Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đời thường tôi nhạt nhẽo lắm, chỉ trong văn mới sinh động'

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư vừa ra mắt tập tản văn 'Trôi' viết về những con người luôn khao khát, tìm kiếm tự do nhưng cuối cùng vẫn bị mắc kẹt đâu đó.

Nguyen Ngoc Tu anh 1

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư.

Nhân dịp này, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã chia sẻ về cuộc sống cũng như quá trình sáng tác.

Bằng tài năng kể chuyện độc đáo và như có duyên ngầm khiến độc giả bị hút vào một cách rất tự nhiên, trong tác phẩm mới nhất, nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đã mở ra một thế giới bất định với những con người cố níu lấy thứ gì đó, đồng thời cũng muốn thoát khỏi nó, trong hành trình trôi nổi dường như vô tận.

Đọc Trôi để thấy rằng ngay cả một bụi lục bình cũng bị mắc kẹt vào chính mình bởi “trên đường đi nó sinh con đẻ nhánh, kết cụm kết bè và rồi tự cầm tù mình trong một con kênh nào đó”. Hóa ra “mắc kẹt là chung cuộc được mặc định, không ngoại lệ nào, kể cả những thứ có sinh mệnh nổi trôi”.

Những sinh vật tự nhiên, những con người muôn mặt, những thân phận dọc ngang qua ngòi bút của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư đều mang đến sự đồng cảm, kết nối đến kỳ lạ với người đọc.

“Chẳng cuộc trôi nào là vô tình hết, bản thân sự nổi trôi là thông điệp, tín hiệu, thư mời của chân trời. Sớm hay muộn cũng có kẻ nhận lời”.

Nguyen Ngoc Tu anh 2

Rốt cuộc không có cái gọi là tự do

- Những nhân vật trong "Trôi" của chị đang cố gắng trốn khỏi hiện thực nghiệt ngã để tìm kiếm tự do đâu đó?

- Nhưng rốt cuộc là không có cái gọi là tự do. Ý tưởng khởi đầu của cuốn sách này là về những con người trong vòng vây chân trời, một bọn cứ dịch chuyển tới lui, tưởng thoát khỏi cái gì đó rồi mà không thoát được

- Hành trình của họ có phải là trải nghiệm của chính tác giả?

- Không hẳn. Tôi không theo chủ nghĩa trải nghiệm rồi mới viết, hoặc nương theo nguyên mẫu, vậy thì coi thường trí tưởng tượng của mình quá. Nếu trời cho tôi thứ quý giá như vậy, tôi phải mài giũa, chế tác, mân mê nó thường xuyên.

- Chị có phải là người yêu chủ nghĩa dịch chuyển?

- Đi - với tôi cũng là một cách để làm mới chính mình, vượt ra khỏi cuộc sống thường nhật tẻ nhạt trong phút chốc, nhưng tôi không muốn tự gán cái danh xưng “người yêu dịch chuyển” lên bản thân. Mọi danh xưng cứ như cái áo vậy, có thể tôi không vừa, không hợp với nó, vậy thì sẽ không tự nhiên khi chui mình vào. Tôi đi vì thời điểm ấy muốn đi, vậy thôi.

- Chị thích khai thác vào chuyển động của ký ức và sự ám ảnh của nó với cuộc sống hiện tại của mỗi người?

- Quá nhiều chuyện thú vị để nói về ký ức, có quá nhiều ý tưởng hay ho khi tôi lật trở nó. Tôi nghĩ người ta có nhiều cách đối xử với ký ức, và mỗi hình thái đều mang tới một câu chuyện khác biệt. Sự khó nắm bắt của ký ức cũng là một vỉa đề tài hấp dẫn, với tôi.

Nếu trung tâm là con người, vùng miền chỉ là phụ

- Có cảm giác như trong tác phẩm mới nhất, chị không còn “nhốt” những nhân vật, chi tiết, hoàn cảnh sáng tác của mình ở vùng sông nước Nam Bộ mà “mở đường” ra với cõi nhân sinh rộng mở hơn?

- Tôi mở hoài đó chớ, khoảng mười năm trở lại đây. Cố để mọi thứ loang ra hết mức có thể. Nhưng như một kẻ dù có hóa hình tới mấy thì căn cốt vẫn còn. Tôi cũng không quan tâm chuyện mình viết ra là của miền nào, xứ nào. Nếu trung tâm là con người thì chuyện vùng miền chỉ là phụ, là cái nền thôi.

-Chị có ý định đưa ngòi bút của mình vượt khỏi sông nước miền Tây đến với đô thị đặc quánh khói bụi và những số phận không kém phần bí bách, ngột ngạt?

- Có thể, chẳng biết trước được. Rào cản với tôi bây giờ là tôi muốn sự hiện diện của thiên nhiên, cây cỏ, sông nước trong trang viết của mình. Nơi số phận người ta thay đổi vì một cơn mưa, ngọn gió. Những thứ đó, khó mang vào không gian đô thị

- Với tản văn, tôi thấy cách viết của chị có sự kết hợp giữa văn học và báo chí, bộc lộ rõ hơn góc nhìn cá nhân với hiện thực cuộc sống?

- Vậy nên tôi không nặng lòng với thể loại này lắm, dù nó cũng giúp tôi kiếm được tiền (cười). Việc để lộ bản thân nhiều quá vào tản văn, hoặc thơ làm tôi hơi bất an. Sẽ tự nhiên hơn nếu tiếng nói của tôi phải được bật ra bằng câu chuyện, bằng nhân vật chứ không phải là cố nhét cái giọng nói khiên cưỡng của người viết vào.

-Chị coi văn chương là chỗ ẩn nấp của bản thân, để người khác không "đọc" được mình?

Tác giả chỉ nên được "đọc" qua câu chuyện, qua nhân vật. Mọi bày tỏ nên vào đấy hết, và độc giả sẽ nhận ra tôi thôi, kiểu vậy mới là phơi bày bản thân nhà văn một cách tự nhiên nhất.

- Truyện ngắn, truyện dài, tiểu thuyết, tản văn, thơ và có lần còn vẽ tranh minh họa nữa, sức làm việc của chị thật đáng nể. Nhưng đâu là mảnh đất sáng tạo chị dồn nhiều tâm huyết và thấy hứng thú nhất?

- Cứ chữ là hứng thú. Nhưng như vừa nãy tôi có nói, riêng tản văn thì tôi hơi dè dặt. Và biết sao được, sống bằng viết đôi khi tôi không có chọn lựa, tôi chỉ có một cách là làm tốt hết sức có thể.

- Theo quan sát, tôi thấy hình như chị không phải là người cởi mở, thích giao tiếp, chị có nhiều bạn bè trong giới văn chương không?

- Tôi cởi mở chứ, nhưng với ít người thôi. Tôi cũng thích giao tiếp, nhưng đừng đông quá. Bạn bè, không riêng gì giới văn chương, theo thói quen trên mà thưa thớt. Không tham gia mạng xã hội cũng là một hạn chế trong việc kết bạn. Thật ra nếu tôi có kết bạn thì cũng khó mà bền lâu, ai mà chịu nổi một người sống đời nhạt nhẽo, không có gì để tỏ bày, tâm sự, bao ý nghĩ đều dành dụm cho mỗi việc viết.

- Đó là lý do chị hiếm khi tổ chức các cuộc giao lưu với độc giả dù rất nhiều người muốn được “nhìn”, được trò chuyện với chị Tư không phải thông qua trang viết?

- Tôi cứ nghĩ mình nói thêm gì cũng thừa, hiện diện của mình cũng vậy. Trong những cuộc gặp chớp nhoáng, đông người, tôi trong tình thế không thoải mái, đó cũng không hẳn là tôi.

- Chị tự nhận nghiệp viết văn là "nhạt nhẽo" nhưng nhiều độc giả và người viết trẻ lại coi chị là một mẫu nhà văn cực kỳ hấp dẫn và muốn được truyền nghề, chị sẽ nói sao với họ?

