Họa sĩ Linh Rab tại buổi giao lưu với độc giả nhí về bộ truyện Cuộc phiêu lưu của Dế Út. Ảnh: Đức Huy. |
Kể từ khi du nhập vào Việt Nam, manga (có nguồn gốc từ Nhật Bản) hay manhwa (có nguồn gốc từ Hàn Quốc) xây dựng được một cộng đồng ngày càng lớn mạnh. Nhu cầu tiêu thụ cũng có phần thay đổi. Từ đó, thế hệ tác giả truyện tranh trong nước có những dịch chuyển nhất định về phong cách.
Tuy nhiên, xã hội luôn tiến lên và đổi mới. Từ những năm 1980, họa sĩ tại Mỹ đã được cảnh báo về việc công nghệ có thể thay thế nhiều phần của công việc. Giờ đây, AI dần hiện diện rõ nét hơn thông qua các công cụ như chatbot, illustration bot… Liệu rằng chúng có thể tạo nên những ảnh hưởng như nào? Để hiểu hơn về điều này, phóng viên Znews đã tìm tới họa sĩ Linh Rab, người vừa đạt giải thưởng Khát vọng Dế mèn năm 2024 với tác phẩm Cuộc phiêu lưu của Dế Út.
AI vẫn còn mới mẻ
- Xin chào họa sĩ Linh Rab, anh từng chia sẻ một tập truyện của bộ "Cuộc phiêu lưu của Dế út" phải tốn tới 2 năm để hoàn thành, tại sao họa sĩ phải tốn một khoảng thời gian lớn như vậy?
- Để tạo nên một tác phẩm truyện tranh cần rất nhiều bước, ban đầu là việc lên ý tưởng sau đó phác thảo, đi nét và cuối cùng là tô màu. Không chỉ mình tôi thực hiện toàn bộ ba bước này, các bạn cộng tác viên tham gia rất nhiệt tình ở bước đi nét và tô màu.
Thời gian của tác phẩm kéo dài bởi chúng tôi cũng phải làm nhiều việc khác để duy trì kinh phí. Cùng với đó, phóng tác một nhân vật rất nổi tiếng trong văn học thiếu nhi Việt Nam không phải là điều dễ dàng. Câu hỏi là làm sao để nhân vật có những nét mới hấp dẫn, thú vị, mà vẫn giữ được tinh thần khám phá và bài học cốt lõi của Dế mèn. Cuối cùng chúng tôi đã tìm ra được lời giải cho bài toán này, từ đó bộ truyện ra đời.
Ba phần đầu trong bộ truyện Cuộc phiêu lưu của Dế Út. |
- Trong bốn công đoạn Linh Rab vừa nói, liệu có bước nào AI có thể giúp các họa sĩ thực hiện nhanh hơn không?
- Trong bốn bước lên ý tưởng, phác thảo, đi nét và tô màu, hai phần cuối dường như là đơn giản nhất. Nhưng sau khi thử nghiệm, tôi nhận ra rằng các công cụ trí tuệ nhân tạo đi nét không thể đều tay bằng người thật. Ngoài ra, các bộ màu của AI dùng trùng nhau rất nhiều, chúng còn khá hạn chế trong thời điểm hiện nay. Do đó, họa sĩ đều phải làm thủ công. Nhưng tôi hy vọng rằng các công cụ này có thể tiếp tục được phát triển hơn nữa để họa sĩ tiết kiệm thời gian.
Còn về mặt nội dung, hầu như AI không thể đưa ra được kết quả nào khả quan. Có lẽ trong một thời gian dài nữa, AI mới có thể làm được điều này.
- Anh có mong đợi gì nếu các công cụ trí tuệ nhân tạo có thể tham gia vào xuất bản?
- Tôi mong một lúc nào đó có thể thấy được các xuất bản phẩm do AI làm ra. Khoan bàn về những mặt tiêu cực, hãy nhìn chúng như một sự tiến bộ về công nghệ.
Một họa sĩ Việt sẽ luôn vẽ theo phong cách Việt
- Từ góc độ cá nhân, Linh Rab nghĩ sao về vị trí của truyện tranh thiếu nhi do tác giả Việt sáng tác trước làn sóng truyện nhập ngoại?
- Vấn đề này đã được đặt ra nhiều lần trước đây. Bản thân tôi cũng phải thừa nhận rằng hội nhập có những ảnh hưởng nhất định. Dù vậy truyện tranh Việt Nam vẫn luôn mang một màu sắc riêng, gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân Việt Nam hơn.
- Anh nhận xét như thế nào về phong cách thế hệ họa sĩ trẻ? Manga hay manhwa có ảnh hưởng tới thế hệ trẻ?
- Thế hệ nào cũng có sự ảnh hưởng từ một nguồn bên ngoài. Chẳng hạn thế hệ của tôi, những người anh đi trước như Còm, chú Đức Lâm, bác Văn Minh... cho thấy những ảnh hưởng từ truyện tranh Pháp, Bỉ, đến tôi lại có phần ảnh hưởng từ manga. Tuy nhiên, ảnh hưởng có lớn đến đâu, một người họa sĩ sẽ luôn tìm ra phong cách cho riêng mình. Đáng nói hơn, một họa sĩ Việt Nam sẽ luôn viết, vẽ theo phong cách Việt Nam.
Theo Linh Rab, Sống là một tác phẩm graphic novel để lại nhiều ấn tượng. Ảnh: Vietnam News. |
- Theo anh, họa sĩ truyện tranh đang phải đối mặt với các cơ hội và thách thức như nào trước tốc độ phát triển và hội nhập hiện nay?
Họa sĩ giờ đây phải bám trụ giữa những làn sóng. Giá bản quyền một bộ truyện có thể rẻ hơn so với việc trả tiền cho các họa sĩ trong nước. Thậm chí một số nước từng tặng bản quyền truyện để mong muốn tiến vào các thị trường mới.
Tuy nhiên chúng ta cũng phải nhìn nhận khách quan hơn. Lấy manga là một ví dụ. Họ đã phát triển từ 70 năm trước, cho đến nay thành quả của họ là sự ảnh hưởng mạnh mẽ ở Đông Nam Á.
Chúng ta vẫn đang xây dựng từ những bước nền tảng. Các nhà xuất bản như Kim Đồng, Nhà xuất bản trẻ Trẻ, nhóm vẽ truyện tranh như Comicola, Lá Comics hay tác giả Trần Hải Anh với tác phẩm Sống, Vũ với truyện Bóng vẫn đang từng bước khẳng định tên tuổi của mình. Họ nỗ lực để 20-30 năm nữa, có thể thế hệ sau cũng được hưởng những thành quả như lớp họa sĩ trẻ hiện tại ở Nhật Bản.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.