Đúc rút từ kinh nghiệm của mình, các nhà văn chuyên nghiệp đã nêu ra những nhận định, quan điểm về nghề trong cuốn Nhà văn nói về nghề. Ở đó không có những tác phẩm đỉnh cao, sự thừa nhận hay tôn vinh của xã hội, các nhà văn đã cúi xuống thật gần trang viết để cho bạn đọc thấy sự miệt mài học hỏi, tích lũy, dụng công sáng tạo với con chữ.
Sách Nhà văn nói về nghề. Ảnh: Y Nguyên. |
Nhà văn phải trau dồi, học chữ trong suốt cuộc đời cầm bút
Nghề văn được xã hội gắn với nhiều trách nhiệm, sứ mệnh cao cả. Song đối với nhà văn, đó trước tiên là một nghề như biết bao nghề khác. Các cây bút nổi tiếng như Tô Hoài, Nguyễn Nhật Ánh đưa ra những định nghĩa và góc nhìn về nghề một cách dung dị, dễ hiểu.
Trong bài “Bắt đầu từ những con chữ”, nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng nghề văn bắt đầu từ những con chữ. Theo tác giả Mắt biếc, công cụ nghề văn rất đơn giản, chỉ cần một cây bút, một xấp giấy là có thể ung dung hành nghề; thuận tiện, hiện đại hơn là dùng máy tính để viết. Nguyên liệu của nghề văn còn đơn giản hơn, không phải bỏ tiền ra mua sắm: “Thợ mộc cần gỗ, thợ may cần vải, thợ hồ cần xi măng, còn nhà văn chỉ cần… chữ”.
Nhưng không phải ai có chữ, có giấy, có bút cũng có thể trở thành nhà văn.
“Nhà văn ắt nhiên phải giỏi dùng chữ”, Nguyễn Nhật Ánh viết. Tác giả Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh cho rằng để giàu chữ phải đọc hàng trăm cuốn sách, đọc hàng nghìn tờ báo, thấu hiểu những nội dung ấy.
Có chữ rồi phải biết dùng chữ: “Người biết cách kiếm tiền chưa chắc đã là người biết cách xài tiền. Nghề văn cũng vậy, kiếm chữ thì dễ mà dùng chữ mới thiệt là khó. Khó ở chỗ bạn biết chắc bạn có rất nhiều chữ trong bộ nhớ nhưng đến khi cần dùng thì tìm hoài không ra, không biết nó nằm ở ngóc ngách nào trong đầu bạn”.
Cao hơn, người viết phải dùng chữ tạo ra nghĩa. “Chữ chứa nghĩa như con thuyền chứa món đồ mà nó chuyên chở. Nó không phải là con thuyền rỗng không”. Tuy chữ là nguyên liệu của nhà văn, chỉ ở khía cạnh hình thức. Nguyên liệu thực sự là cái mà những con chữ chuyên chở, tức là nghĩa, nói khác đi, là những ý tưởng.
Nhà văn Tô Hoài cũng đề cao con chữ trong bài viết “Chữ, tiếng nói”. Ông cho rằng học chữ và tiếng nói phải công phu trau dồi bất cứ lúc nào và ở đâu trong cuộc đời người viết.
Tác giả Dế mèn phiêu lưu ký kể về việc học hỏi của mình: “Nguồn tiếng nói hàng ngày bồi đắp cho người viết văn. Sách báo cũng bồi đắp ngôn ngữ cho người viết văn. Thôi thì thượng vàng hạ cám, cái gì đến tay tôi cũng đọc, sách báo nào có chữ khang khác tôi không biết, tôi cũng ghi. Truyện cổ, truyện tiếu lâm, truyện của các nhà văn Kim Lân, Bùi Hiển, Đoàn Giỏi thường giàu có màu sắc, nhiều chữ hay, tôi chú ý lấy ra”.
Nhà văn Ma Văn Kháng cũng coi nhà văn là những người mê mải học nghề. Ông cho rằng với văn chương nghệ thuật, có cái gọi là năng khiếu trời cho, nhưng cũng có vốn sống tạo nên. Nhà văn viết tác phẩm không phải chỉ bằng chất liệu, bằng cảm hứng mà còn bằng các hiểu biết về nghề nghiệp.