- Nhạt nhẽo không phải là việc viết, mà là đời sống thường nhật của một người viết kiểu như tôi ấy. Ít la cà, không bè bạn, chẳng biết xu hướng lúc này là gì, tin tức nào nóng tới tôi cùng thành nguội ngơ. Đó là lý do tôi thích viết, vì với văn chương, trong cái thế giới mà tôi tạo dựng đó, tôi thấy đời mình trở nên cực kỳ phong phú, sống động.

Với các bạn viết trẻ, ngoài chuyện tôi coi họ là đồng nghiệp, tôi nghĩ chia sẻ cũng cần có nghệ thuật để sao người khác không cảm thấy đang bị dạy đời.

- Từ một cô văn thư ở tạp chí "Bán đảo Cà Mau" đến một nhà văn nổi tiếng mà hầu như tác phẩm nào ra đời cũng tạo nên làn sóng trên văn đàn, nhìn lại chặng hành trình đã qua, điều gì khiến chị thấy trăn trở nhất?

- Tôi ít thời gian để sáng tác quá. Quá trình viết của tôi bị chi phối ít nhiều bởi việc kiếm sống quá. Tôi còn nghe ngóng "hóng hớt" quá, lẽ ra chỉ nhìn vào thế giới nội tâm của chính mình thôi.

- Chị có kế hoạch đưa tác phẩm của mình ra ngoài biên giới, hướng đến độc giả quốc tế không?

Không, tôi nào có kế hoạch gì. Chuyện ấy tùy duyên thôi. Mà cái duyên lớn nhất là phụ thuộc vào dịch giả. Mà không riêng gì tôi, văn học Việt Nam có bước ra ngoài được hay không, đều là nhờ vào các anh chị dịch giả ấy chứ, là tôi nghĩ vậy.

- Chị có tự tin sống khoẻ, sống sung túc với nghề viết?

- Công việc giúp tôi có thu nhập gọi là tạm được, trong đời sống tỉnh lẻ. Nhu cầu của tôi cũng ít. Còn sống khỏe, hay sung túc như lời bạn nói, chắc Việt Nam chỉ có một người. Và người ấy không phải tôi rồi.

- Nhà văn có sợ ngày nào đó mình cạn vốn, khô kiệt cảm xúc và phải ngừng viết?

- Tôi thường phớt lờ cái giả định đó để chẳng lo lắng, bất an cho cái tương lai (mà mình không biết chắc chắn là có tương lai ấy không). Nhưng tôi đang học cách thuận theo tự nhiên. Người ta phải già đi, phải cạn dần năng lượng sống, phải đương đầu với một cơ thể rệu rã. Biết đâu sẽ có nỗi sợ khác lớn hơn vào khi đó, sợ bệnh tật, sợ chết, ví dụ vậy.

- Tôi tò mò muốn biết nhà văn Nguyễn Ngọc Tư hay đọc sách gì?

- Mọi thứ. Những cuốn sách mà tôi tin mình sẽ học được gì đó. Với tôi đọc là học. Tôi không đọc giải trí, không đọc vì tò mò kiểu nghe nói cuốn ấy có vấn đề, hay cuốn kia nhạy cảm. Nghĩ mình ít thời gian lắm, đọc cái gì mà giúp cho việc viết của mình ấy.

Kể cả những tác giả tôi coi như người ở hành tinh khác, như Jorge Luis Borges hay W.G Sebald, thì đọc các ông, tôi cũng học được rằng thế giới văn chương nó rộng lớn nhường nào. Việc trèo ra khỏi giếng nhờ đó mà tiến triển thêm chút ít.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư, sinh năm 1976. Hiện chị sống và viết ở Cà Mau. Tác giả của Ngọn đèn không tắt, Cánh đồng bất tận, Yêu người ngóng núi, Tạp văn Nguyễn Ngọc Tư, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Sông, Đảo, Đong tấm lòng, Không ai qua sông, Gáy người thì lạnh, Khói trời lộng lẫy, Hành ký hư vô, Hong tay khói lanh, Trôi.

Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews

Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.

Trân trọng.

https://vietnamnet.vn/doi-thuong-toi-nhat-nheo-lam-chi-trong-van-chuong-moi-thay-minh-sinh-dong-2217447.html

Linh Đan/Vietnamnet

Bạn có thể quan tâm