Là ngôi nhà của nhiều nhân vật hoạt hình nổi tiếng, từ Tintin đến Smurf (Xì Trum), nước Bỉ tự hào với di sản hoạt hình của mình và thể hiện chúng qua những bức tranh tường khổng lồ trên nhiều con phố lớn.
Nhưng mọi chuyện không hề suôn sẻ ở thủ phủ truyện tranh châu Âu. Các hoạ sĩ hoạt hình châu Âu hiện trong một cuộc chiến của riêng họ, chống chọi với một kẻ thù mới đầy quyền lực: AI.
Ngoài những cái nôi truyện tranh lớn như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu cũng là nơi có nhiều nhân vật đi vào tuổi thơ của độc giả toàn cầu. Ảnh: Context. |
Đưa AI ra ngoài ‘vùng xám’
Trong ngành công nghiệp truyện tranh, nghệ thuật do AI tạo ra hiện hoạt động trong vùng xám về mặt pháp lý do luật bản quyền ở Liên minh châu Âu (EU) hiện chưa quy định rõ ràng về giá trị nghệ thuật của tác phẩm AI.
Trong khi các nghệ sĩ sáng tạo truyện tranh đã dành nhiều năm để mài giũa kỹ năng của mình thì các công cụ AI tổng quát, chẳng hạn như MidJourney, sử dụng thuật toán học máy và kho dữ liệu nguồn từ chính sản phẩm trí tuệ của các nghệ sĩ, tạo ra các bức ảnh trong vài phút.
Việc tác phẩm của MidJourney, có tên Théâtre D’opéra Spatial, giành giải thưởng ở Mỹ đã dấy lên nhiều tranh luận. Ảnh: Medium. |
Tình trạng này đã khiến ngành truyện tranh châu Âu “đóng cửa hoàn toàn” với AI, Gauthier van Meerbeeck, Giám đốc biên tập của Le Lombard, nhà xuất bản truyện tranh nổi tiếng với nhân vật Tintin, nhận xét.
Ông van Meerbeeck nói: “Các tác phẩm được AI tạo ra bằng cách ăn cắp tác phẩm của giới nghệ sĩ. Vì vậy, về mặt đạo đức, tôi không bao giờ có thể dính líu đến việc đó”.
Tuy nhiên, trong khi các nhà xuất bản châu Âu dường như đều “nói không” với AI, thì bên kia Đại Tây Dương, loạt phim Secret Invasion của Marvel chiếu trên nền tảng Disney Plus vào tháng 6/2023 đã gây ra tranh cãi bằng cách sử dụng hình ảnh do AI tạo ra.
Cho tới nay, sự bùng nổ về việc sử dụng AI trong ngành công nghiệp sáng tạo tại Mỹ cũng đã dấy lên nhiều tranh cãi pháp lý. Nhiều công ty công nghệ nổi tiếng, từ OpenAI đến Meta, đang đứng trước nhiều vụ kiện từ giới nghệ sĩ. Họ cáo buộc AI đang kiếm tiền từ tác phẩm của họ, trong khi đó, không xin phép và không trả công lao xứng đáng cho họ.
Trước tình hình này, giới xuất bản truyện tranh châu Âu cũng đang chuẩn bị sẵn sàng cho các vụ kiện tụng khi đạo luật AI của EU có hiệu lực vào giữa năm 2025. Đạo luật này buộc các công ty công nghệ phải minh bạch về nguồn dữ liệu ban đầu đưa vào AI, đồng thời tạo nền tảng pháp lý để các vụ kiện bản quyền có thể được tiến hành.
Quentin Deschandelliers, cố vấn pháp lý tại Liên đoàn các nhà xuất bản châu Âu, thông tin với Context: “Đạo luật này có ý nghĩa rất lớn đối với các nhà xuất bản”, vì nếu muốn kiện tụng, bạn cần phải hiểu nền tảng pháp lý.
