Tác phẩm The Undead của tác giả người Anh RR Haywood đã được xuất bản với một logo nhỏ in dòng chữ “NO-AI”, từ viết tắt của “Naturally Original- Authentically Invented” (tạm dịch Tác phẩm gốc được sáng tạo thực sự).
Một công cụ đơn giản nhưng hữu ích
Khi mua sách, độc giả cũng được nhận kèm một văn bản bảo đảm về nội dung và cung cấp hỗ trợ nếu tác phẩm bị phát hiện do trí tuệ nhân tạo (AI) thực hiện.
Logo "No-AI": Ảnh: Tyler Morning Telegragh. |
Văn bản ghi rõ: “Cuốn sách này do Richard Haywood viết ra và không sử dụng bất kỳ máy móc hay trí tuệ nhân tạo nào. Tuyên bố này là lời đảm bảo ràng buộc về mặt pháp lý và tính xác thực, đồng thời có thể được sử dụng để xác định người sáng tạo thực sự của tác phẩm trong trường hợp có bất kỳ nghi ngờ nào phát sinh”.
Haywood, một trong những tác giả tự xuất bản sách ăn khách nhất nước Anh, đã tạo ra logo nà với hy vọng ngăn điều ông mô tả là cơn lũ tác phẩm “AI” đang càn quét trên Amazon.
Năm ngoái, Amazon cho biết họ đang “tích cực theo dõi sự phát triển nhanh chóng của AI và tác động của công nghệ này đối với việc đọc, viết và xuất bản”. Tập đoàn thương mại điện tử khổng lồ cũng đã công bố một quy định mới hạn chế số lượng sách các tác giả có thể tự xuất bản trên Kindle Direct Publishing (KDP) ở mức 3 cuốn/ngày. KDP là nền tảng giúp tác giả tự xuất bản sách và đăng bán trên trang Amazon.
Nhưng đối với Haywood, tác giả đã bán được hơn 4 triệu cuốn sách trên toàn thế giới, tất cả đều “do tôi và chỉ do tôi viết”, Amazon đang dần bị những nhà văn tương lai muốn kiếm tiền từ AI “lạm dụng”.
Cuốn sách đã được xuất bàn kèm logo. Ảnh: Einnews. |
Do tính chất của công nghệ AI tổng quát, như ChatGPT là cho phép mọi người đều có thể sử dụng và không có công cụ phân định rõ những nội dung nào được AI hay con người tạo ra, nên gần như không thể có được con số thống kê đầy đủ về số lượng sách do AI tạo ra đang được bán trên Internet hiện nay. Tuy nhiên, Haywood tin rằng con số này có thể lên tới 100.000 tác phẩm trên toàn thế giới.
Không chỉ sử dụng logo “No-AI” cho tác phẩm của mình, Haywood cũng đăng logo này trên trang web của mình và cho phép công chúng tải xuống miễn phí. Từ đó, các tác giả và nhà xuất bản khác có thể sử dụng.
‘Vấn nạn’ sử dụng AI trong sáng tác
Haywood, một cựu cảnh sát, cũng đang thúc giục ngành xuất bản sử dụng logo này rộng rãi hơn nhằm xây dựng “sự minh bạch hợp pháp” trong giao dịch sách trực tuyến.
Ông nói, logo xác thực chính thức này sẽ giúp người tiêu dùng rõ ràng hơn khi lựa chọn nên tiếp cận tác phẩm do AI hay do con người tạo ra. Hiện tại, bằng cách không tiết lộ nội dung do nào là do AI tạo ra, nhiều nhà sáng tạo đang cố tình đánh lừa người tiêu dùng và hành vi đó có thể vi phạm pháp luật.
Tác giả người Anh RR Haywood nổi tiếng với loạt tiểu thuyết The Undead. Ảnh: Einnews. |
Tại Vương quốc Anh, những tuyên bố sai sự thật hoặc gian lận nhằm xúi giục người dùng mua một sản phẩm nào đó là bất hợp pháp, theo Đạo luật chống xuyên tạc. Những điều luật tương tự cũng được áp dụng trên phạm vi quốc tế.
Ông Haywood thông tin với The European: “Ngành công nghiệp xuất bản hợp pháp, bao gồm các nền tảng như KDP của Amazon, đang bị tấn công có chủ ý bởi những kẻ tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng thông qua việc khai thác lỗ hổng của hệ thống hiện tại. Việc sử dụng AI để sản xuất hàng loạt nội dung chất lượng thấp đang gia tăng nhanh chóng, làm mờ ranh giới giữa tính xác thực và tính giả tạo, đồng thời khiến người tiêu dùng ngày càng khó phân biệt”.
“Mục đích của tôi là thúc đẩy tính minh bạch hợp pháp bằng cách tạo nên một khuôn khổ đơn giản, phù hợp với tương lai và mang đến cho người tiêu dùng nhiều lựa chọn hơn. Mặc dù một số người có thể chấp nhận nội dung do AI tạo ra, logo “No-AI” sẽ giúp những người đang tìm kiếm tài liệu chất lượng do các tác giả con người tạo ra yên tâm hơn”, nhà văn này khẳng định.
“Nếu không dùng logo này, sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian trước khi các tác giả và nhà xuất bản phải đối mặt với làn sóng kiện tụng dân sự không thể tránh khỏi, không chỉ theo luật của Vương quốc Anh mà còn là luật pháp trên toàn thế giới. Chắc chắn là những cuốn sách do AI tạo ra, một phần hoặc toàn bộ, cần phải công bố trước pháp luật. Bằng cách che giấu điều này, người tiêu dùng đang bị lừa mua hàng với lý do sai trái”, ông Haywood nói thêm.
Thiếu cơ chế ngăn chặn sử dụng AI sai trái
Hiện nay, Chat GPT và nhiều phần mềm AI khác có thể tạo ra một cuốn sách hoàn chỉnh từ các yêu cầu cơ bản trong vài phút. Các công cụ tổng hợp khác cũng giúp người dùng tạo bìa và tác phẩm nghệ thuật chỉ bằng một nút bấm và họ không cần có kinh nghiệm trước đó. Trên nhiều nền tảng như YouTube, TikTok và Reddit, không thiếu video và bài đăng hướng dẫn và cho thấy việc tạo ra một cuốn sách và tự xuất bản trên Amazon trong cùng một ngày nhanh chóng và dễ dàng như thế nào.
Trong khi chưa có cơ chế xác định Chat GPT là tác giả hoặc đồng tác giả của những tác phẩm này, hiện cũng không có cách nào để Amazon xác định một cách đáng tin cậy tác giả nào là “con người”' và tác giả nào “không phải con người”. Trong khi có một số phần mềm phát hiện AI nhưng độ chính xác của chúng không phải là 100%.
Theo Haywood, người đã tự xuất bản 40 đầu sách trên Amazon, hàng chục nghìn người tiêu dùng có khả năng đang bị lừa mua sách do AI tạo ra mà không hề hay biết.
Theo ông, cách duy nhất để ngăn chặn tình trạng này là các tác giả phải “bảo vệ lợi ích của chính họ” và đảm bảo tính xác thực cho sự sáng tạo của chính họ.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng