định dành cho những phụ nữ dám lên tiếng, cô lo lắng một số người vẫn còn sẵn sàng đổ lỗi cho nạn nhân.
Một thành viên trong gia đình cô thậm chí đã gửi cho cô tin nhắn nói rằng tất cả phụ nữ liên quan đều “ngây thơ, và mọi chuyện xảy ra vì thiếu hiểu biết và uống rượu trong các bữa tiệc”.
#MeToo bắt đầu ở Mỹ vào mùa thu 2017. Phong trào lan tới Trung Quốc sau khi Luo Xixi, cựu sinh viên Đại học Hàng không Bắc Kinh hiện là kỹ sư phần mềm ở Mỹ, lên tiếng về việc bị Chen Xiaowu, cố vấn hướng dẫn luận văn, tấn công tình dục. Chen sau đó đã bị sa thải.
Khi làn sóng #MeToo giành được sự quan tâm ủng hộ tại nước này, nhiều trường hợp liên quan đến các học giả cũng xuất hiện. Tuy nhiên, phong trào cho đến nay đã bị giới hạn trong các trường đại học.
Hiện SCMP vẫn chưa thể liên lạc với một số người dính líu tới các cáo buộc. Vài người khác đã từ chối trả lời phỏng vấn. Trong số những người này có một người dẫn chương trình truyền hình quốc gia, một nhà văn nổi tiếng và nhiều nhân vật kỳ cựu khác trong lĩnh vực truyền thông .