Deschandelliers cũng cho biết đạo luật mới có thể thúc đẩy các công ty công nghệ xây dựng thoả thuận chi trả cho giới nghệ sĩ khi sử dụng tác phẩm của họ trong kho dữ liệu nguồn của AI.
Trong bối cảnh sự chú ý đến vấn đề bản quyền ngày càng tăng, một số công ty công nghệ lớn trong mảng phát triển AI tổng quát đã tiến tới ký các thỏa thuận cấp phép nội dung với các cơ quan truyền thông, chẳng hạn như OpenAI với Financial Times và The Atlantic, cũng như giữa Google với NewsCorp và trang truyền thông xã hội Reddit.
Dù vậy, ông Deschandelliers giải thích, một số nhà xuất bản vẫn e ngại việc hợp tác với giới phát triển AI vì lo sợ các tác phẩm do AI tạo ra sẽ tràn ngập thị trường.
Tâm lý của các nhà sáng tạo châu Âu với AI
Trong khi đó, các nghệ sĩ cũng đang phân vân không biết nên khai thác hay từ chối các công cụ AI.
Họa sĩ truyện tranh người Bỉ Marnix Verduyn, với bút danh NIX, tự mô tả mình là một kỹ sư máy tính và “tình cờ trở thành một họa sĩ truyện tranh".
Ông Verduyn đã phát triển một thuật toán tổng quát để sáng tạo truyện tranh và từng nói đùa rằng ông có ước mơ một ngày nào đó thuật toán này có thể thay thế hoàn toàn ông để ông có nhiều thời gian nghỉ ngơi ở bãi biển.
Tuy nhiên, các đồng nghiệp của ông không có chung niềm vui như vậy, đặc biệt là khi mô hình AI tổng quát Dall-E, với khả năng chuyển từ nội dung chữ ra hình ảnh, ra mắt vào năm 2021.
Dù là một người tích cực với AI, ông Verduyn vẫn nhận ra sức mạnh của Dall-E: “Sự ra đời của Dall-E là một khoảnh khắc bước ngoặt và đó là lúc tôi nghĩ rằng có rất nhiều người sẽ không có việc làm trong tương lai”.
Ở châu Âu, lĩnh vực văn hóa sử dụng 7,7 triệu người vào năm 2022, trong khi doanh thu ròng của ngành là khoảng 448 tỷ euro (481,51 tỷ USD) vào năm 2021, theo thống kê của Ủy ban châu Âu. Và từ khi AI nổi lên, những công việc cơ bản, từng do các sinh viên nghệ thuật trẻ mới tốt nghiệp đảm nhiệm, đang dần bị thay thế.
Nghệ sĩ người Bỉ Sarah Vanderhaegen nhận thức rõ mối đe doạ từ AI tổng quát. Ảnh: Context. |
Nhà nghệ thuật trẻ người Bỉ Sarah Vanderhaegen chia sẻ với trang Context: “AI rẻ, nhanh, không cần con người và nó giết chết mọi nỗ lực nghệ thuật trong ngành truyện tranh”.
Vanderhaegen đã chia sẻ về việc sử dụng AI trong thời gian thực tập và chính điều đó đã khiến cô mất tự tin và phần nào thúc đẩy cô phải xem xét lại các lựa chọn. Cuối cùng, cô đã chuyển sang theo chuyên ngành khảo cổ học.
Đối với Vanderhaegen, người vẫn đang viết truyện tranh trong thời gian rảnh rỗi, lối tắt do AI mở ra là không thể sánh được với khả năng chuyển tải cảm xúc lên giấy của nghệ sĩ.
Đây là điều nhiều nhà sáng tạo và nhà xuất bản đồng tình. Đối với NIX, con người vẫn là chủ và AI chỉ là một công cụ."AI chỉ là một tập hợp các ý tưởng bị trộm từ người khác. Tôi nhận thấy tính chất toán học của AI và toán học không có linh hồn", ông Verduyn nói.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.