Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Mảnh đất gắn bó của các nhà văn Việt

Thơ văn của Nguyễn Quang Thiều gắn bó với làng Chùa. Nguyễn Bình Phương kể những câu chuyện trên nền mảnh đất Linh Sơn. Nhắc tới Nguyễn Ngọc Tư là nói đến vùng Cà Mau.

Vung dat van chuong anh 1

Mỗi nhà văn sinh ra, lớn lên, viết lách đều có cho mình một vùng đất văn chương riêng biệt. Vùng đất ấy có thể là nơi nhà văn sống lúc bé với bố mẹ, một năm vài ba lần quay lại khi bố mẹ đã già rồi khuất núi; có thể là nơi nhà văn đang làm việc, sinh sống; là nơi cây bút chọn lựa trong các chuyến thiên di đi về tìm kiếm tư liệu sáng tác.

Vùng đất ấy có thể là thực mà cũng có thể là ảo, thật và ảo đan xen hòa lẫn với nhau.

Sự gắn bó máu thịt của nhà văn và một vùng đất

Sự trở đi trở lại của một nhà văn với vùng đất nào đó chứng tỏ sự gắn bó máu thịt của nhà văn với vùng đất ấy. Thiếu đi cái mốc chỉ “địa danh” lập tức câu chuyện được kể và cái hứng thú sáng tạo làm việc cũng khác.

Ở Việt Nam, nhà văn Nguyên Hồng nếu bỏ đi hết những tác phẩm lấy bối cảnh Hải Phòng như Bỉ vỏ, Những ngày thơ ấu, bộ tiểu thuyết Cửa biển dày hơn 2000 trang, xuất bản trong gần 20 năm với bốn tập: Sóng gầm, Cơn bão đã đến, Thời kỳ đen tối, Khi đứa con ra đời thì vị trí của nhà văn trong nền văn học hiện đại và trong lòng bạn đọc sẽ thế nào.

Nhà văn Nguyễn Minh Châu với vùng đất Bình Trị Thiên qua các tiểu thuyết Dấu chân người lính, Miền cháy, Những người đi từ trong rừng ra, Mảnh đất tình yêu, cùng các truyện vừa Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau. Nếu không có chúng, mảng văn học viết về người lính, về chiến tranh cách mạng sẽ thiếu một mảng lớn, nhà văn sẽ lẫn vào nhiều nhà văn khác cùng thời.

Và cho đến tận cuối đời, những ngày nằm trên giường bệnh vì căn bệnh ung thư máu quái ác, ông vẫn trăn trở về cuốn tiểu thuyết Chân trời vỏ đạn viết về trận Thành cổ Quảng Trị 1972 chưa hoàn thành.

Hoặc như nhà văn Võ Huy Tâm, cả đời chỉ gắn bó với vùng mỏ, các tác phẩm của ông xoay qua xoay lại chỉ viết về người công nhân, những khó khăn họ phải đối mặt khi khai thác than dưới hầm lò sâu, cuộc sống sinh hoạt thường ngày trước những biến đổi khôn lường của thời cuộc.

Hơn mười tác phẩm của ông gồm tiểu thuyết, truyện vừa, truyện ngắn, truyện thiếu nhi như: Vùng mỏ (Giải thưởng Văn nghệ của Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1952), Chiếc cán búa, Những người thợ mỏ, Vỉa than lớn, Rượu chát… cũng chỉ có đề tài duy nhất là người công nhân nơi mỏ Quảng Ninh. Sự nghiệp ông gắn chặt với vùng than cùng những người thợ lò lam lũ.

Vung dat van chuong anh 2

Tranh trên bìa sách Trong ngôi nhà của mẹ của Nguyễn Quang Thiều.

Vùng đất của những nhà văn nổi bật hiện nay

Ở những nhà văn nổi bật trên văn đàn hiện nay, tên tuổi họ cũng thường gắn với một vùng đất cụ thể nào đấy. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư gắn mình với mảnh đất tận cùng cực Nam của Tổ quốc - Cà Mau - nơi có tràm đước bạt ngàn và phận người nổi trôi phiêu bạt theo từng mùa sông nước.

Có thể kể đến các tác phẩm của chị gắn với vùng đất như Cánh đồng bất tận, Gió lẻ và 9 câu chuyện khác, Ngọn đèn không tắt, Khói trời lộng lẫy, Cố định một đám mây… Bạn đọc nhắc đến tên Nguyễn Ngọc Tư là hình dung ngay về những kênh rạch, mái lá, xuồng ghe, ở đấy, con người chỉ là một vài nét chấm phá trên bức tranh cảnh vật mênh mông, hiu hắt.

