Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ma trận kênh bán sách trên sàn thương mại điện tử trong nước

Sàn thương mại điện tử đã cải cách thói quen mua sắm của người tiêu dùng lẫn cách thức tiếp thị của người bán, đem đến lựa chọn đa dạng hơn nhưng cũng không ít trăn trở, rủi ro.

Cách đây khoảng 10 năm khi hình thức mua sách online vẫn còn giới hạn trong số ít lựa chọn, kinh doanh sách online dường như là cuộc chiến giữa hai "ông lớn" thời bấy giờ là Vinabook và Tiki. Nhưng đến nay, với việc các sàn thương mại điện tử ra đời và nở rộ, mạng lưới phân phối sách online dường như chồng chéo, chằng chịt hơn bao giờ hết.

Từ kênh đại lý đến kênh tự vận hành

Nhìn chung có thể chia mạng lưới kinh doanh sách online thành các mảng chính như sau: đại lý phân phối lớn; kênh bán trên website của đơn vị xuất bản; kênh bán chính thức (official account) tự vận hành của đơn vị xuất bản trên các sàn thương mại điện tử; kênh bán của các đối tác thường xuyên, chính thức của đơn vị xuất bản trên các sàn thương mại điện tử; kênh bán nhỏ lẻ của một số đơn vị khác;...

Một số đại lý phân phối trực tuyến quen thuộc của các đơn vị xuất bản là Fahasa, Nhà sách Phương Nam, Alphabooks, Tiki Trading... Website của các đại lý này có đa dạng đầu sách từ nhiều nhà phát hành khác nhau. Đồng thời, người tiêu dùng cũng có thể tìm mua nhiều mặt hàng khác như văn phòng phẩm, đồ chơi cho trẻ em, đồ lưu niệm v.v. trong những "nhà sách online" này.

thuong mai dien tu anh 1

Ảnh chụp từ website của Nhà xuất bản Trẻ. Đơn vị liệt kê, kèm link các kênh mua sách online để độc giả dễ tìm được nơi bán uy tín.

Hiện nay hầu hết đơn vị xuất bản đều có kênh bán tích hợp trên website vốn cũng được dùng như kênh thông tin về sách mới, sự kiện. Kênh bán này cho đơn vị sự chủ động lớn về định giá, cách thức vận hành, trao đổi trực tiếp với khách hàng... Đơn vị tiết kiệm được khoản chiết khấu lớn cho các sàn thương mại điện tử, song cũng gặp phải bất cập ở khâu quản lý chuỗi cung ứng, xử lý và tiếp nhận đơn hàng, phản hồi của người mua...

Song song đó, nhiều đơn vị xuất bản đầu tư gian hàng tự vận hành trên các sàn thương mại điện tử như Tiki, Shopee, Lazada, Tiktok shop. Các sàn này tồn tại nhiều ưu, khuyết điểm, trong đó nổi bật là thuận lợi tiếp cận khách hàng nhưng thách thức về phí quản lý cũng như phải đối mặt với nạn sách giả trầm kha.

Các kênh bán khác, từ đơn vị hợp tác thường xuyên, chính thức đến những gian hàng nhỏ lẻ hơn cũng tạo ra "ma trận" mạng lưới phát hành. Chưa kể, đại lý online như Fahasa lại có cả gian hàng trên Tiki cũng khiến cho hệ thống này càng thêm phức tạp.

Để độc giả định hình được những kênh bán uy tín, một số đơn vị xuất bản dẫn link liên kết trên website liệt kê những địa chỉ mua hàng do đơn vị tự vận hành, hoặc là đối tác cam kết lâu dài, thường xuyên. Đây là một cách thông tin hiệu quả để độc giả tránh được tình trạng mua phải sách giả, sách lậu.

Độc giả giữa ma trận sách trên kênh thương mại điện tử

Chia sẻ với Tri Thức - ZNews, chị T.An (32 tuổi, Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết chính Tiki đã "đào tạo" mình thành một người mua sách online vì tâm lý phải mua được sách rẻ hơn giá bìa. Ngoài ra, vốn sinh sống ở một huyện vùng xa nên chị cũng không có nhiều lựa chọn ra thẳng cửa hàng sách, vốn nhỏ và ít đầu sách.

