Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

QUIZZ

Nhà văn, nhà thơ Việt đặt bút danh như thế nào?

Có nhiều nhà văn nhà thơ lấy tên khai sinh của mình làm bút danh. Thế nhưng cũng có rất nhiều người đặt cho mình những bút danh với một ý nghĩa nào đó.

But danh nha van nha tho Viet anh 1

Câu 1: Bút danh Tản Đà được ghép từ hai chữ nào gắn với quê hương ông?

  • Tên núi và sông
  • Tên núi và làng
  • Tên làng và tổng
  • Tên huyện và phủ

Tản Đà tên thật Nguyễn Khắc Hiếu. Ông sinh tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, Hà Nội). Bút danh Tản Đà của ông là tên ghép giữa núi Tản Viên và sông Đà, quê hương ông.

But danh nha van nha tho Viet anh 2

Câu 2: Nhà văn Nguyễn Công Hoan từng lấy bút danh là Ngọc Oanh, bút danh này được đặt thế nào?

  • Lấy tên một người thân trong gia đình
  • Lấy tên một nhân vật trong một truyện ngắn
  • Sắp xếp lại các chữ cái trong tên thật
  • Đây là biệt danh do bạn bè đặt

Nguyễn Công Hoan là bậc thầy về truyện ngắn châm biếm và là là một trong những ngọn cờ đầu của văn học hiện thực phê phán Việt Nam thời kỳ 1930-1945. Trước cách mạng, do bị kiểm duyệt gắt gao nên ông đã sắp xếp ngược lại các chữ cái trong tên mình (Công Hoan) thành bút danh Ngọc Oanh.

But danh nha van nha tho Viet anh 3

Câu 3: Ngoài bút danh Nam Cao, Trần Hữu Tri còn những bút danh nào?

  • Thúy Rư
  • Nhiêu Khê
  • Xuân Du
  • Cả 3 đáp án trên

Nam Cao tên thật là Trần Hữu Tri (có nguồn ghi là Trần Hữu Trí), quê làng Đại Hoàng, tổng Cao Đà, huyện Nam Xang, phủ Lý Nhân (nay là xã Hòa Hậu, huyện Lý Nhân, Hà Nam). Nhà văn đã ghép hai chữ của tên tổng và huyện làm bút danh: Nam Cao. Ngoài bút danh này, nhà văn còn có một số bút danh khác: Thúy Rư, Nhiêu Khê, Xuân Du…

But danh nha van nha tho Viet anh 4

Câu 4: Bút danh Tô Hoài được đặt như thế nào?

  • Ghép 2 chữ tên sông và phủ nơi nhà văn sinh sống
  • Ghép 2 chữ tên sông và phủ quê nội nhà văn
  • Ghép 2 chữ đầu của một câu thơ
  • Lấy từ một tích của người xưa

Tô Hoài tên thật là Nguyễn Sen. Ông đến với nghề văn ở tuổi 17, 18 và lấy bút danh Tô Hoài. Bút danh này được ghép từ tên đầu của sông Tô Lịch chảy qua làng Nghĩa Đô và phủ Hoài Đức, nơi ông sinh sống và lớn lên. Tô Hoài còn nhiều bút danh khác như: Mai Trung, Duy Phương, Mắt Biển, Hoa Hồng, Vũ Đột Kích…

But danh nha van nha tho Viet anh 5

Câu 5: Khi viết báo, Thế Lữ đôi khi dùng bút danh là Lê Ta, bút danh này xuất phát từ đâu?

  • Từ tên Lễ
  • Một địa danh quê nội
  • Một địa danh quê ngoại
  • Từ một nhân vật trong một vở kịch

Thế Lữ, tên khai sinh Nguyễn Đình Lễ (có tài liệu ghi là Nguyễn Thứ Lễ), sinh tại ấp Thái Hà, Hà Nội. Quê cha ông ở làng Phù Đổng, huyện Tiên Du, Bắc Ninh (nay là Phù Đổng, Gia Lâm, Hà Nội), quê mẹ ở Nam Định. Thế Lữ là thành viên tích cực nhóm Tự Lực văn đoàn. Khi viết báo, Thế Lữ đôi khi lấy bút danh là Lê Ta. Bút danh này xuất phát từ tên Lễ, tức “Lê Ngã”, “Ngã” cũng tức là “Ta”.

But danh nha van nha tho Viet anh 6

Câu 6: Trảo Nha là bút danh của nhà thơ Xuân Diệu. Bút danh này xuất phát từ đâu?

  • Tên ngôi làng quê mẹ nhà thơ
  • Tên ngôi làng nơi nhà thơ sinh ra
  • Tên một địa danh ở Bình Định
  • Tên ngôi làng quê quán nhà thơ

Xuân Diệu tên đầy đủ là Ngô Xuân Diệu. Ông là một trong những nhà thơ tiêu biểu trong phong trào thơ mới của Việt Nam. Ngoài bút danh Xuân Diệu, nhà thơ còn có bút danh khác là Trảo Nha. Trảo Nha là tên ngôi làng ở huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, quê quán của nhà thơ.

But danh nha van nha tho Viet anh 7

Câu 7. Bút danh Kim Lân là tên một nhân vật trong một vở tuồng. Đó là vở tuồng nào?

  • Triệu Đình Long cứu chúa
  • Sơn Hậu
  • Tam nữ đồ vương
  • Phụng Nghi Đình

Kim Lân tên thật là Nguyễn Văn Tài. Ông bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Tác phẩm của ông được đăng trên các báo Tiểu thuyết thứ bảyTrung Bắc chủ nhật. Bút danh Kim Lân được ông lấy từ tên của nhân vật Đổng Kim Lân trong vở tuồng Sơn Hậu. Đây cũng là một vai ông đã từng diễn.

But danh nha van nha tho Viet anh 8

Câu 8: Bút danh Tố Hữu của Nguyễn Kim Thành do ai đặt?

  • Anh trai nhà thơ
  • Bạn bè nhà thơ
  • Một cụ đồ người Quảng Bình
  • Nhà thơ tự đặt

Tố Hữu, tên thật là Nguyễn Kim Thành là một nhà thơ tiêu biểu của thơ cách mạng Việt Nam. Năm 1938, Tố Hữu sang Lào thăm một người anh. Ở đây ông gặp một cụ đồ người Quảng Bình. Cụ đồ đã đặt cho ông bút danh Tố Hữu, lấy từ câu nói của Đỗ thị (hoàng hậu đầu tiên của nhà Tống):“Ngô nhi tố hữu đại chí”. Tố Hữu ở đây có nghĩa là sẵn có, ý chí khí phách tiềm ẩn trong người.

Nhà thơ nào làm bộ trưởng khi 26 tuổi?

Ở nước ta, nhà văn, nhà thơ làm nhiều công việc khác nhau. Có người nghề chính không phải là viết văn, mà là một nghề hoàn toàn khác.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm