Tháng 4/2018, Thứ trưởng Tài chính Nhật Bản Junichi Fukuda đã từ chức để “bảo vệ thanh danh” sau khi một nữ phóng viên đài truyền hình Asahi công bố bản ghi âm những lời gạ gẫm khiếm nhã của ông.
"Tôi có thể ôm cô không?", "Tôi chạm vào ngực cô được chứ?", "Chúng ta có nên ngoại tình khi ngân sách được thông qua?", "Tôi sẽ trói tay cô lại", giọng nói của vị thứ trưởng phát ra từ bản ghi âm.
Tuy nhiên, dường như sự can đảm của nạn nhân chưa thực sự được coi trọng. Chính người đứng đầu Asahi, ông Hiroshi Shinozuka, cho biết cơ quan này đã khuyên cô không nên công bố sự thật.
Nhiều người thậm chí còn lên tiếng chỉ trích nữ phóng viên vì đã tiết lộ những đoạn ghi âm với công chúng. Ông Hirofumi Shimomura, cựu bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ Nhật Bản, cho rằng cô này cũng "phần nào có lỗi", tuy nhiên sau đó ông đã xin lỗi về bình luận trên.
Hitoshi Matsumoto, nam danh hài nổi tiếng của Nhật, đặt vấn đề vì sao kênh truyền hình Asahi dù biết nhân viên của mình bị quấy rối tình dục nhưng vẫn cử họ làm việc suốt một năm.
"Nếu họ buộc cô ấy hành động trái ý muốn của mình, phải chăng thứ quyền lực đó cũng là một hình thức lạm dụng?", Matsumoto nói.
So với những nơi khác trên thế giới, chiến dịch #MeToo tại Nhật Bản không gây được tầm ảnh hưởng thực sự mạnh mẽ. Theo bà Noriko Hama, giáo sư kinh tế tại Đại học Doshisha tại Kyoto, vấn đề còn tồn tại ở thế hệ đàn ông lớn tuổi mang tư tưởng cũ, những người vẫn mang nặng định kiến về việc phụ nữ nên “biết vị trí của mình”.
Nam ca sĩ Tatsuya Yamaguchi khóc trong buổi họp báo về bê bối cưỡng hôn người hâm mộ. Ảnh: AP. |
Định kiến và lỗ hổng pháp luật
Giáo sư Hama cho rằng phụ nữ Nhật Bản đang nỗ lực thoát khỏi những định kiến cố hữu áp đặt họ phải câm nín và chịu đựng dù có bị tấn công.
"Nữ phóng viên phải chịu đựng trong im lặng dù bản thân họ là nạn nhân của sự đối xử bất công và nhục nhã", cơ quan phát ngôn của Hiệp hội Công nhân Nhật Bản, phát biểu về vụ bê bối của cựu thứ trưởng Fukuda.
Theo giáo sư Hama, trong khi người Hàn Quốc thường sẵn sàng đấu tranh cho những điều bất công trong xã hội, sự mãnh liệt này ở Nhật Bản vẫn chưa được thể hiện rõ. Vấn đề ở đây nằm ở thế hệ đàn ông lớn tuổi, những người vẫn mang nặng định kiến về việc phụ nữ nên “biết vị trí của mình”.
“Đôi khi chúng ta cần chấp nhận sự thật rằng có những người đơn giản là hết thuốc chữa, vẫn còn có nhiều người cần được giáo dục lại. Không gì thay đổi được những người đàn ông này và cách duy nhất chỉ có thể là để họ trải qua cảm giác bị dồn tới tận cùng của sự phân biệt đối xử và bất bình đẳng xã hội”, bà nhận xét.
Cựu thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Junichi Fukuda từ chức sau bê bối gạ gẫm tình dục nữ phóng viên. Ảnh: Getty. |
Nữ luật sư Kazuko Ito, người từng nhiều lần lên tiếng về phong trào #MeToo, cho rằng luật pháp về chống xâm hại tình dục tại Nhật Bản lạc hậu nhiều so với các nước phát triển. Tuy bộ luật mới vừa được chỉnh sửa vào tháng 6 năm ngoái sau 110 năm, vấn đề thực tế nghiêm trọng hơn nhiều.
"Sự thiếu sót hàng rào pháp lý cộng với định kiến nặng nề của xã hội đã biến phụ nữ trẻ trở thành đối tượng dễ bị tổn thương. Ngoài ra, người Nhật cũng chưa được giáo dục cách nói 'không', cách từ chối những yêu cầu bất công từ kẻ khác", bà Ito nói.
