Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid dẫn đầu một nhóm quan chức ra đường băng của sân bay quốc tế Kabul, AFP ngày 31/8 đưa tin. Trên gương mặt thường ngày nghiêm nghị của ông lúc này là một nụ cười tươi.
Cùng lúc đó, thành viên của Badri 313 - lực lượng đặc nhiệm Taliban được trang bị vũ khí hiện đại của Mỹ - tạo dáng chụp ảnh và vẫy lá cờ trắng của tổ chức.
Phát ngôn viên Taliban Zabihullah Mujahid (giữa, khăn trắng) dẫn đầu một nhóm quan chức ra đường băng của sân bay quốc tế Kabul sau khi Mỹ rời đi. Ảnh: AFP. |
Trước đó, Mỹ từng huy động gần 6.000 binh sĩ để kiểm soát và vận hành sân bay Kabul từ khi công tác không vận bắt đầu vào ngày 14/8. Ngày 30/8, người lính Mỹ cuối cùng đã bước lên máy bay rời khỏi đây.
Từng là nơi được canh gác nghiêm ngặt nhất tại Afghanistan, lối đi dành cho hành khách của sân bay Kabul lúc này là cảnh tượng bừa bộn. Vỏ đạn rơi vãi gần mọi lối vào.
Lực lượng đặc nhiệm Badri 313 của Taliban đặt chân tới cổng chính của sân bay Kabul sau khi lính Mỹ rời đi. Ảnh: AFP. |
Toàn bộ chốt kiểm soát vào sân bay đều đã được dỡ bỏ, chỉ trừ một địa điểm. Khác hẳn so với những ngày trước đó, các tay súng đứng gác của Taliban lúc này phấn chấn bắt tay với tài xế và hành khách qua đường.
Tại sân bay Kabul lúc này là hàng chục máy bay, trực thăng quân sự, xe bọc thép, cùng một hệ thống phòng ngự tên lửa công nghệ cao đã bị lính Mỹ phá hủy trước khi rút. Cửa kính buồng lái bị đập vỡ, lốp máy bay bị bắn thủng.
Thành viên đơn vị quân sự Badri 313 tại sân bay Kabul. Ảnh: Reuters. |
Tướng Frank McKenzie, tư lệnh Bộ Chỉ huy trung tâm của Mỹ, cho biết tổng cộng 73 chiếc máy bay đã được quân đội Mỹ “phi quân sự hóa”, tức hủy hoại hoàn toàn, trước khi hoàn tất 2 tuần sơ tán khỏi đất nước bị Taliban kiểm soát.
Ông McKenzie cũng cho biết Lầu Năm Góc đã bỏ lại khoảng 70 xe bọc thép MRAP có giá trị tới một triệu USD/xe, cùng 27 chiếc Humvee.