Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Người Sài Gòn yêu đời, sẵn sàng giúp đỡ người khó khăn'

Nhà báo Phạm Công Luận cho rằng đặc trưng của thị dân phương Nam là yêu đời nên yêu người, sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó. Họ giữ giá trị từ xưa là "kiến nghĩa" không "bất vi".

Nguoi TP.HCM anh 1

Sách viết về đô thị, từ các tập biên khảo tới tản văn, tiểu thuyết đang được ưa chuộng hiện nay. Trong dòng chảy ấy, Phạm Công Luận nổi lên như một cây bút gắn bó với đề tài đô thị Sài Gòn xưa. Ông là tác giả của 9 đầu sách viết về văn hóa, đời sống, con người… mảnh đất phương Nam.

Nhà báo Phạm Công Luận có cuộc trò chuyện về công việc sưu tầm, nghiên cứu, ghi lại hồi ức nhân vật… để trao truyền những giá trị xưa tới bạn đọc hôm nay.

Ai cũng có nhu cầu hiểu về nơi mình đang sống

- Công việc của một nhà báo thường theo đuổi những đề tài mới, đi cùng thời cuộc. Điều gì khiến ông lội ngược dòng, tìm về những giá trị xưa?

- Ai cũng có nhu cầu hiểu về nơi mình đang sống. Từ thời ông cố, gia đình tôi có ít nhất năm thế hệ sống ở Sài Gòn, Gia Định và Chợ Lớn (xa hơn thì không rõ) nên nhu cầu tìm hiểu về cuộc sống từ hơn trăm năm trước là điều đến với tôi rất tự nhiên.

Từ việc đọc sách báo để tìm hiểu, sau do không thể tìm thấy hay không cảm thấy thỏa mãn về những điều mình đọc, tôi bắt đầu viết về những điều đó qua cách nhìn, khảo sát và sự chiêm nghiệm riêng. Càng viết, càng thấy những điều mình lục lọi, săn tìm, đào bới là đáng chia sẻ cho những ai quan tâm.

Quá khứ cần được tìm hiểu cặn kẽ để biết ta đã đi tới đâu hay đã bị thụt lùi trong hiện tại, và sẽ đi tới đâu trong tương lai. Rất nhiều bài học của đời sống thành phố này trăm năm qua cần được biết, hiểu và nghiền ngẫm.

Việc viết lách khiến tôi thấy mình như trẻ lại, trở lại thời phóng viên sôi nổi của hơn ba mươi năm trước. Đó là cảm giác rất thú vị, khiến tôi muốn tiếp tục “lội ngược dòng”.

Nguoi TP.HCM anh 2

Nhà báo Phạm Công Luận. Ảnh: NVCC.

- Đến nay, ông đã cho ra mắt 9 cuốn sách về Sài Gòn. Ông bắt đầu hành trình này như thế nào?

- Tôi bắt đầu viết một số ít bài về cuộc sống đời thường của Sài Gòn từ thập niên 1990 trên tuần san Hoa học trò. Sau đó, tiếp tục viết về đề tài này trên tạp chí Nội thất giữa thập niên 2000. Một số bài trong đó đã đưa vào cuốn Những lối về ấu thơ. Tuy nhiên, từ đầu năm 2013, tôi nghĩ mình cần viết sâu hơn, rộng hơn, cần tìm kiếm những câu chuyện và nhân vật đã khuất lấp sau lớp bụi thời gian…

Khi có ý tưởng, tôi bắt tay vào viết cuốn Sài Gòn chuyện đời của phố tập đầu tiên ra đời đầu năm 2014. Trong suốt một năm, tôi đọc và sưu tầm tư liệu, gặp gỡ nhiều người, phỏng vấn trực tiếp hay qua mail nhiều nhân vật trong và ngoài nước.

Thật sự lúc đó tôi có lo lắng cho số phận cuốn sách vì nó đi theo một chủ đề lâu nay có thể không mấy ai quan tâm. May mắn là sách được tiếp nhận tốt (đã tái bản 5 lần). Từ đó, tôi có hứng thú đi tiếp vào chủ đề này và càng đi sâu, càng thấy độ rộng lớn, mênh mông của nó không thể ngờ.

- Quá trình nghiên cứu, sưu tầm của ông diễn ra như thế nào? Ông đã chắt lọc thông tin tư liệu ra sao để gửi tới bạn đọc hôm nay?