Tác giả Mùa lá rụng trong vườn viết: “Nghệ thuật dừng lại ở cái riêng. Trong sáng tác văn chương, kinh nghiệm luôn mang ý nghĩa cá nhân. Không có chuyện cầm tay chỉ việc ở đây. Thành ra, có thể nói nghề văn là nghề tự đào tạo”.
Cũng giống Tô Hoài, Ma Văn Kháng cho rằng nghề văn cần học hỏi suốt đời: “Học nghề mải mê, không biết mệt, nếu anh còn muốn tiếp tục sống với cái nghề vất vả cực nhọc và tràn đầy niềm vui này”.
Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cho rằng muốn trở thành nhà văn, hãy bắt đầu từ việc học dùng chữ. Ảnh: Y Nguyên. |
Hạnh phúc của người cầm bút
Nhà văn Nguyễn Minh Châu cho rằng nhà văn là người nặng lòng với cuộc đời. Tác giả Mảnh trăng cuối rừng viết: "Người viết văn là người rất nặng nợ với đời. Cuộc đời của anh ta là một cuộc đời không bao giờ được phép ngừng lăn lộn trong cuộc sống thực tế, không bao giờ ngừng nghiên cứu và quan sát xã hội".
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư cũng định nghĩa một cách giản dị, không kém phần kiêu hãnh về nhà văn. Trong bài diễn từ nhận giải thưởng Literaturpreis 2018 có tên “Thế đứng của người viết”, Nguyễn Ngọc Tư cho rằng nhà văn là người kể chuyện.
Tác giả Cánh đồng bất tận nói bên trong chị luôn có những lời thì thầm thúc giục kể lại câu chuyện. “Hãy kể câu chuyện này, nó là của bạn”, khi lời thì thầm cất tiếng, nhà văn đất Cà Mau sẽ quên hết thực tại để sống với câu chuyện của mình. Khi đi chợ, nấu ăn, đưa đón con tới lớp, trong bữa tiệc tùng… bất cứ khi nào chị cũng có thể đuổi theo câu chuyện mà mình đang, sẽ kể.
“Tôi tin người ta luôn có những câu chuyện giống nhau, cùng sở hữu một vốn từ ngữ gần như nhau, nhưng mỗi người sẽ có một cách kể của riêng mình, từ cách chạm vào đời sống, cách người ta đặt tấm gương đón nhận những hình ảnh phản chiếu của đời sống ấy, tái tạo lại với tài năng thiên bẩm, sự trắc ẩn và tinh tế”, Nguyễn Ngọc Tư viết.
Tuy vất vả, cực nhọc, song nhà văn cũng được hưởng những niềm vui, hạnh phúc từ công chúng mang lại. Nhà văn Bảo Ninh trong bài viết “Mấy cảm nghĩ về nghề văn” đã nói về niềm hạnh phúc của người cầm bút.
“Không biết có còn nước nào như thế nữa không mà nghề văn, nhà văn được đông đảo các tầng lớp nhân dân trọng thị và yêu mến nhường ấy. Nhà thơ, nhà văn, vậy là đủ, là bạn sẽ được hưởng niềm cảm mến, sự ưu ái, thái độ chí tình và thân thiện của mọi người xung quanh, cho dù mọi người chưa đọc tác phẩm, thậm chí chưa từng nghe đến tên bạn”, tác giả Nỗi buồn chiến tranh viết.
Nhà văn Bảo Ninh đặt nhà văn trong muôn nghề khác để lý giải những điểm khác biệt. Ông cho rằng nhà văn không cao hơn, nổi trội hơn các nghề khác nhưng vẫn được quý mến, bởi bản tính, lối sống, thần thái của họ là cô đọng của bản sắc nhân dân trong thời đại họ đang sống. Do vậy, thời đại nào thì văn nhân cũng vừa gần gũi, thân cận lại có vẻ lạ lùng, hơi tách biệt, dễ gây chú ý.