Phó tướng của Sear, Perry Cantarutti, bước tới, ly đồ uống vẫn trên tay. “Tôi nghĩ chúng ta vừa quyết là sẽ hủy toàn bộ lịch bay Trung Quốc”, Sear nói với vị đồng nghiệp bấy giờ đang chết lặng.
Quyết định này sẽ được công bố vài ngày sau đó, song song với kế hoạch tương tự từ cả United Airlines lẫn American. Thực tế rằng ba hãng hàng không lớn nhất nước Mỹ, ba đối thủ cạnh tranh gay gắt, đều đưa ra quyết định giống nhau cho thấy nỗi sợ hãi lớn đến mức nào. Đây không phải là lúc để tranh giành thị phần, để nhảy lên hàng đầu nhân lúc một đối thủ lùi bước.
Ảnh minh họa. Nguồn: Future Travel Experience. |
Tuy thống nhất về nỗi quan ngại cũng như đồng loạt viện đến biện pháp cực đoan nhất có thể, song không có sự đồng thuận nào giữa các hãng về thời hạn đình chỉ các chuyến bay liên quan đến Trung Quốc. Kế hoạch của American là ngừng bay đến Trung Quốc ngay lập tức cho đến ngày 27 tháng 3. Delta và United sẽ giữ nguyên các chuyến bay theo lịch trình thêm một tuần nữa trước khi gỡ bỏ toàn bộ lịch bay - United ngừng đến 28 tháng 3, Delta ngừng đến 30 tháng 4.
Không ai biết đến khi nào thì virus hết nguy hiểm. Các hãng hàng không, vốn thường lên kế hoạch sắp lịch bay trước nhiều tháng trời và nhập lượng dữ liệu khổng lồ vào các phần mềm của họ để quyết định xem, chẳng hạn, có nên thêm một tuyến bay từ Chicago tới Orlando hay đu theo làn sóng du lịch tới Iceland sau cơn sốt Game of Thrones hay không, chẳng có căn cứ nào để dựa vào nữa.
Khi các giám đốc điều hành và các nhà phân tích cố gắng ước tính tác động tiềm tàng đối với ngành hàng không, tiền lệ thực sự duy nhất mà họ có để tham khảo là SARS. Đợt bùng phát xảy ra hồi năm 2003 đã thổi bay khoảng 10 tỷ đô la doanh thu hàng không toàn cầu sau khi các chuyến bay xuyên Thái Bình Dương bị đình chỉ và các du khách chọn ở nhà vì e sợ.
Nhưng tầm quan trọng của Trung Quốc đối với ngành này đã bùng nổ trong những năm qua. Đến năm 2020, số lượt di chuyển quốc tế ra và vào đất nước này đã tăng gấp 10 lần so với năm 2003, tương đương với thêm 450 triệu hành khách mỗi năm.
Các du khách là doanh nhân, nhóm hành khách mang lại lợi nhuận béo bở nhất cho các hãng hàng không lớn, đã và đang đổ xô đến Trung Quốc để mở nhà máy, ký kết các hợp đồng, và tìm hiểu về bối cảnh công nghệ đang phát triển vùn vụt cũng như tầng lớp tiêu dùng giàu có của đất nước này. Lần này có thể sẽ tồi tệ hơn rất nhiều. Nhưng rất nhiều là bao nhiêu? Không một ai biết câu trả lời.
Vậy là CEO các công ty bắt tay vào một nỗ lực chuệch choạc nhằm điều chỉnh các kế hoạch hiện có trong khi hoàn toàn mù tịt về những gì sẽ xảy ra tiếp theo. Khi số ca bệnh tăng lên từng ngày, và ngành khoa học sinh học dần dà gom góp được thông tin, các chỉ thị thay đổi xoành xoạch mỗi ngày. Các vị giám đốc điều hành vốn đã quen với những kế hoạch ba năm nay phải đưa ra quyết định tức thời, để rồi phải sửa lại chỉ vài ngày sau đó, và cứ thế, cứ thế.
Bình luận