Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ 'Một trái tim khô' đến 'Trò chơi mất tích'

Vở kịch "Trò chơi mất tích" được biên kịch Nguyễn Thị Minh Ngọc cảm tác từ truyện ngắn "Một trái tim khô", quy tụ dàn diễn viên gạo cội với kịch bản gợi nhiều suy ngẫm.

Một trái tim khô, như nhiều truyện ngắn khác của Nguyễn Ngọc Tư, kể về mối nhân duyên nghiệt ngã giữa những con người bị số phận sắp đặt vào những cảnh huống tréo ngoe. Truyện xoay quanh nhân vật chính tên Hậu - giám đốc một công ty, thoát chết sau một vụ ám sát, bỏ chồng mang con đi tìm kiếm cuộc sống mới, nơi cô gặp gỡ và bén duyên với chàng trai phụ hồ tên Nhâm…

tro choi mat tich anh 1

Nhân vật Nhơn Hậu (NSƯT Tuyết Thu, trái) và Lệ Diễm (NSƯT Minh Trang, phải) trong một phân cảnh đầu vở kịch. Ảnh: Sân khấu Quốc Thảo.

Câu chuyện kết thúc bằng một câu trả lời cho một bí ẩn, nhưng dường như để lại thêm nhiều câu hỏi và khoảng trống hơn trong lòng độc giả, bởi nhân vật chưa được giãi bày và thấu tỏ. Phải chăng đây chính là lý do đạo diễn Nguyễn Thị Minh Ngọc đau đáu suốt 10 năm để cảm tác nên Trò chơi mất tích từ truyện ngắn này?

Đi tìm lời giải cho một kết truyện bỏ ngỏ

Có lẽ vở kịch này chính là "lời giải" cho "bài toán" ban đầu vốn là một truyện ngắn chỉ hơn 2.300 chữ chỉ có bốn nhân vật được gọi tên: Hậu, Nhâm, Thường (chồng cũ Hậu), bé Thỏ (con gái Hậu và Thường) với tuyến truyện đơn giản xoay quanh nhân vật chính là Hậu. Cả truyện hiếm hoi thoại. Nhưng giống như khi giải một bài toán quá ít dữ kiện, người ta buộc phải vẽ thêm đường phụ hay đặt thêm biến giả, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã thêm vào tuyến nhân vật mới cùng rất nhiều tình tiết dẫn dắt nhằm tạo nên một câu chuyện lớp lang, gợi nhiều suy ngẫm.

Hoàn cảnh gia đình Hậu được hé lộ trước khi biến cố xảy ra: mối bất hòa ngấm ngầm bấy lâu giữa hai vợ chồng Nhơn Hậu (NSƯT Tuyết Thu) và Lê Thiên Tường (NSND Hữu Quốc) xuất phát từ khác biệt thân thế và bản tính trái nghịch, cô con gái Lê Nhơn Hiền (Lâm Thanh Tiệp) với nhiều tâm sự tuổi thành niên không được cha mẹ thấu hiểu, bị áp đặt vào khuôn mẫu…

tro choi mat tich anh 2

Một lời thoại của nhân vật Thiên Tường (NSND Hữu Quốc) hé lộ mâu thuẫn ngấm ngầm trong gia đình.

Nhân vật Lệ Diễm (NSƯT Minh Trang) - chị gái cùng cha khác mẹ của Hậu - là một ẩn số mới với một quá khứ còn nhiều bí mật và những giằng xé nội tâm liên tục xuyên suốt vở kịch. Hai nhân vật cha con ông Tám Phú Lễ (NSND Việt Anh) và con trai tên Biển (Trường Phúc) cũng góp phần tạo thêm sắc màu cho câu chuyện với những mảnh hài duyên nhẹ nhàng sau những phút chính kịch căng thẳng, song song với phút hé lộ chân thực về mối quan hệ gây ngỡ ngàng và khiến người xem không khỏi suy tư về thân phận của một con người chừng nhỏ bé, vô danh trong cuộc đời.

Một số nhân vật phụ khác được thêm vào đã làm tăng tính thời sự của vở kịch: Hiền và nhóm bạn của mình đại diện cho lớp trẻ ngày nay ưa thích và phụ thuộc vào công nghệ, các thiết bị kỹ thuật số; nhân vật Biển hay livestream gợi nhắc về sự thực con người ngày nay để lại rất nhiều "dấu vết" của mình trên không gian mạng…

Những trái tim khô của trò chơi mất tích

Trên sân khấu, ta không chỉ thấy "một trái tim khô", mà dường như rất nhiều tâm hồn đã bị cuộc đời vò xé đến tan nát… Nhân vật chính biền biệt bỏ nhà trốn khỏi những kẻ muốn hãm hại mình ở hòn đảo tuốt “hóc bò tó”, nơi cuộc sống người dân phải đối đầu với thiên nhiên khắc nghiệt.

Nửa năm một lần gió chướng kéo đến tàn phá là phải dời nhà sang ghềnh khác để ở, dù vậy, ai cũng cảm thấy hạnh phúc với cuộc sống đơn giản, không lo nghĩ nhiều như trong bờ. Cơn bão nổi lên kéo mạch kịch về sau liên tục tiết lộ những góc khuất về tính cách, cuộc đời nhân vật, những trăn trở, suy tư, quyết định của họ. Cao trào vở kịch đẩy lên khi Nhơn Hậu cứng cỏi: “... gió dữ tới đâu cũng không dữ bằng lòng dạ con người”. Hơn hai giờ đồng hồ, người xem được dẫn vào một "trò chơi mất tích" chừng như không có lối ra.

Dù đọc truyện trước, khán giả cũng khó lòng đoán được nút thắt biên kịch ẩn giấu trong câu chuyện cho đến những phút cuối cùng. Nút thắt được đan cài kỹ lưỡng này rút dần từng nấc trong nửa sau vở kịch, để rồi sáng tỏ hoàn toàn ở phân cảnh cuối cùng. Lựa chọn cái kết của Nguyễn Thị Minh Ngọc có thể xem là một quyết định vừa đề cao nhân văn, song cũng như một lời nhắc cảnh tỉnh về nhân quả.

tro choi mat tich anh 3

Một lời thoại của nhân vật Nhơn Hậu (NSƯT Tuyết Thu).

Ra khỏi khán phòng, tuy đã có trong đầu lời giải chi tiết cho bài toán thô mộc ban đầu, nhưng người xem hẳn sẽ còn phải trầm ngâm nhiều về những sự trớ trêu khả biến của cuộc đời, về cách con người ta lựa chọn khi đối diện với nghịch cảnh, bất hạnh hay khi đứng trước cám dỗ, mưu toan. Song sau rốt, đọng lại sâu sắc nhất, có lẽ cũng chính như trong những trang viết của Nguyễn Ngọc Tư, là tình người lấp lánh sáng mà độc giả, khán giả luôn kiếm tìm.

Tác phẩm tâm huyết này của Nguyễn Thị Minh Ngọc đã được bà cùng đạo diễn Quốc Thảo đưa lên sân khấu trong một dàn dựng rất công phu, với diễn xuất ấn tượng từ dàn diễn viên gạo cội cùng những gương mặt trẻ đầy triển vọng… tất cả góp phần tạo nên một trải nghiệm trọn vẹn cho những khán giả yêu mến chính kịch.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho Znews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. Znews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

Tâm Anh

Bạn có thể quan tâm