Với nỗ lực vực dậy Afghanistan, một quốc gia bị chiến tranh tàn phá trong hàng thập kỷ, Mỹ đã phải bỏ ra hơn 1.000 tỷ USD, theo Bloomberg.
Trong khi phần lớn số tiền đó được phân bổ cho quân đội Mỹ, hàng tỷ USD đã bị sử dụng lãng phí. Trong một số trường hợp, điều này đã tác động tiêu cực các nỗ lực xây dựng mối quan hệ với những người Afghanistan mà Mỹ muốn giúp đỡ.
Một cơ quan giám sát đặc biệt do quốc hội Mỹ thành lập đã dành 13 năm qua để ghi lại những thành công và thất bại trong những nỗ lực của Mỹ ở Afghanistan. Các khoản tiền lãng phí đã trở thành tâm điểm, đưa nhiều nỗ lực của Mỹ trở thành "công dã tràng".
Bloomberg đã tổng hợp 10 dự án mà Tổng Thanh tra Đặc biệt về Tái thiết Afghanistan, hay SIGAR, xác định là đã lãng phí nỗ lực của Mỹ.
Những thiết bị quân sự không sử dụng
Trong nỗ lực nhằm xây dựng lực lượng không quân Afghanistan, Mỹ đã bỏ ra ít nhất 549 triệu USD cho 20 máy bay vận tải quân sự G222 đã được tân trang lại. Tuy nhiên, 16 trong số đó đã bị bỏ lại trong đám cỏ dại ở sân bay quốc tế Hamid Karzai.
Các vấn đề bảo trì kéo dài dai dẳng khiến chúng không thể hoạt động được.
Những chiếc máy bay không được sử dụng tại Afghanistan. Ảnh: Bloomberg. |
Cuối cùng, những máy bay này được bán dưới dạng phế liệu với giá hơn 30.000 USD.
Bên cạnh đó, Mỹ cũng đã chi tới 28 triệu USD để mua quân phục cho quân đội Afghanistan với các họa tiết ngụy trang không phù hợp với bối cảnh. Song các quan chức Lầu Năm Góc cho biết thiết kế này được chọn vì Bộ trưởng Quốc phòng Afghanistan đương thời cho rằng mẫu quân phục đó nhìn bắt mắt.
“Ông ấy thích hoạ tiết rừng cây, thành thị và ôn đới”, theo một nhận định vào tháng 6/2017.
Trong một bản ghi nhớ với lực lượng năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng đương thời Jim Mattis cho biết "tôi hy vọng Bộ Quốc phòng sẽ nhìn nhận sai sót này như một chất xúc tác để đưa các hành vi lãng phí ra ánh sáng".
Những công trình bị rơi vào lãng quên
Mỹ đã chi 500.000 USD cho một nhà thầu Afghanistan vào tháng 5/2012 để xây dựng một bãi tập huấn cho Trung tâm Huấn luyện Cảnh sát Đặc biệt Afghanistan ở tỉnh Logar. Bãi huấn luyện được thiết kế giống như một ngôi làng điển hình của Afghanistan và được sử dụng để tiến hành các cuộc tập trận mô phỏng.
Tuy nhiên, các thanh tra phát hiện các bức tường đã bắt đầu bị thấm nước trong vòng 4 tháng kể từ khi Mỹ kiểm soát bãi huấn luyện. Một cuộc kiểm toán tháng 1/2015 gọi đó là “các tòa nhà đang tan chảy”.
Ngoài ra, quân đội Mỹ đã chi 36 triệu USD cho một cơ sở chỉ huy và kiểm soát rộng 5.950 m2 tại Trại Leatherneck ở tỉnh Helmand, nơi có phòng tác chiến, phòng họp giao ban và không gian làm việc cho 1.500 người.
Mặc dù Mỹ đã chi hàng chục triệu USD để giúp Afghanistan xây dựng căn cứ quân sự, địa điểm này vẫn không được sử dụng. Ảnh: Bloomberg. |
“Dường như đây là tòa nhà được xây dựng tốt nhất mà tôi từng thấy trong chuyến đi của tôi ở Afghanistan”, một thanh tra của SIGAR viết vào tháng 7/2013.
“Thật không may, nó không được sử dụng, và có lẽ sẽ không bao giờ được sử dụng cho mục đích ban đầu”, vị này cho biết
Không những vậy, SIGAR đã phát hiện “những khiếm khuyết nghiêm trọng trong việc quản lý và giám sát” khoản vay 85 triệu USD do Cơ quan Đầu tư Tư nhân Hải ngoại thực hiện.
Mục đích của khoản vay này là nhằm xây dựng khách sạn 209 phòng và chung cư Kabul Grand Residences với 150 phòng, đối diện ngay với Đại sứ quán Mỹ ở Kabul.