Nhà văn Nguyễn Bình Phương với mười tiểu thuyết, năm tập thơ đều gắn chặt với địa danh Linh Sơn. Cái hình ảnh Linh Sơn trở đi trở lại luẩn quẩn trong Bả giời, Những đứa trẻ chết già, Người đi vắng, Thoạt kì thủy, Khách của trần gian

Ngay ở trong tiểu thuyết mới ra mắt Một ví dụ xoàng, Linh Sơn cũng chính là nơi nhân vật chính sinh ra, lớn lên. Mối tình đầu của nhân vật chính với người bạn gái cũng bắt đầu ở nơi này. Trong các cuộc hẹn hò khi cả hai đã có gia đình họ cũng nhìn và nhắc về Linh Sơn với những kí ức đẹp đẽ, trong trẻo nhất.

Còn khi nhắc đến nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, ta nhớ ngay những câu thơ máu thịt, day dứt về làng Chùa như: “Đêm đã trải tấm khăn tình yêu xuống rồi / Hơi thở em cỏ đã ướp đầy hương / Bầu vú em gió núi đã thổi mát rượi / Thế mà em mất chàng” trong bài thơ Một bài hát tình yêu của làng Chùa.

Hay như Câu hỏi trước dòng sông, theo tác giả chia sẻ trên báo chí, bài thơ viết về một người phụ nữ làng Chùa đợi chồng mười năm rồi nhận được tin báo tử. Nhiều năm sau chị mới đi lấy chồng bên kia sông thuộc huyện Mỹ Đức, Hà Tây cũ. Dù thế, lấy chồng bao năm nhưng vẫn không sinh nở được.

Bài thơ có những lời quặn lòng: “Chị tái giá sau mười năm chờ đợi / Một nửa giường tiếng mọt đục u mê / Chị tái giá sau mười năm khóc vụng / Trong cơn mơ tiếng trẻ gọi vang nhà".

Cả nguyên mẫu truyện ngắn nổi tiếng Mùa hoa cải bên sông là một cô gái chết trẻ ở làng, với bào thai trong bụng. Truyện này sau được đạo diễn Khải Hưng chuyển thể thành phim truyền hình Lời nguyền của dòng sông, giành huy chương vàng Liên hoan Phim truyền hình quốc tế tại Bỉ năm 1993.

Nhiều tác giả chỉ sống và viết về một vùng đất, như nhà văn Nguyễn Việt Hà bao năm gắn bó với phố cổ Hà Nội. Có giai thoại rằng ông không đi đâu xa ngoài bán kính 5 km tính từ hồ Gươm.

Có lẽ vì thế mà Cơ hội của Chúa, Thị dân tiểu thuyết, Ba ngôi của người, Con giai phố cổ, Mặt của đàn ông, Đàn bà uống rượu… chỉ nói chuyện phố xá, từ ăn uống, đến căn tính bao đời của từng lớp người Hà Nội.

Cũng viết về Hà Nội, nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến lại chọn cho mình góc nhìn mang tính khảo cứu nhiều hơn. Có thể kể đến các tác phẩm ấn tượng của ông như Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, 5678 bước chân quanh Hồ Gươm… Tình yêu với Hà Nội của ông đã được ghi nhận xứng đáng vào năm 2012 với giải thưởng Bùi Xuân Phái ở hạng mục tác phẩm.

Tuy cùng gắn bó với vùng đất của riêng mình, mỗi nhà văn lại có cách thể hiện khác nhau về vùng tâm tưởng ấy. Với Nguyễn Quang Thiều, làng Chùa như dòng sông mát lành chảy tràn trong thơ văn ông.

Còn với Nguyễn Bình Phương, Linh Sơn là vùng không gian để ông kể câu chuyện của mình. Trong khi ấy, Nguyễn Ngọc Tư viết về Cà Mau để từ đó người đọc thấy được hiện thực đời sống và những mong manh phận người sông nước.

Nhà văn Nguyễn Quang Thiều: 'Sách dẫn đến không gian mở cho cuộc sống'

Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho rằng trong những ngày giãn cách, con người đọc sách và tìm thấy thế giới riêng của mình, được kết nối với vạn vật bên ngoài.

Vẻ đẹp của văn chương giản dị

Với cách kể chuyện lớp lang hấp dẫn, tinh gọn, tối giản từng câu chữ, "Một ví dụ xoàng" là tiêu biểu cho lối văn chương giản dị mà sâu sắc.

Mộc Uyển

Bạn có thể quan tâm