Nhà văn Lê văn Nghĩa qua đời ngày 25/7. Trước khi ông mất, một số bản thảo của ông còn nằm trên bàn biên tập. Giờ đây, một trong số bản thảo ấy được xuất bản. Cuốn Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức là một trong những tác phẩm cuối cùng của ông, do Nhà xuất bản Trẻ phát hành.
Sách Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức. Ảnh: NXB Trẻ. |
Cuốn sách của ông có những đoạn viết trong bối cảnh dịch bệnh, cho thấy bản thảo mới được hoàn thành trước ngày tác giả đi xa.
Trong một bài viết, ông vẫn giữ giọng hài hước, mà lẩn khuất đâu đó nỗi buồn: “Trong suốt những ngày giãn cách, nhất là ngày đầu, buổi sáng, bỗng dưng tôi thức dậy sớm, không gian như rơi vào cõi thinh không tưởng chừng như thính giác đã hỏng. Không nghe một tiếng động, một tiếng xe từ ngoài đường cái dội vào. […] Đường hẻm khu phố tôi, vốn đã quen với tiếng động ầm ĩ hàng ngày (không muốn quen cũng không được) bây giờ như đang nằm ngủ. Tất cả đều ngủ. Im. Không một tiếng ngáy. Chưa bao giờ âm thanh lại đi vắng một cách lạnh lùng như thế”.
Ngoài nổi tiếng với ngòi bút trào phúng, Lê Văn Nghĩa còn được bạn đọc yêu mến với những cuốn sách viết về Sài Gòn - TP.HCM như: Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ; Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian; Sài Gòn dòng sông tuổi thơ; Mùa hè năm Petrus; Tụi lớp nhất trường Bình Tây cây viết máy và con chó nhỏ; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy...
Tiếp nối mạch đề tài ấy, Sài Gòn những mảnh ghép rời ký ức là nguồn tư liệu cho những ai muốn tìm hiểu sâu về mảnh đất phương Nam.
Bố cục sách gồm hai phần: Tạp bút và biên khảo. Ở phần tạp bút, tác giả như trở về tuổi thơ của mình, gắn bó với những con phố xưa, miếng kẹo mạch nha, câu hát cải lương…
Ông viết về cái cột cờ, con đường qua Lăng Ông, lớp học buổi trưa, thời ép nhựa bàn ủi than, lì xì ngày Tết, chụp ảnh ngày Tết… Mỗi mảnh ký ức rời của ông ghép lại thành một bức tranh đầy ắp tư liệu về đời sống Sài Gòn một thuở.
“Những ký ức tuổi thơ đã dựng nên trong tôi bức tranh về đời sống, chuyện học hành của một Sài Gòn - Chợ Lớn cách đây gần nửa thế kỷ, dù chỉ là những mảnh rời rạc, chưa ráp nối được để hình thành một tổng thể. Hay là, ngược lại, những nếp sống, vỉa tầng văn hóa đã trở thành một ký ức về Sài Gòn - Chợ Lớn của ngày xưa dù chỉ là từng mảnh rời không trọn vẹn”, tác giả viết trong bài Buông lưới tìm ký ức.
Phần biên khảo, tác giả đi sâu vào mạch ngầm văn hóa văn nghệ TP.HCM một thuở. Ông khảo về tạp chí Bách khoa, tạp chí Văn nghệ, chuyện cải cách chữ viết. Tác giả nhắc tới những vở cải lương không thể quên, về tứ quý cải lương Nam Bộ cùng những tên tuổi làm nên nghệ thuật đặc sắc này. Một phần nội dung trong sách viết về những phòng trà nổi tiếng như: Tự do, Đêm màu hồng, Ritz, Queen Bee… và những danh ca gắn bó với các sân khấu ấy.
Ông viết: “Dù đã đi khỏi Sài Gòn, tít mù xa vạn dặm về thời gian lẫn không gian, ai nào quên được những bài vọng cổ, vở cải lương mà chỉ cần ca lên, như Trăng thu dạ khúc, thì nước mắt lại chảy dài nhớ lại tuổi xưa? [...] Đã có biết bao tác giả trút lòng mình lên những trang giấy trắng ẩn tâm hồn, tạo nên những câu thơ tôn thờ Sài Gòn như một tình yêu vĩnh cửu?”.