Tên sách là Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, nhưng tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ năm. Dựa vào những bài báo, tư liệu cũ, tác giả dựng lại hình ảnh vùng đất ấy từ thế kỷ 19 qua phần viết “Những người đã thấy Bến Nghé - Sài Gòn xưa”.
Sách Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm. Ảnh: Y Nguyên. |
Theo lời bà Lê Thị Huê kể vào năm 1957: “Sài Gòn thời gian đó, hơn 100 năm trước (tính đến năm 1957) có tên là Bến Nghé. Đồng lúa và đất hoang cỏ mọc chiếm hai phần ba diện tích. Đêm 30 Tết, người Bến Nghé thức dậy thắp nhang đón Giao thừa trong tiếng ếch kêu, cóc nghiến răng, muỗi vo ve […] Ngoài đường giờ đó chỉ có bầy đom đóm và họa hoằn lắm mới có một nhóm lính đi tuần mang theo hai, ba bó đuốc lớn, vừa để soi đường vừa khỏi sợ ma nhát rồi dẫn xuống rạch”.
Không lâu sau, một đô thị thành hình với muôn mặt, như lời tác giả nhận định: “Thành phố này, lịch sử không dài nhưng độ nén của đời sống xã hội, văn hóa kinh tế thì vô cùng”.
Với dung lượng hơn 340 trang giấy, tác giả Phạm Công Luận cũng nén đời sống, văn hóa của vùng đất ấy vào cuốn sách Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm. Từ những tư liệu có được, ông viết về văn hóa, con người, đời sống của một vùng đất Sài Gòn - Gia Định trong 100 năm qua.
Các bài viết được sắp xếp thành hệ thống, chia thành bảy phần chính. Mỗi phần của sách là một mảng nội dung Sài Gòn xưa. Đó có thể là câu chuyện về nhà ở từ những xóm cổ và nhà cửa giới bình dân thập niên 1950, cư xá buổi ban đầu tới nội thất, cách bài trí trong ngôi nhà xưa…
Đi vào đời sống tinh thần người Sài Gòn xưa, tác giả cho biết những thông tin thú vị về thú đọc sách, những phòng đọc, thư viện, những nhà sách trước đây.
Ông cũng cho thấy đời sống giải trí, thưởng thức nghệ thuật qua các ấn phẩm báo chí, việc mua - bán tác phẩm hội họa, đi nghe diễn thuyết, nghe và việc sang băng nhạc cho đến một thời xem phim Âu Mỹ qua máy vô tuyến truyền hình.
Trong phần “Dịch vụ ăn uống”, tác giả viết về những quán xá một thời và những đặc trưng trong văn hóa ẩm thực như chuyện ăn cơm tấm, ổ bánh mì, chuyện lai rai, cà phê theo kiểu Sài Gòn…
Sách dựng lại đời sống văn hóa Sài Gòn 100 năm qua. Ảnh: P. B. |
Chuyện ăn mặc của một thời hiện lên qua một số phục trang như đôi guốc, đôi giày hàm ếch, chiếc mũ casque…
Cuốn sách cũng đề cập đến một số nguồn nhân lực và vài nghề đặc thù như giúp việc nhà, quảng cáo trên báo, nghề dệt thảm…
Trong cuộc biến thiên trăm năm, từ một vùng đất vài chục nghìn người Việt sống chung với người Pháp, Hoa, Ấn, trải qua các cuộc biến thiên, ngày nay, vùng Sài Gòn - Gia Định cũ đã trở thành siêu đô thị đông đúc.
Trên hành trình cuồn cuộn đổi thay của Sài Gòn, văn hóa 100 năm qua tưởng chừng là câu chuyện quá vãng, vẫn được hiện diện, nâng niu trong trang viết của Phạm Công Luận. Đó không chỉ là tâm sự của tác giả, mà còn là ký ức của cả cộng đồng.
Tác giả Phạm Công Luận là nhà báo, nhà văn với những cuốn sách viết về Sài Gòn xưa như: Sài Gòn - Chuyện đời của phố (5 tập), Sài Gòn - Phong vị báo Xuân xưa; Những bức tranh phù thế; Tùy bút - Hồi ký - Giai thoại trên báo xuân Sài Gòn xưa…
Ông cũng là tác giả của những cuốn sách được bạn đọc trẻ yêu thích như: Nếu biết trăm năm là hữu hạn (bút danh Phạm Lữ Ân, bút danh chung cùng tác giả Đặng Nguyễn Đông Vy), Những lối về ấu thơ, Đường phượng bay…