- Tôi làm việc theo cách của một nhà báo, xoay quanh chuyện “đọc, đi, nghĩ, viết”. Làm dự án cá nhân, tôi không bị thúc ép thời gian, tự kiểm soát chính mình. Một năm trời, viết được chỉ hơn 20 bài cho một tập trên dưới 300 trang. Bài nào cũng cố gắng có điều mới mẻ, không phải từ đề tài thì phải từ tư liệu.

Phải gặp và phỏng vấn vài chục người trong năm. Có người phải gặp bốn, năm lần mới hình thành được bài viết. Có thể nói, không buổi tối hay ngày cuối tuần nào tôi không dành công sức cho việc mình đang làm.

Sách, báo, tài liệu về Sài Gòn xưa, rất may là tôi đã có lưu giữ từ lâu. Các dòng sách khác, về lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, văn hóa, địa chí, khảo cổ… tôi đọc thường xuyên vì là kiến thức nền, cũng là sở thích tìm hiểu. Định lượng về tài liệu, sách báo là khó, phải nói là khá nhiều, dù đọc nhiều không có nghĩa là thẩm thấu hết.

- Trong quá trình tìm tư liệu viết các cuốn sách, câu chuyện nào khiến ông xúc động?

- Đáng nhớ nhất là khi gặp được những người gốc gác lâu đời ở Sài Gòn - Gia Định, có người nổi tiếng hoặc không. Các bác ấy hầu hết trên 80 tuổi, vẫn còn giữ giọng nói của người Gia Định xưa hay giọng người Bắc di cư từ xưa, vẫn dùng những cách nói, từ ngữ, cách diễn đạt của một thời cách nay nửa thế kỷ hoặc hơn khiến tôi nhớ rất nhiều người thân đã khuất, ông bà, cha mẹ và người trong gia tộc.

Họ là những kho kiến thức về cuộc sống đã qua ở thành phố này, là những thư viện sống. Qua những câu chuyện, hầu hết họ thương yêu, gắn bó với mảnh đất nơi họ sinh ra hay đã sống nhiều năm ở đây dù nó thay đổi rất nhiều. Một số người trong số đó đã mất đi, như những thư viện đã bay lên trời.

- Ông có thể khái quát đôi điều về bản sắc, căn tính của đô thị Sài Gòn? Đâu là điều làm nên giá trị văn hóa của đô thị?

- Gần đây người ta nói và viết nhiều về bản sắc, giá trị tinh thần của thành phố này, đó là sống có nghĩa tình, bao dung, dễ tiếp nhận cái mới,… tất cả đều đúng.

Ở góc nhìn riêng, xin nhắc lại một ý trong bài viết của tôi cách nay vài năm trên báo Tuổi trẻ Cuối tuần, về điều làm nên giá trị của Sài Gòn: “Đó không chỉ là những tòa nhà xưa rất đẹp nằm dưới các con đường rợp bóng cây, đình chùa miếu mạo rải rác khắp Chợ Lớn, Gia Định cũ mà còn là tinh thần 'dấn thân yêu đời' (chữ của giáo sư Thanh Lãng) của người Sài Gòn từ bao đời nay. Vì yêu đời mà dấn thân, vì yêu đời nên dấn thân và cảm thấy vui sướng”.

Người Sài Gòn yêu đời nên yêu người, sẵn sàng giúp đỡ người gặp khó khăn. Họ giữ giá trị của tính chất con người Sài Gòn - Gia Định từ xưa là “kiến nghĩa bất vi…”. Họ nhanh chóng phản ứng với những điều được đánh giá là vô đạo đức.

Thành phố này thường xuyên dung nạp con người từ xa mới đến với đủ cung cách sống và tốt xấu lẫn lộn, nhưng tôi tin giá trị văn hóa tinh thần của Sài Gòn đủ mạnh để tác động đến lớp dân cư mới hội nhập, đủ để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực từ nơi khác đến nếu có. Bên cạnh đó, Sài Gòn tiếp nhận nhanh chóng những giá trị của người nơi khác mang lại.

Có thể tôi lạc quan khi nghĩ rằng nếu một thành phố khiến người ta phân vân không biết nên chọn giá trị văn hóa nào là tiêu biểu nhất, có lẽ vì nó đang có nhiều giá trị cùng tồn tại.

Nguoi TP.HCM anh 3

Một số cuốn sách về Sài Gòn xưa của tác giả Phạm Công Luận. Ảnh: NVCC.

Sách về Sài Gòn xưa sẽ không là trào lưu nhất thời

- Khi đọc những trang viết về đời sống, văn hóa xưa, nhiều người cho rằng đời sống hôm nay quá xô bồ, lối sống thực dụng làm mất đi vẻ đẹp xưa cũ. Ông nghĩ sao về quan điểm này?

- Thời tôi còn nhỏ, ở thập niên 1960, 1970… người ta cũng lo về xã hội Sài Gòn, về giới trẻ y hệt như vậy, nhất là khi việc làm ăn kinh doanh phát triển mạnh mẽ, văn hóa Mỹ bắt đầu thâm nhập, phong trào hippy đang nổi lên, xã hội lao vào cơn lốc tiêu thụ….

Ở Sài Gòn lúc ấy, có lẽ cũng giống như một vài nơi khác, dưới bề mặt cuộc sống nhộn nhạo xô bồ luôn có một đời sống khác của đa số dân chúng vô danh, âm thầm giữ gìn những giá trị chung về gia đình, giáo dục con cái, sống có đạo đức…

Tôi tin là Sài Gòn ngày nay cũng vậy. Tất nhiên, những giá trị tốt đó không nên chỉ để người dân bình thường tự giữ gìn, mà phải có sự tiếp sức của các giới và từ các chính sách của nhà nước.

- Sách về Sài Gòn xưa, TP.HCM nay dường như trở thành một đề tài thời thượng khi nhiều người viết, và được bạn đọc đón nhận. Ông nghĩ sao về trào lưu này?

- Đã có một thời, ngoài một số ít sách nghiên cứu về Sài Gòn thời thuộc Pháp, rất ít đầu sách về cuộc sống đời thường của người Sài Gòn - Gia Định, nhất là ở giai đoạn sau khi người Pháp về nước. Đó là khoảng trống lớn trong việc khai thác đề tài.

Vài năm gần đây, xuất hiện nhiều cuốn sách của người trong và ngoài giới nghiên cứu, bằng những cách tiếp cận khác nhau đã bù đắp phần nào sự thiếu vắng đó.

Thành phố này đang trên đà phát triển, đời sống tinh thần càng nâng cao thì nhu cầu nhận ra bản sắc văn hóa nơi mình đang sống ngày càng mạnh mẽ nên các cuốn sách viết về Sài Gòn, bằng những cách tiếp cận khác nhau, thể loại khác nhau đã đáp ứng được phần nào nhu cầu này.

Đó sẽ không là trào lưu nhất thời mà tôi tin sẽ tồn tại bền vững, cho dù sắc thái có khác nhưng trầm tĩnh, sâu sắc hơn và cũng đa dạng hơn.

Sự xuất hiện nhiều sách loại này trong 5 năm trở lại đây có vẻ nhiều về số lượng, và có các mức độ khác nhau về chất lượng, tôi nghĩ điều đó cũng tốt. Độc giả có nhiều chọn lựa hơn trong dòng sách này.

Trào lưu, hay nói cách khác là sự bộc phát của dòng sách này, tôi nghĩ có một số giá trị, rõ nhất là giúp người sống ở đây và cả những người đến với Sài Gòn có được một lượng kiến thức khá phong phú. Họ càng hiểu, càng quan tâm, càng yêu mến, tự hào và càng có ý thức giữ gìn những điều tốt đẹp từ cung cách sống cho đến sự quan tâm, có ý thức giữ gìn cảnh quan, kiến trúc, cây cỏ và những gì tạo nên vẻ đẹp của thành phố.

- Cuốn “Nếu biết trăm năm là hữu hạn” mà ông viết cùng nhà báo Đông Vy là sách ăn khách. Với ông, viết sách hư cấu và phi hư cấu có điểm gì khác biệt, tương đồng?

- Dù cuốn sách đầu tiên của tôi viết cách nay 40 năm, cuốn sách nhỏ Chú bé Thất Sơn, là truyện hư cấu có giải thưởng, tôi vẫn cho viết sách hư cấu là chuyện khó. Hiện thực cuộc sống là chất liệu vô cùng phong phú cho sáng tác, nhưng tài năng người viết lại quá quan trọng để có thể hình thành một tác phẩm hay. Tôi nghĩ viết tiểu thuyết vẫn luôn là chân trời đẹp để những người viết mơ màng nghĩ đến.

Nhìn lại văn hóa Sài Gòn 100 năm qua

Từ những tư liệu có được, nhà báo Phạm Công Luận viết về văn hóa, con người, đời sống của vùng đất Sài Gòn trong 100 năm qua.

Tần Tần

Bạn có thể quan tâm