Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những anh em là nhà văn

Trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại, không ít gia đình có hai, thậm chí ba anh em đều theo nghiệp viết lách.

Khi nghĩ đến việc viết văn, nhiều người thường nghĩ đó là nghề lao động chữ nghĩa cần mẫn, ít người theo đuổi. Những tưởng gia đình có một người theo văn chương đã là hiếm, nhưng trong lịch sử văn học Việt Nam hiện đại không ít gia đình có hai, thậm chí ba anh em đều theo nghiệp cầm bút.

Nhà có 3 anh em là nhà văn

Tự lực văn đoàn thành lập năm 1933 ở Hà Nội, trong bảy thành viên chính thức của nhóm, có đến ba người là anh em ruột: Nhất Linh (tên thật Nguyễn Tường Tam), Hoàng Đạo (tên thật Nguyễn Tường Long), Thạch Lam (tên thật Nguyễn Tường Lân). Bốn người còn lại là Khái Hưng, Tú Mỡ, Thế Lữ, Xuân Diệu.

Gia dinh van chuong anh 1

Nhóm Tự lực văn đoàn có ba anh em là Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam. Ảnh: VOV.

Việc xuất hiện của Tự lực văn đoàn làm thay đổi căn bản mô hình văn học trung đại với văn - thơ - phú - lục sang thơ, kịch nói, văn xuôi tiểu thuyết, tiểu luận phê bình. Đồng thời, từ các hoạt động văn hóa xã hội, báo chí, xuất bản, nhóm đã vận động cho văn minh, Âu hóa, đấu tranh cho tiến bộ xã hội dưới chế độ thực dân.

Khá nhiều tác phẩm của nhóm gây được tiếng vang với bạn đọc ở thời điểm đó. Có thể kể đến như: Hồn bướm mơ tiên, Nửa chừng xuân, Thừa tự của Khái Hưng; Đoạn tuyệt, Lạnh lùng, đôi bạn của Nhất Linh; Con đường sáng của Hoàng Đạo; Gió đầu mùa của Thạch Lam; Mấy vần thơ của Thế Lữ; Dòng nước ngược của Tú Mỡ; Thơ thơ của Xuân Diệu. Cạnh đấy, nhóm còn thành lập cơ quan ngôn luận là tuần báo Phong hóaNgày nay. Nhóm có nhà xuất bản Đời nay để tự xuất bản sách của mình.

Một gia đình ở thôn Lương Kiệt, xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định cũng có ba người con đều theo văn nghiệp là Vũ Cao (tên thật Vũ Hữu Chỉnh), Vũ Ngọc Bình, Vũ Tú Nam (tên thật Vũ Tiến Nam).

Người anh cả là nhà thơ Vũ Cao nổi tiếng với bài Núi Đôi: “Bảy năm về trước, em mười bảy / Anh mới đôi mươi trẻ nhất làng / Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúa / Bữa thì em tới, bữa anh sang”.

Người anh thứ hai Vũ Ngọc Bình là một nhà văn chuyên viết cho thiếu nhi. Tác phẩm có thể kể đến như các tập thơ: Mười nàng tiên, Tiếng hót, Nhạc hoa… cùng các truyện dịch: Chuyện phiêu lưu của Mít đặc và các bạn, Chiếc hài cườm pha lê, Người báo tín hiệu và người thổi kèn hiệu

Người em út là nhà văn Vũ Tú Nam viết đa dạng hơn ở các mảng đề tài, với các tập truyện như: Bên đường 12, Quê hương, Sống với thời gian hai chiều…; tập thơ: Túc tắc; ở mảng thiếu nhi nổi tiếng nhất với truyện Cuộc phiêu lưu của Văn Ngan tướng công. Ông từng làm Tổng thư ký Hội Nhà văn khóa IV.

Gia dinh van chuong anh 2

Nhà văn Bình Ca (trái) và nhà thơ Hữu Việt được thừa hưởng khiếu văn chương từ cha - nhà văn Hữu Mai.

Nhịp đôi văn chương

Nhịp đôi ở đây là anh em trong gia đình cùng theo đuổi nghề văn. Có thể kể đến hai nhà thơ Trần Nhuận Minh và Trần Đăng Khoa. Nhà thơ Trần Đăng Khoa được độc giả biết đến sớm với tập thơ Từ góc sân nhà em (sau tái bản, chỉnh sửa, bổ sung mang tên Góc sân và khoảng trời) in năm 1968 lúc vừa mười tuổi, tính đến nay đã tái bản hơn một trăm lần.

