Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nhà thơ Trần Đăng Khoa: Văn học thiếu nhi được đầu tư

Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng sau một thời gian bị quên lãng, văn học thiếu nhi đang được đánh thức bởi một số đơn vị và các cây bút tâm huyết.

Trong nhiều năm qua, nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam không chỉ làm sách giáo khoa, mà luôn muốn đa dạng hóa xuất bản phẩm, giúp học sinh làm giàu tri thức, văn hóa, vốn sống, hiểu biết. Tủ sách văn học trẻ mà một đơn vị thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam thực hiện nằm trong nỗ lực đó.

Chiều 15/12, trong khuôn khổ ra mắt ba tác phẩm đầu thuộc Tủ sách văn học trẻ, buổi tọa đàm với chủ đề “Khoảng trống về sách văn học cho thiếu nhi" được tổ chức với sự tham gia của nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam và PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, nguyên Tổng biên tập tạp chí Văn học và Tuổi trẻ.

Tu sach van hoc tre anh 1

Các diễn giả tại tọa đàm "Khoảng trống về sách văn học cho thiếu nhi". Ảnh: T.G.

Từng có "thế hệ vàng" viết văn học trẻ

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng nói sách văn chương có ý nghĩa quan trọng với độ tuổi thanh, thiếu niên. Ông nói thiếu nhi được gọi là tuổi hoa, tuổi thần tiên, tuổi thơ, những từ hay, đẹp nhất của cuộc đời dành cho lứa tuổi đó. Trong đời người, đó là giai đoạn đẹp, trong trắng nhất, nên những gì mang đến cho các em ở giai đoạn đầu đời ấy hết sức ý nghĩa, có tác động rất mạnh tới đời sống, tính cách các em sau này.

“Ở tuổi đó, các em đến với văn học là điều hết sức ý nghĩa. Các tác phẩm giá trị sẽ giúp bồi dưỡng nhân cách, giúp các em biết trân trọng giá trị chân, thiện, mỹ - những giá trị cốt lõi của con người”, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng nói.

Văn học thiếu nhi là phương tiện, hình thức nghệ thuật có ý nghĩa quan trọng trong giáo dục bạn đọc nhỏ thành người có vẻ đẹp tâm hồn, trí tuệ, nhiều giá trị cốt lõi nhân văn khác.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa là minh chứng sống động cho quan điểm văn thơ nuôi dưỡng tâm hồn. Ông kể ngay từ nhỏ, người ta gọi mình là thần đồng, nhưng “tôi là người biết rõ nhất cậu bé thần đồng ấy là ai. Tôi khẳng định cậu bé mà mọi người gọi là thần đồng ấy cũng bình thường thôi. Điều làm nên tôi của thơ ca đó là việc đọc sách, trong đó có sách thiếu nhi”.

Văn học thiếu niên, nhi đồng quan trọng như vậy, nhưng những năm gần đây, nó chưa có vị thế xứng tầm. PGS.TS Nguyễn Văn Tùng nói trong đời sống ngày nay, văn học, những giá trị tinh thần thể hiện bằng ngôn từ dường như trở nên ít ỏi, thưa vắng. Nếu là sự kiện ra mắt ôtô, điện thoại - những biểu hiện của giá trị vật chất - sẽ thu hút đông đảo xã hội quan tâm. Còn văn chương, nhất là văn học cho thiếu nhi, có một khoảng trống.

Là người làm công tác xuất bản, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết khi mở những cuốn văn học thiếu nhi trước đây, ông thấy đều in hàng chục nghìn bản. Khi đó, các nhà xuất bản hưởng lương nhà nước, được đầu tư in sách văn học thiếu nhi để gửi về miền núi, vùng sâu, xa.

Chỉ những nhà văn ăn khách mới đứng được với thị trường, mà số đó lại rất ít ỏi, nếu không muốn nói là chỉ có một người.

PGS.TS Nguyễn Văn Tùng

Nhờ những chính sách như vậy, văn học thiếu nhi được quan tâm, từ đó hình thành thế hệ nhà văn vàng cho văn học thiếu nhi như Tô Hoài, Nguyễn Huy Tưởng, Phạm Hổ, Định Hải, Đoàn Giỏi…

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Tùng, ngày nay, các nhà xuất bản phải tự bươn trải, họ tự tìm đầu sách đứng được trên thị trường. Từ đó, văn học thiếu nhi mất dần vị thế.

“Chỉ những nhà văn ăn khách mới đứng được với thị trường, mà số đó lại rất ít ỏi, nếu không muốn nói là chỉ có một người, đó là Nguyễn Nhật Ánh”, PGS Nguyễn Văn Tùng nói.

Bà Lê Ngọc Linh - giáo viên trường Tiểu học Edison - cũng chia sẻ băn khoăn trong việc chọn sách cho học sinh. Bà Linh cho biết trường mình công tác có câu lạc bộ đọc sách của học sinh, tuy nhiên, những cuốn như Dế mèn phiêu lưu ký đã quá kinh điển, lại thuộc thời kỳ xa xôi rồi.

“Chúng tôi mong muốn được gợi ý những đầu sách gần gũi với học sinh hôm nay”, bà Linh nói.

Tu sach van hoc tre anh 2

Đại sứ Chile và các học sinh trường Tiểu học Edison với sách thuộc Tủ sách văn học trẻ. Ảnh: T. G.

Tìm hướng phát triển văn học thiếu nhi

Nhận thức được tầm quan trọng của văn học thiếu nhi, các tổ chức, các cây bút bắt đầu quan tâm phát triển mảng đề tài này.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa nói sau một thời gian trống vắng, giờ đây, dường như mọi nơi đều “tỉnh ngủ” với văn học thiếu nhi. Ông dẫn chứng bằng các cuộc thi, giải thưởng dành cho văn học thiếu nhi mà mình được mời làm giám khảo.

Bên cạnh các giải thưởng văn học trẻ của Thông Tấn Xã Việt Nam, báo Phụ nữ Thủ đô,… các đề án lớn hơn cũng đang được xây dựng. Đó là đề án giải thưởng văn học thiếu nhi của Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch, hay tầm nhìn, mục tiêu hoạt động của Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho biết một trong những nhiệm vụ quan trọng mà Hội Nhà văn Việt Nam đặt ra trong nhiệm kỳ tới là thúc đẩy văn học thiếu nhi phát triển. Hội Nhà văn cũng đang xây dựng đề án với nhiều hoạt động hướng tới phát triển văn học trẻ thông qua các trại sáng tác, tổ chức cuộc thi, giải thưởng văn học thiếu nhi…

Tu sach van hoc tre anh 3

Tác phẩm thuộc Tủ sách văn học trẻ. Ảnh: Y. N.

Không chỉ giới sáng tác, giới xuất bản cũng quan tâm mảng sách này.

“Với tư cách phó tổng biên tập NXB Giáo dục Việt Nam, tôi cũng tham mưu NXB tổ chức các cuộc thi viết cho thiếu nhi. Đội ngũ NXB chúng tôi tìm kiếm các đầu sách văn học thiếu nhi trên thế giới mua bản quyền. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng muốn đặt hàng các tác giả trong nước để có tác phẩm hay”, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng nói.

Đối với các tác phẩm văn học có hơi hướm hiện đại cho học sinh ngày nay, PGS.TS Nguyễn Văn Tùng cho biết các đơn vị thành viên của NXB Giáo dục Việt Nam như E-Dibooks, công ty Mỹ thuật truyền thông vẫn khai thác, xuất bản. Tủ sách văn học trẻ là một minh chứng.

Tủ sách được thực hiện với mong muốn giới thiệu tới độc giả trẻ những tác phẩm văn học có giá trị nhân văn, phù hợp tâm lý lứa tuổi bắt đầu tìm hiểu, nhận biết thế giới, những vấn đề xã hội, gia đình, nhà trường mà các em gặp phải mà chưa tìm được người chia sẻ. Những người thực hiện tủ sách cũng muốn đóng góp tích cực vào việc phát triển văn hóa đọc trong lứa tuổi học sinh.

Ba cuốn sách đầu trong Tủ sách văn học trẻ là tác phẩm của nhà văn Roberto Fuentes: Estrella - Cô bé đến từ những vì sao, Estrella và Luz - Ngước mắt thấy mặt trăng, Kuyen - Chuyện của “mặt trăng”.

Ông Jaime Chomali Garib - Đại sứ Chile tại Việt Nam - cho biết Roberto Fuentes là nhà văn thiếu nhi nổi tiếng ở đất nước Nam Mỹ. Đại sứ Chile đánh giá việc xuất bản ba cuốn sách không chỉ là sự kiện văn chương mà còn làm phong phú thêm dấu mốc ngoại giao quan trọng mà hai nước Việt Nam - Chile đã gây dựng gần 50 năm nay.

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: 'Chúng ta cần tìm cách đổi mới'

"Chúng tôi phải cố gắng tìm cách chia sẻ với hội viên để mọi người cùng hiểu nhau, có tiếng nói chung, giúp hội thay đổi", ông Nguyễn Quang Thiều nói.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm