Theo công ty nghiên cứu thị trường Technavio, từ năm 2024-2028, quy mô thị trường truyện tranh toàn cầu ước tính sẽ tăng thêm 3,25 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,6%.
Tiềm năng của thị trường truyện tranh cũng được công ty tham vấn Fortune Business Insights xác nhận. Họ đã định giá thị trường truyện tranh toàn cầu năm 2023 đạt 16,06 tỷ USD và dự báo con số này sẽ tăng tới hơn 26,75 tỷ USD vào năm 2032.
Ngành truyện tranh được dự báo có triển vọng tăng trưởng tích cực. Ảnh: Goodreader. |
Về các xu hướng chính, Technavio đã đánh giá thành công của các chương trình truyền hình và phim chuyển thể từ truyện tranh là những yếu tố chính thúc đẩy quy mô thị trường. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm bản quyền truyện tranh ngày càng gia tăng cũng đặt ra một thách thức lớn cho toàn ngành nói chung.
Các xu hướng chính thúc đẩy tăng trưởng
Thị trường truyện tranh có đặc điểm là có nhiều đơn vị sáng tạo và sản xuất, từ đó kéo theo sự phân mảnh tương đối lớn. Các đơn vị lớn trong thị trường truyện tranh toàn cầu hiện tại chủ yếu đến từ Nhật Bản (Akita Publishing, Futabasha, Hakusensha, Kodansha, Shogakukan) và Mỹ (Archie Comics, DMG Entertainment, Dynamic Forces, Fantagraphics, Lion Forge Animation, Image Comics, IDW Media, News Corp, The Walt Disney, Warner Bros). Ngoài ra, có một số đơn vị đến từ châu Âu như Drawn and Quarterly (Canada), Embracer Group AB (Thuỵ Điển), Panini (Italy) hay Titan Publishing Group (Anh).
Và để mở rộng phạm vi tiếp cận độc giả và gia tăng thị phần, các công ty này tham gia vào nhiều hoạt động hợp tác và xây dựng đối tác chiến lược. Những ví dụ đáng chú ý gần đây bao gồm liên minh của Warner Bros với Amazon Studios để sản xuất các dự án hoạt hình mới dựa trên nội dung từ DC Comics hay thỏa thuận của Electronic Arts với Marvel để phát triển nhiều trò chơi phiêu lưu hành động. Những sáng kiến này được dự đoán sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của thị trường truyện tranh toàn cầu.
Warner Bros đã hợp tác với Amazon Studios để sản xuất các dự án hoạt hình mới dựa trên nội dung từ DC Comics. Ảnh: Game Rant. |
Ngoài ra, nhu cầu về truyện tranh số trên thị trường cũng đang gia tăng. Hậu dịch Covid-19, các dịch vụ phát trực tuyến và thiết bị đọc sách điện tử đã ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ khi người tiêu dùng có thể truy cập các đầu sách yêu thích của họ mọi lúc, mọi nơi. Một minh chứng rõ ràng là vào năm 2020, hoạt động duyệt web trên thiết bị di động, trong đó có đọc sách, báo, truyện tranh,… đã tăng khoảng 40%.
Các công ty truyện tranh và những người sáng tạo độc lập cũng đang đáp ứng xu hướng này bằng cách tăng cường các dịch vụ kỹ thuật số. Thêm vào đó, các công nghệ mới, như thực tế tăng cường và thực tế ảo, cũng được gia tăng sử dụng để nâng cao trải nghiệm đọc truyện tranh.
Nhu cầu về truyện tranh bản in toàn cầu năm 2023 vẫn tương đối cao. Ảnh: Fortune Business Insights. |
Tuy nhiên, nhu cầu về truyện tranh in vẫn rất mạnh khi các nhà sưu tập và người hâm mộ đang tìm kiếm những đầu truyện hiếm và phiên bản giới hạn.
Đánh giá thị phần truyện tranh toàn cầu năm 2023, Fortune Business Insights cũng ghi nhận truyện tranh bản in vẫn chiếm khoảng 2/3 thị phần, trong khi truyện tranh số chỉ chiếm khoảng 1/3 thị phần.
Ngoài ra, xu hướng hướng tới sự đa dạng và tính đại diện cho các cộng đồng trong truyện tranh vẫn đang được thúc đẩy. Ngày càng có nhiều đầu sách có các nhân vật đến từ các cộng đồng thiểu số trong xã hội. Nhìn chung, thị trường truyện tranh toàn cầu đang phát triển để đáp ứng nhu cầu và sở thích luôn thay đổi của người tiêu dùng.
Hàng loạt thách thức từ thị trường
Tuy nhiên, là một bộ phận của ngành xuất bản, truyện tranh cũng phải đối mặt với tổn thất tài chính đáng kể do sự gia tăng các hành vi vi phạm bản quyền cả trực tiếp và trực tuyến.
Sự phát triển của Internet đã phần nào khiến việc chia sẻ các tập tin bất hợp pháp trở nên phổ biến hơn, dẫn đến tổn thất doanh thu đáng kể cho các nhà xuất bản. Năm 2022, Hiệp hội phân phối nội dung ra nước ngoài của Nhật Bản đã báo cáo khoản lỗ khoảng 12-13 tỷ USD do vi phạm bản quyền, đánh dấu sự gia tăng gấp 5 lần so với năm 2019. Trong thời gian tới, việc sao chép trái phép nội dung bản quyền sẽ tác động tiêu cực đến sự phát triển của thị trường truyện tranh toàn cầu.
Thêm vào đó, các doanh nghiệp truyện tranh cũng đang phải đối mặt với nhiều thách thức khác nhau, từ các vấn đề như phát triển truyện tranh kỹ thuật số hay bản in, việc sưu tập và lưu trữ truyện tranh cũng như định giá cho truyện tranh.
Giá bán của các cuốn truyện tranh hiếm đang ngày càng cao. Ảnh: CTV News. |
Các ấn bản truyện tranh từ nhiều thập kỷ hoặc thuộc về các thể loại đặc biệt có thể có giá khá cao và khiến một số nhà sưu tập khó có thể mua được. Vào tháng 4 năm nay, cuốn truyện tranh Superman in năm 1938 đã trở thành cuốn truyện tranh có đắt giá nhất trong lịch sử khi được bán với giá 6 triệu USD.
Ngoài ra, việc lưu trữ truyện tranh ở tình trạng tốt cũng là một vấn đề cần quan tâm. Lúc này, các kỹ thuật lưu trữ và bảo quản là rất cần thiết để bảo vệ giá trị của các bộ sưu tập truyện tranh.
Trong bối cảnh truyện tranh số với nhiều định dạng mới đang ghi nhận sự phát triển mạnh mẽ, việc đảm bảo sự phát triển bền vững và cân bằng của ngành truyện tranh trở nên ngày càng quan trọng. Lúc này, sự hợp tác và đổi mới giữa các doanh nghiệp truyện tranh là điều cần thiết, Technavio nhận định.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Tri Thức - Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Tri Thức - Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.