Nhà thơ Trần Nhuận Minh được biết đến muộn hơn, ông in tập thơ đầu Đấy là tình yêu vào năm 1971. Sau này, dù vị trí công tác, phong cách sáng tác khác nhau hai anh em vẫn giúp đỡ nhau trong lĩnh vực thi ca.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa có bài thơ cảm động, thấm đẫm tình huynh đệ mang tên Gửi bác Trần Nhuận Minh với những câu như: “… Bỏ làng ra thành phố / Hai anh em thợ cày / Thân cũng như hoa cỏ / Hồn gửi vào gió mây…/ Bác âm thầm chìm nổi / Cùng kiếp người lang thang / Em lông nhông bầu bạn / Với kiến đen chó vàng…”

Nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Thuận, tác giả của những tập kịch thơ nổi tiếng như: Chu Du đại chiến Uất Trì, Yêu Ly, Lê Lai đổi áo, Kiều Công Tiễn, Quán Thăng Long, Cô Giang, Hoàng Hoa Thám…, chính là anh trai của nhà thơ Lưu Trùng Dương, tác giả của những tập thơ và tiểu thuyết: Những người đáng yêu nhất, Nỗi nhớ màu xanh, Bài thơ về chim hải âu, Họ đi tìm thiên đường, Con đường sắt vô hình…

Chính niềm say mê với thơ và kịch của nhà thơ Lưu Quang Thuận đã để lại dấu ấn sâu đậm với con trai ông, nhà thơ Lữu Quang Vũ, cùng nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh Thơ.

Chẳng thế mà nhà nghiên cứu văn học Lưu Khánh thơ từng viết về con đường nghiên cứu của mình như sau: “Tôi may mắn được sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống yêu thích văn chương. Các thành viên trong gia đình tôi đều mang nợ văn chương từ trong huyết quản. Văn chương cũng như tình yêu, làm cho con người phong phú và giàu có hơn”.

Gần đây có thể kể đến tác giả của Quân khu Nam ĐồngĐi trốn, nhà văn Bình Ca. Cái tên Bình Ca lần đầu xuất hiện ở Quân khu Nam Đồng khiến nhiều người tò mò. Sau một thời gian độc giả “truy lùng”, được biết tên thật của ông là Trần Hữu Bình. Ông là anh trai của nhà thơ Hữu Việt (tên thật Trần Hữu Việt), người được biết đến với các tập thơ Phố lạc tiên, Đếm mùa, Mắt bò…

Bình Ca và Hữu Việt là con của nhà văn Hữu Mai (tên thật Trần Hữu Mai), tác giả của những bộ tiểu thuyết lừng danh một thời như: Cao điểm cuối cùng, Vùng trời, Ông cố vấn

Nhà văn Hữu Mai cũng là người thể hiện những hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua các tập: Từ nhân dân mà ra, Những năm tháng không thể nào quên, Chiến đấu trong vòng vây, Đường tới Điện Biên Phủ, Điện Biên Phủ điểm hẹn lịch sử.

Dịch giả của những cuốn sách "khó nhằn" như: Đốn hạ, Diệt vong của Thomas Bernhard, Thời nắng lịm của Eugen Ruge, Giờ Đức văn của Siegfried Lenz là Hoàng Đăng Lãnh, hiện sinh sống và làm việc ở Đức. Ít người biết ông là anh trai của nhà văn Bảo Ninh (tên thật Hoàng Ấu Phương), tác giả của Nỗi buồn chiến tranh và là con của giáo sư ngôn ngữ học Hoàng Tuệ.

Qua đây mới thấy mầm văn chương mọc lạ lắm, lúc thì một, khi thì đôi ba mầm trong cùng một gia đình. Những mầm này khi mọc lên thường nương nhau, nói cách khác bao bọc, che chở nhau trong nghiệp cầm bút.

Muôn nẻo bút danh nhà văn

Hầu hết bút danh đều có nguồn gốc, nói lên đôi điều về nhà văn. Biết được xuất xứ bút danh có thể hiểu về cá tính, sở thích của người viết, cũng như tác phẩm họ sáng tạo.

Mảnh đất gắn bó của các nhà văn Việt

Thơ văn của Nguyễn Quang Thiều gắn bó với làng Chùa. Nguyễn Bình Phương kể những câu chuyện trên nền mảnh đất Linh Sơn. Nhắc tới Nguyễn Ngọc Tư là nói đến vùng Cà Mau.

Dao song va dao nghe phai hoa quyen voi nhau hinh anh

Đạo sống và đạo nghề phải hòa quyện với nhau

0

Rất hiếm ai có một cuộc sống hạnh phúc mà lại không hạnh phúc với việc mình làm. Nếu “đạo sống” và “đạo nghề” của một người không hòa quyện với nhau hay thậm chí trái ngược nhau thì người đó rất khó có được một cuộc sống hay cuộc đời trọn vẹn. - Tải ngay ứng dụng Voiz FM tại: voiz.vn/download để nghe trọn vẹn nội dung sách!

Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm