Câu 1: Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng dạy học ở đâu?
Nguyễn Công Hoan xuất thân trong một gia đình truyền thống khoa bảng ở làng Xuân Cầu, Văn Giang, Hưng Yên. Từ năm 1922-1926, ông theo học chuyên ngành sư phạm. Sau khi tốt nghiệp ông giảng dạy nhiều nơi: Hải Dương, Lào Cai, Nam Định. Nguyễn Công Hoan bắt đầu sáng tác từ năm 1920; đến năm 1930, ông được công chúng chú ý đến khi thường xuyên viết cho mục Xã hội ba đào ký trên An Nam tạp chí của Tản Đà. |
Câu 2: Nhà thơ Xuân Diệu làm việc tại cơ quan nào thời Pháp thuộc?
Năm 1940, Phủ Toàn quyền mở cuộc thi tuyển một số tham tán ngạch thương chính (Nhà đoan - Sở Thuế quan), Xuân Diệu đã nộp đơn đi thi. Cùng tham gia đợt thi còn có nhà thơ Vũ Đình Liên và cả hai người đều trúng tuyển. Vũ Đình Liên được bổ nhiệm làm tại Sở Thương chánh Hà Nội, còn tác giả tập thơ Gửi hương cho gió thì phải đi làm tham tán ở Sở Thương chánh Mỹ Tho (Tiền Giang ngày nay). |
Câu 3: Sau khi bỏ học trường luật năm 1938, nhà thơ Vũ Hoàng Chương làm công việc gì?
Vũ Hoàng Chương sinh ở Nam Định. Ông đỗ tú tài năm 1937. Năm 1938, ông theo học chuyên ngành luật nhưng chỉ được một năm thì bỏ đi làm Phó kiểm soát (Phó thanh tra) Sở Hỏa xa miền Bắc hơn một năm. Sau đó tác giả tập Thơ say lại bỏ Sở Hỏa xa đi học cử nhân Toán tại Hà Nội, rồi lại bỏ dở để đi dạy ở Hải Phòng. |
Câu 4: Nhà thơ nào trở thành Bộ trưởng Bộ Không bộ năm 26 tuổi?
Cù Huy Cận quê làng Ân Phú, Hương Sơn, Hà Tĩnh. Ông học Cao đẳng Nông - Lâm. Huy Cận có thơ đăng báo từ 1936 và có tập thơ đầu mang tên Lửa Thiêng in năm 1940. Tháng 8/1945, ông là một trong ba thành viên của phái đoàn Chính phủ Lâm thời vào kinh đô Huế để tiếp nhận lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, khi mới 26 tuổi, ông được cử làm Bộ trưởng Bộ Không bộ trong Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ra mắt quốc dân ngày 2/9/1945). |
Câu 5. Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp dạy học ở Tây Bắc bao nhiêu năm?
Nguyễn Huy Thiệp sinh tại Thái Nguyên, quê ở huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Năm 1960, gia đình ông chuyển về định cư ở xóm Cò, làng Khương Hạ, huyện Thanh Trì (nay là phường Khương Đình, quận Thanh Xuân). Năm 1970, Nguyễn Huy Thiệp tốt nghiệp khoa Sử, Đại học Sư phạm Hà Nội và được cử lên Tây Bắc dạy học. Cuối năm 1979, sau gần 10 năm dạy học, tác giả Tướng về hưu quay trở về Hà Nội làm nhiều công việc khác nhau. |
Câu 6: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh dạy học tại trường THCS Bình Tây (quận 6, TP.HCM) khoảng thời gian nào?
Nguyễn Nhật Ánh là một trong những nhà văn thành công nhất viết sách cho tuổi thơ, tuổi mới lớn với hơn 100 tác phẩm các thể loại. Trước khi trở thành nhà văn nổi tiếng, ông từng có thời gian dạy môn Văn tại trường THCS Bình Tây (quận 6, TP.HCM) từ năm 1984-1986. |
Câu 7: Nhà văn Hồ Anh Thái là một nhà ngoại giao. Ông từng làm Tham tán công sứ, Phó đại sứ Việt Nam tại quốc gia nào?
Hồ Anh Thái được xem như một hiện tượng văn chương của thế hệ văn nhân thời hậu chiến sau 1975. Ông được bầu là Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội hai nhiệm kỳ (2000-2005 và 2005-2010). Hồ Anh Thái còn là một nhà ngoại giao. Ông là Tham tán công sứ, Phó đại sứ Việt Nam tại Iran (2011-2015) và tại Indonesia (2015-2018). |
Câu 8: Nhà văn Nguyễn Việt Hà từng làm công việc gì?
Nguyễn Việt Hà là một gương mặt tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam đương đại. Hầu hết sáng tác của ông đều về Hà Nội, nơi “giai phố cổ” sinh ra, lớn lên, sống và sáng tác. Nguyễn Việt Hà học về kinh tế. Ông từng là công chức của một ngân hàng nhà nước. |