Câu 1: Bình Ca là bút danh của Trần Hữu Bình. Bút danh này bắt nguồn từ đâu?
Nhà văn Bình Ca tên thật là Trần Hữu Bình, sinh trưởng trong một gia đình có bố là nhà văn Trần Hữu Mai. Bút danh của tác giả Quân khu Nam Đồng xuất phát từ một địa danh mang dấu ấn kỷ niệm của cha mẹ ông. Cha mẹ ông đã tình cờ gặp nhau trên một chuyến đò từ bến Bình Ca (Tuyên Quang) xuôi về Phú Thọ. Tên Bình của nhà văn cũng gắn với dấu ấn kỷ niệm này. |
Câu 2: Bút danh Bảo Ninh của Hoàng Ấu Phương gắn với một địa danh. Đó là địa danh nào?
Bảo Ninh sinh tại Nghệ An, tên thật là Hoàng Ấu Phương, là nhà văn nổi tiếng với nhiều tác phẩm tạo được tiếng vang lớn, trong đó thành công nhất là Nỗi buồn chiến tranh. Tác phẩm này được chuyển ngữ và in tại 22 nước trên thế giới. Bút danh Bảo Ninh của Hoàng Ấu Phương gắn với địa danh quê nội của ông là xã Bảo Ninh, Đồng Hới, Quảng Bình. |
Câu 3: Nhà văn nào lấy tên mình vợ làm bút danh?
Nguyễn Việt Hà tên thật là Trần Quốc Cường, là “con giai phố cổ” thuộc thế hệ 6X tại Hà Nội. Tự nhận mình là một người đàn ông chung tình Trần Quốc Cường đã lấy tên vợ là Nguyễn Việt Hà để đặt bút danh cho mình. |
Câu 4: Bút danh của nhà thơ Nguyễn Bình Phương bắt nguồn từ đâu?
Nhà thơ Nguyễn Bình Phương tên thật Nguyễn Văn Bình. Ông sinh tại Thái Nguyên và từng công tác tại biên giới phía Bắc. Hiện ông công tác tại tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bút danh Nguyễn Bình Phương của nhà văn bắt nguồn từ chữ ký trước đây của ông. Khi ký chữ Văn Bình thì ông viết chữ Bình nhỏ hơn và nằm dưới chữ V, trông giống ký hiệu bình phương trong toán học. |
Câu 5: Y Ban là bút danh của Phạm Thị Xuân Ban. Nhà văn đã ghép tên khai sinh của mình với tên nào?
Nhà văn Y Ban tên thật là Phạm Thị Xuân Ban, sinh tại Nam Định. Bà từng có thời gian làm giảng viên tại trường Cao đẳng Y tế Nam Định và trường Đại học Y khoa Thái Bình. Trong thời gian giảng dạy, bà bắt đầu sáng tác truyện ngắn. Bà đã lấy tên khai sinh của mình ghép với chữ Y lấy từ tên hai trường bà làm giảng viên trên thành bút danh Y Ban, với ý nghĩa "Ban ở trường Y". |
Câu 6: Bút danh Uông Triều của Nguyễn Xuân Ban gắn với vùng đất nào?
Uông Triều sinh năm 1977, tên thật là Nguyễn Xuân Ban, hiện công tác tại Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Uông Triều từng có 10 năm làm giáo viên ngoại ngữ ở vùng Đông Bắc Việt Nam. Bút danh Uông Triều của nhà văn gắn với vùng Uông Bí, Đông Triều - Quảng Ninh, quê hương ông. |
Câu 7: Y Phương là bút danh của Hứa Vĩnh Sước. Bút danh này bắt nguồn từ đâu?
Y Phương tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước, quê ở Trùng Khánh, Cao Bằng. Thời trẻ, nhà thơ làm thuyết minh chiếu bóng trong quân đội, thích làm thơ và có yêu một cô tên là Phương. Bút danh Y Phương của nhà thơ là viết tắt chữ Yêu Phương. |