Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ảnh: Huế Trần. |
Theo thông tin từ Hội Nhà văn Việt Nam (Hội), Giải thưởng Tác giả trẻ sẽ được trao cho các cây bút dưới 35 tuổi có tác phẩm văn học xuất sắc trong năm (với bốn thể loại: Thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và văn học dịch). Thời hạn nhận bài dự thi là từ ngày 6/5 đến hết 15/10.
Đây là tín hiệu đáng mừng cho một tổ chức mà số hội viên lớn tuổi chiếm hơn 70%. Ông Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn - chia sẻ kế hoạch để “trẻ hóa” Hội và quảng bá văn học Việt ra thế giới, nhằm từng bước phát triển nền văn học nước nhà.
‘Biến ngày lễ trao giải của Hội thành một gala lớn’
- Hiện nay, hội viên lớn tuổi vẫn chiếm quá nửa. Với Giải thưởng Tác giả trẻ, ông có mong mỏi, kế hoạch gì cụ thể để “trẻ hóa” Hội?
- Để khuyến khích người trẻ vào Hội, chúng tôi có những chiến lược bằng hành động cụ thể. Thứ nhất, với Giải thưởng Tác giả trẻ, chúng tôi mong muốn tìm kiếm và phát hiện những cây bút mới có tài năng, để từ đó lan tỏa ảnh hưởng của họ tới công chúng; cũng là để động viên họ bước vào ngôi nhà chung của Hội, cùng nhau làm nên những điều tốt đẹp.
Hai là, chúng tôi đang lên kế hoạch khôi phục tờ Văn nghệ trẻ - nơi ghi chép những “sản phẩm” của nhà văn, cho và do các nhà văn trẻ làm chủ bút.
Với hai kế hoạch trên, tôi chắc chắn trong lần kết nạp hội viên năm 2021 tới đây, chúng ta sẽ thấy sự tham gia của những gương mặt rất trẻ.
Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ thay đổi cách quảng bá các tác phẩm văn, thơ. Trước hết là biến ngày lễ trao Giải thưởng Hội nhà văn hay Tác giả trẻ hàng năm thành một lễ hội, một gala lớn của văn chương, để các cây bút được hòa đồng, kết giao với bạn đọc và được truyền thông đưa tin một cách tốt nhất.
Song, vẫn phải thực hiện đồng bộ hai yếu tố: Tác phẩm hay và truyền thông tốt. Nếu không sẽ rất khó để mang thương hiệu văn chương Việt vượt ra khỏi biên giới.
- Từng có dịp tham dự hội chợ sách quốc tế tại rất nhiều quốc gia, theo ông, chúng ta học hỏi được điều gì ở các nước bạn trong việc chọn lựa và truyền thông những tác phẩm tốt?
- Theo số liệu thống kê của Cục Xuất bản, In và Phát hành, mỗi năm chúng ta xuất bản một lượng sách vô cùng lớn, kéo theo tình trạng “tràn lan” của thị trường sách. Nhưng cũng phải hiểu một điều là các nhà sách phải tồn tại, điều này phụ thuộc vào số lượng và chất lượng đầu sách.
Ở điểm này chúng ta nên học hỏi các nước bạn. Năm ngoái, tôi đã có dịp quay trở lại Cuba (đất nước mà tôi từng theo học) để tham dự Hội chợ sách quốc tế. Ở đó, những nhà xuất bản Cuba và hệ thống quản lý cấp cao đã biết cách chọn lựa sự cần thiết nhất cho bạn đọc.
Việc quảng bá cho tất cả đầu sách là không khả thi. Nếu không quảng bá cẩn thận sẽ rơi vào tình trạng biến mọi cuốn sách trở nên như nhau. Việc quan trọng nhất vẫn là chọn lựa những cuốn sách cần thiết cho bạn đọc, cho xã hội và văn học nghệ thuật.
Sau đó chúng ta phải biết tuyên truyền, không chỉ nhờ báo chí, truyền thông đa phương tiện, mà từ nhà nước đến người làm sách, cùng người dân phải biết coi sách như một chiến lược văn hóa của quốc gia để tuyên truyền đồng bộ.
Cũng giống việc cả thế giới ngưỡng mộ Việt Nam trong quá trình chống đại dịch Covid-19, lý do đơn giản nằm ở việc chúng ta, từ lãnh đạo đến người dân cùng đồng lòng chống dịch.
Người đứng đầu giới cầm bút trong nước nhấn mạnh tầm quan trọng của sách trong đời sống gia đình và xã hội. Ảnh: Việt Linh. |
Thúc đẩy các hoạt động quảng bá văn chương Việt
- Với việc quảng bá văn chương, nhiều cây bút đứng tuổi không thông thạo mạng truyền thông. Làm thế nào để tác phẩm của họ được đông đảo bạn đọc biết đến?