"Nhưng bây giờ sự lựa chọn cũng đa dạng hơn rất nhiều. Trước đây tôi cảm giác mua sách online chọn Tiki là yên tâm nhất, nhưng bây giờ tôi thường mua từ shop chính thức của đơn vị xuất bản trên Shopee. Vì cũng là kênh bán chính thức nên cũng không lo sách giả, sách lậu", chị nói.

Chị An giữ thói quen như nhiều người tiêu dùng ngày nay: "bỏ giỏ" những cuốn muốn sách muốn mua rồi đợi đến những dịp khuyến mãi đậm, thường là ngày đôi hàng tháng để có ưu đãi giá hời nhất kèm theo mã giảm phí vận chuyển v.v. rồi đặt. Theo chị, nhiều bạn bè siêng năng dành thời gian xem livestream còn có thể tìm được giá hời hơn, nhưng cá nhân chị không phù hợp với hình thức "săn deal" này.

Đại Dương (28 tuổi, TP.HCM) kể rằng dù bản thân "chưa mua phải sách giả, sách lậu bao giờ, hoặc nếu đã mua thì cũng chưa phát hiện" nhưng từng thấy các độc giả trên các hội nhóm đọc sách chia sẻ về trải nghiệm "cay đắng" khi mua phải sách giả, sách lậu trên sàn thương mại điện tử. "Có những người chụp ảnh lên rồi mới được cộng đồng chỉ cho những dấu hiệu rằng đó là một cuốn sách giả", anh nói.

thuong mai dien tu anh 2

Chính sách định giá, khuyến mãi của các đơn vị xuất bản trên sàn thương mại điện tử đôi khi làm độc giả "đau đầu".

Ngoài ra, Đại Dương bày tỏ rằng nhiều đơn vị xuất bản có chính sách "không biết đâu mà lần" trên các sàn thương mại điện tử. Những độc giả quan tâm nhiều về giá đôi khi sẽ "đau đầu, tiếc rứt ruột" vì vừa hôm trước mua sách tưởng được giá tốt, hôm sau đã thấy giảm giá sâu hơn rất nhiều trên một kênh bán khác hoặc thậm chí chính kênh bán đó. "Nhiều bạn bè tôi chỉ chờ đến dịp dọn kho của đơn vị xuất bản mới mua sách, vì có những đơn vị khuyến mãi 'sập sàn' dù bán toàn sách mới, tình trạng tốt chứ không hư hỏng gì", anh cho hay.

Yêu thích sách ngoại văn tiếng Anh nên M.Thi (26 tuổi, Đồng Nai) trước đây thường tìm đến các hiệu sách ngoại văn online, bên cạnh việc mua hàng có sẵn còn có thể gom đơn với chủ tiệm, đặc biệt trong các dịp sale lớn. Tuy nhiên, khoảng 3-4 năm gần đây, M.Thi được bạn bè trên các hội nhóm đọc sách "mách nước" nên dần biết đến kênh sách ngoại văn của Fahasa, Tiki, Phương Nam mà theo chị thì "nếu canh đúng dịp sẽ tìm được giá tốt".

Ngoài ra, chị M.Thi rất yêu thích các sản phẩm sách cũ nói chung và sách ngoại văn cũ nói riêng trên Fahasa. Kinh nghiệm của chị cho thấy mua sách cũ nếu không tìm hiểu kỹ hoặc có nền tảng hiểu biết nhất định về sách thì rất dễ mua phải sách lậu. Do đó, chị kỳ vọng nhiều đơn vị xuất bản, phát hành, phân phối có kênh bán dành cho sách cũ để độc giả yên tâm tìm được sách thật, sách chất lượng tốt.

M.Thi thích mua sách trực tiếp nếu có cơ hội đến các hội sách tổ chức tại thành phố chị đang sinh sống. Nhưng ngoài những dịp này, chị nghĩ khó có cửa hàng offline nào cạnh tranh được về giá với các sàn thương mại điện tử bấy lâu nay đã khiến người tiêu dùng quen với việc "mua rẻ hơn giá niêm yết", rồi cả canh deal, săn sale.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Phong Khang

Bạn có thể quan tâm