Một trường hợp điển hình cho lỗ hổng luật pháp ở Nhật đó là sự việc nữ phóng viên Shiori Ito đâm đơn kiện một nam nhà báo danh tiếng về việc ông này đánh thuốc mê và cưỡng hiếp cô. Kẻ tấn công không bị bắt sau khi phủ nhận mọi cáo buộc.
Các công tố viên cho rằng đơn kiện của cô thiếu bằng chứng , dù Ito cho biết một camera an ninh đã ghi lại cảnh cô bị kéo từ taxi vào khách sạn. Thêm vào đó, mẫu ADN từ quần áo của cô cũng phù hợp với nghi phạm.
Niềm hy vọng của thế hệ trẻ
Phong trào #MeToo của Nhật chỉ mới manh nha ở bề nổi so với người láng giềng Hàn Quốc. Trong vòng 6 tháng qua, hàng loạt tên tuổi “đáng kính” đến từ các lĩnh vực chính trị, âm nhạc, văn học, và nghiên cứu của xứ sở Hàn Quốc đã bị vạch trần tội tấn công tình dục.
Sau khi nữ công tố viên Seo Ji Hyun lên tiếng tố cáo việc mình bị một lãnh đạo cấp cao của Bộ Tư pháp quấy rối trong một đám tang, chiến dịch lên tiếng tố cáo vấn nạn xâm hại tình dục lan tỏa nhanh chóng và nhấn chìm nhiều tên tuổi tai tiếng như Ko Un, nhà thơ từng được coi là ứng viên giải Nobel Văn học, đạo diễn lừng danh Kim Ki Duk và cựu chủ tịch tỉnh Nam Chungcheong, ứng viên tổng thống Hàn Quốc Ahn Hee Jung.
Ảnh hưởng của chiến dịch #MeToo tại nước láng giềng đã khuyến khích phụ nữ Nhật Bản lên tiếng vạch trần những kẻ từng quấy rối, động thái trước đây họ chưa bao giờ nghĩ đến.
Điển hình là một người mẫu từng chụp ảnh khỏa thân cho nhiếp ảnh gia danh tiếng Nobuyoshi Araki can đảm tố cáo việc mình bị người đàn ông 77 tuổi này lạm dụng trong suốt 16 năm. Cô không được ký hợp đồng chính thức, không được trả tiền đầy đủ và không nhận được bất cứ thông báo nào về những bức ảnh được đăng.
Đoàn người biểu tình tại Hàn Quốc giơ khẩu hiệu chống xâm hại tình dục. Ảnh: Reuters |
Với những giọt nước mắt chảy dài trên gương mặt, ca sĩ Tatsuya Yamaguchi của ban nhạc nổi tiếng Tokio tiết lộ anh đã phải nhập viện vì chứng nghiện rượu và cúi đầu xin được rút khỏi nhóm nhạc sau cáo buộc cưỡng hôn fan nữ 14 tuổi tại nhà riêng.
Tuy nạn nhân đã bãi nại sau khi nhận được lời xin lỗi và đền bù từ phía Yamaguchi, nam ca sĩ 46 tuổi này vẫn phải rời khỏi công ty quản lý Johnny & Associates trước sức ép của dư luận.
Trở lại trường hợp cựu thứ trưởng Fukuda, ông là quan chức cấp cao đầu tiên của Bộ Tài chính Nhật từ chức kể năm 1998. Trước đó, các cuộc bàn tán công khai về quấy rối và tấn công tình dục ít khi xảy ra và việc quan chức phải rời khỏi nhiệm sở vì các cáo buộc liên quan tới vấn đề này khá hiếm hoi.
Theo New York Times, việc ông Fukuda từ chức là dấu hiệu cho thấy Nhật Bản đang hòa mình vào phong trào #MeToo nhằm vạch trần và chống lại những kẻ lạm dụng, quấy rối tình dục.
Theo giáo sư Hama, một bộ phận nam thanh niên Nhật đang dần có cái nhìn công bằng hơn đối với phụ nữ và coi họ như những người đồng nghiệp "bằng vai phải lứa" chứ không chỉ "đơn thuần là phụ nữ" như trước.
Bà tin rằng thế hệ trẻ đã dần ý thức hơn về vấn đề bình đẳng giới. “Họ sẵn lòng làm việc cùng phụ nữ. Họ cơ bản không nhìn thấy sự khác biệt giữa hai giới, và điều này, theo tôi, là một tiến triển rõ rệt”, bà nói.