- Việc các nhà văn lớn tuổi không tiếp cận mạng xã hội quả thật gây nhiều khó khăn trong hoạt động quảng bá, dẫn đến tình trạng rất nhiều tác giả sau khi in sách xong thì nhanh chóng bị rơi vào quên lãng. Rốt cuộc họ in sách cũng chỉ để tặng cho những người bạn xung quanh. Đáng tiếc ở đây là trong số đó có rất nhiều cuốn sách đáng để đọc.
Để giúp cho các cây bút có tuổi giới thiệu được tác phẩm của mình, Hội sẽ đứng ra quảng bá giúp trên nhiều hình thức: Liên kết với các tờ báo, tạp chí và sử dụng các trang mạng xã hội. Trang web của Hội (vanvn.vn) cũng sẽ nỗ lực làm điều đó.
- Một trong bốn thể loại mà Giải thưởng Tác giả trẻ đề ra là văn học dịch. Hoạt động dịch thuật có nên được đẩy mạnh để nhiều cây bút tài năng được bạn đọc quốc tế biết đến không?
- Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của Ban Chấp hành Hội khóa X chính là xây dựng chiến lược cho việc quảng bá văn học Việt Nam ra thế giới.
Không ít cá nhân đã tự tìm cách chuyển dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài và tỉ lệ rất cao những tác phẩm đi theo đường tiểu ngạch đó đều tạo ảnh hưởng nhất định và được giải thưởng, như Bảo Ninh, Lê Thị Minh Khuê, Mai Văn Phấn hay chính tôi đây. Tôi luôn tin rằng bạn đọc nước ngoài sẽ rất tò mò về một đất nước đã trải qua chiến tranh, một đất nước có nền thể chế chính trị đặc biệt như chúng ta thì ở đó các nhà văn sẽ viết gì và viết như thế nào?
Hội đang chuẩn bị viết một dự án trình lên Chính phủ để dịch văn học Việt Nam ra thế giới. Tôi tin rằng khi có một chiến lược dịch thuật và quảng bá văn học tốt thì những tác phẩm này sẽ được đón nhận một cách nồng nhiệt. Khi đó, họ sẽ hiểu chiều sâu văn hóa bên trong con người Việt.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (đầu tiên từ trái sang) từng có mặt tại rất nhiều buổi diễn thuyết trên thế giới. Ảnh: Ictvietnam. |
Chúng tôi sẽ xây dựng một dự án mang tính chiến lược trong 10 năm, để dịch văn học Việt Nam ra nhiều ngôn ngữ trên thế giới.
Bên cạnh đó, chắc chắn trong nhiệm kỳ này chúng tôi sẽ tạo ra một tạp chí văn học, trước hết bằng tiếng Anh, mỗi năm khoảng ba số để giới thiệu với bạn đọc thế giới các tác phẩm từ thể loại cổ điển, đương đại đến hiện đại.
Chúng tôi sẽ bền bỉ đưa tạp chí đó đến với các tổ chức văn chương lớn trên thế giới. Cùng với đó, Hội dự định phải tham gia được ở các hội chợ sách lớn trên quốc tế, cất tiếng nói thay cho Việt Nam để tìm kiếm cơ hội.
Việc tạo nên hình ảnh đất nước thông qua những tác phẩm văn học là điều vô cùng quan trọng. Năm xưa, Colombia nỗ lực quyết tâm giành World Cup với mong muốn quảng bá hình ảnh đất nước mình, nhưng khi nghe tin Gabriela García Márquez giành giải Nobel với tiểu thuyết Trăm năm cô đơn, vài giờ sau đó Tổng thống Colombia đã tuyên bố chúng ta không cần World Cup nữa bởi chúng ta đã có Trăm năm cô đơn, có một Márquez mà cả thế giới biết đến.
- Nhắc tới văn học Mỹ Latinh, ông có cho rằng tiếng Tây Ban Nha cũng là ngôn ngữ xứng đáng để thúc đẩy chuyển ngữ?
- Ở Cuba tôi được học những tác phẩm kinh điển của thế giới bằng tiếng Tây Ban Nha mà ở Việt Nam tuổi tôi không ai được học. Bên cạnh đó, tôi còn nghiệm ra một điều: Khi biết thêm một ngôn ngữ (tiếng Tây Ban Nha) cũng khiến cho ngôn ngữ mẹ đẻ trong tôi trở nên sâu sắc và rành mạch hơn.
Trong dự án trình Chính phủ để mở rộng hoạt động dịch thuật, tiếng Tây Ban Nha là một trong những thứ tiếng được ưu tiên rất lớn, bởi trên thế giới có đến hơn 20 nước nói tiếng Tây Ban Nha, hơn nữa những nước Mỹ Latinh có một bộ phận lớn từng rất ủng hộ cuộc chiến chống quân xâm lược trước đây, sẽ rất có cảm tình với Việt Nam và văn học nước ta.