Khi nhắc đến văn chương ẩm thực người ta thường nghĩ ngay đến những tác giả như Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân, Băng Sơn… Mỗi món ăn được nói đến qua trang viết của nhà văn trở nên lung linh, đẹp đẽ và đầy quyến rũ.
Nhưng có lúc nào bạn đọc tự hỏi, chẳng lẽ bữa nào nhà văn của chúng ta cũng ăn những món như phở, bánh cuốn, bún thang, cháo lòng, chả rươi, giò lụa… Còn những bữa ăn thường nhật hàng ngày thì sao, mỗi nhà văn sẽ đối diện với sự ăn của mình thế nào…
Ăn để thưởng thức
Nhà văn ăn để thưởng thức chắc khó ai có thể qua được thi sĩ Tản Đà, tác giả của những Khối tình con, Giấc mộng con, Còn chơi, Thề non nước, Đàn bà Tàu, Quốc sử huấn mông…
Nhà thơ Đinh Hùng trong cuốn sách Đốt lò hương cũ không khỏi ngỡ ngàng về sự cầu kỳ trong việc ăn uống của thi sĩ gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại Việt Nam.
Bữa rượu chỉ có hai món chính là tôm cá tươi rán và dấm cá mà có đến bao nhiêu là thứ gia vị: “Chút tương vàng óng, chút nước mắm ô long nâu thẫm, những trái ớt đỏ tươi, những quả chanh cốm xanh ngắt, và đĩa rau diếp thái nhỏ điểm lên những cánh rau thơm, rau mùi, rau ngổ hái ngay ở vườn nhà, và đĩa rau muống chẻ - thứ rau muống Sơn Tây trắng nõn như ngó cần - không thiếu từ chút hạt tiêu sọ, thêm cả một con cà cuống băm, mấy củ hành hoa, đĩa lạc rang, vài chiếc bánh đa vừng”.
Cái mâm rượu ấy quả thật là một bản hợp tấu đủ mùi vị, hương sắc, hình thái, âm thanh, tưởng đơn giản mà linh động, hấp dẫn.
Sự thưởng thức món ăn còn kéo dài, ảnh hưởng đến mức tác giả Nguyễn Tố, một đệ tử của thi sĩ Tản Đà trong hơn mười năm theo hầu rượu đã bỏ công viết cuốn sách Tản Đà thực phẩm (Những món ăn của thi sĩ Tản Đà).
Cuốn sách có 130 cách chế biến món ăn theo mùa của Tản Đà, với các loại thực phẩm như gà, cá, ốc, ếch, bò, lợn, dê, rươi, sứa, mực… Sách cũng nêu 39 cách làm dưa, cà, tương, mắm, dấm, trứng muối.
Món ăn gợi hương vị thu Hà Nội. Ảnh: Minh Quân - Ngọc Huyền. |
Ăn để... tri âm, chia sẻ
Còn nói về sự ngắm nhau, lấy ăn làm cớ thì có thể kể đến nhà văn Nguyễn Tuân. Theo lời của nhà thơ Văn Thao (con trai nhạc sĩ Văn Cao), vì nhà gần nên thỉnh thoảng nhà văn Nguyễn Tuân lại chống ba-toong sang thăm nhạc sĩ Văn Cao. Lần nào sang trong túi ông cũng có ấm chè, gói nem Phùng, hoặc khoanh giò mỏng.
Vì thời ấy khó khăn, mọi thứ phải mua bằng tem phiếu nên những thứ nhà văn mang sang nhà bạn tuy ít ỏi nhưng quý giá. Như cái khoanh giò dày 1 cm, mua chui, lấy đĩa cắt ra 12 miếng. Rượu mở ra rót vào hai chén nhỏ.
Trước lúc đi học nhà thơ Văn Thao được bác Nguyễn Tuân cắm tăm cho miếng giò nhỏ trong 12 miếng. Khi đi học về thấy đĩa giò còn nguyên, hai cái tăm cắm vào hai miếng giò của hai người chỉ khuyết vết nhỏ như chuột gặm. Khi nhà văn Nguyễn Tuân về, người con tò mò hỏi bố sao hai người có khoanh giò mỏng dính mà sáng đến trưa không nhắm hết, nhạc sĩ Văn Cao trả lời hai người ngồi trò chuyện "nhắm nhau là chính", còn khoanh giò trang trí cho bàn rượu đỡ cô đơn.
Dư âm sự ngắm nhau ấy còn đọng lại trong bài thơ Đôi bạn, với lời đề Tặng Nguyễn: “Chúng tôi hai người / Thường gặp nhau hàng ngày / Buổi sáng trên một cái bàn / Thuộc từng lớp bụi…/ Chúng tôi nói như không nói / Im lặng nói nhiều hơn / Không ai nghe chuyện riêng của nhau / Mắt anh và mắt tôi / Một lớp tro đang dòng dòng kéo sợi…”.
Ăn để ngắm nhau còn có nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ dân gian Nguyễn Bảo Sinh. Trong nhiều năm, mỗi ngày đều đều từ ba bốn giờ chiều đến tối, hai người ngồi với nhau ở quán cà phê Nhân, phố Bảo Khánh, Hà Nội.
Đồ ăn của hai người là cơm nắm muối vừng, mấy củ khoai, túm lạc mà nhà văn Nguyễn Huy Thiệp mang đi từ nhà. Đồ uống là ấm trà mạn trần năm sáu nước. Ngồi với nhau, nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh đọc thơ cho nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nghe, góp ý, câu này được câu kia chưa được, câu này hay câu kia chưa hay. Còn nhà văn, được gợi hứng từ thơ, những truyện ngắn Cà phê Hàng, Đưa sáo sang sông… cứ thế ra đời.
Chuyện ăn phần nào thể hiện tính cách nhà văn. Một số nhà văn ăn để dồn năng lượng sáng tác, cống hiến cho đời; một số coi ăn uống như một nghệ thuật. Còn như nhạc sĩ Văn Cao với nhà văn Nguyễn Tuân, hay nhà văn Nguyễn Huy Thiệp và nhà thơ Nguyễn Bảo Sinh, họ ăn với nhau không đơn giản là ăn, ăn ở đây mang hàm nghĩa chia sẻ, tri âm trong đời sống vốn nhiều biến động.