Một cuộc đánh giá vào tháng 11/2016 cho thấy cả khách sạn và tòa nhà căn hộ đều chưa hoàn thiện. Bên cạnh đó, cả hai khoản vay đều bị vỡ nợ.
Lầu Năm Góc cũng đã chi 3,7 triệu USD để xây dựng một doanh trại gần biên giới Turkmenistan cho Quân đội Quốc gia Afghanistan. Mặc dù đã sẵn sàng sử dụng một phần vào thời điểm SIGAR kiểm định năm 2013, doanh trại vẫn chưa được sử dụng với “tất cả khu vực thiết yếu - chẳng hạn như tòa nhà hành chính, nhà vệ sinh và trường bắn - đều trống không”.
Một quan chức Lầu Năm Góc nói với các nhà điều tra rằng trại quân sự này không được sử dụng vì nó thiếu nhà ăn.
Nỗ lực tái thiết Afghanistan
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ đã chi 176 triệu USD để xây dựng một con đường dài 101 km giữa thành phố Gardez và tỉnh Khost.
Chưa đầy một tháng sau khi hoàn thành, SIGAR phát hiện ra 5 phân đoạn của con đường này đã bị phá hủy. Một số phần của 2 phân đoạn khác đã bị cuốn trôi, theo một cuộc kiểm toán vào tháng 10/2016.
Afghanistan từ lâu đã là nhà sản xuất thuốc phiện hàng đầu thế giới. Bên cạnh thiệt hại về người, hoạt động buôn bán ma túy ở Afghanistan đã phá hoại các mục tiêu tái thiết và an ninh. Những tội phạm buôn ma tuý đã tài trợ cho các nhóm nổi dậy, lôi kéo chính phủ tham nhũng và làm xói mòn tính hợp pháp của nhà nước.
Trong khoảng thời gian 15 năm, Mỹ đã chi khoảng 8,6 tỷ USD cho các nỗ lực chống tham nhũng trong chính phủ của Afghanistan. Tuy nhiên, đến năm 2017, việc trồng và sản xuất thuốc phiện đã đạt mức cao kỷ lục. “Việc sản xuất và buôn bán ma túy vẫn tiếp diễn”, SIGAR chia sẻ.
Ngoài ra, các thanh tra của SIGAR đã phát hiện ra rằng Công binh Lục quân Mỹ đã quản lý yếu kém trong hợp đồng trị giá 116 triệu USD với một công ty Afghanistan để xây dựng một nhà máy điện cho hơn một triệu dân nước này.
Việc quản lý yếu kém đã khiến Mỹ phải chi gần 60 triệu USD cho một dự án không hoạt động “vì các vấn đề về thu hồi đất và quyền sử dụng vẫn chưa được giải quyết, và không có điều khoản hợp đồng nào để kết nối hệ thống với nguồn điện”, SIGAR báo cáo vào tháng 3/2018.
Các kiểm toán viên của SIGAR nhận thấy hệ thống này cũng có thể “không ổn định về mặt cấu trúc và gây rủi ro” cho những người Afghanistan sống gần các tháp và đường dây truyền tải, hoặc làm việc trong một trạm biến áp gần đó.
Đặc biệt, Mỹ đã chi khoảng 83 tỷ USD trong gần 20 năm để cố gắng xây dựng một lực lượng có thể chống lại Taliban và đảm bảo sự ổn định của Afghanistan. Tuy nhiên, Taliban đã trỗi dậy. Ngay cả các nhà lãnh đạo quân đội Mỹ dường như cũng choáng váng trước sức tiến công của nhóm phiến quân.
Bất chấp sự đầu tư lớn dành cho việc huấn luyện và trang bị vũ khí, quân đội Afghanistan nhanh chóng thất thủ trước Taliban. Ảnh: Bloomberg. |
Tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho biết hôm 18/8: “Không có báo cáo nào mà tôi biết dự đoán một lực lượng an ninh 300.000 người sẽ bị xoá sổ chỉ trong 11 ngày”.
Mỹ đã vận chuyển hàng trăm tấn thiết bị, nhưng khi họ đóng quân ở Kabul, các chiến binh Taliban đã chiếm giữ được nhiều máy bay, trực thăng, vũ khí và đạn dược do Mỹ cung cấp cho quân đội Afghanistan.
John Sopko, người giám sát quá trình kiểm toán của SIGAR, khi được hỏi vào thời điểm trước khi Afghanistan thất thủ về việc liệu chi phí cho quân sự có bị lãng phí hay không.
"Đó là một câu hỏi khó. Và khó có thể nói rằng mọi thứ đều bị lãng phí", ông Sopko cho biết.