Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM thiếu trung tâm TDTT

TL;DR

Lý do TP.HCM thiếu trung tâm thể thao đẳng cấp

“Lĩnh vực thể thao cần kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nhưng cứ vướng luật, sẽ không có nhiều tiền, khó cho công trình xây mới", ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM, nói.

TP.HCM thieu trung tam TDTT anh 1

“Không phải ngành thể thao không muốn đầu tư, kể cả khi có kinh phí, vẫn gặp phải vướng mắc về cơ chế pháp lý”, ông Mai Bá Hùng, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TP.HCM (VHTT), trăn trở.

Ông Đặng Hà Việt, Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) kiêm Hiệu trưởng Đại học TDTT TP.HCM, cũng cho rằng đây là vấn đề “nói thì dễ, làm thì khó”.

“Hơn nữa, trước đây tất cả trung tâm TDTT ở TP.HCM thuộc đơn vị loại 1. Trải qua đợt dịch Covid-19, các cơ sở này bị xuống loại 2 do các quy trình sáp nhập cũng như ảnh hưởng bởi đại dịch”, ông Đặng Hà Việt nói về một trong những khó khăn mà ngành thể thao TP.HCM gặp phải.

Nhiều nhưng nhỏ lẻ

Theo thống kê của Sở VHTT, về cơ sở công lập, TP.HCM hiện có 2 sân vận động (Thống Nhất, Quân khu 7); 11 trung tâm sự nghiệp TDTT trực thuộc Sở VHTT; 22 trung tâm trực thuộc các quận, huyện và TP Thủ Đức.

TP.HCM chưa có công trình TDTT đạt quy mô tầm cỡ quốc tế

Phó giám đốc Sở VHTT TP.HCM Mai Bá Hùng

Bên cạnh đó, sở đã cấp phép cho 618 doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong lĩnh vực TDTT, chiếm phân nửa là các trung tâm thể hình, yoga, bơi lội, võ thuật. Gần 2.000 cơ sở kinh doanh TDTT do chính quyền quận, huyện cấp phép. Những cơ sở ngoài công lập này có nhiều mức phí, từ cao cấp lẫn bình dân.

Ngoài ra, còn nhiều cơ sở TDTT khác thuộc quản lý của các trường học, địa phương hoặc cơ quan ban ngành khác nằm ngoài thống kê của Sở VHTT.

Theo ông Hùng, từ năm 2019-2020, công trình TDTT tại TP.HCM đã được đầu tư nhiều hơn, có nhiều cơ sở mới như Trung tâm Thể thao đa năng quận 1 hơn 2.000 m2, Trung tâm TDTT quận 12 mới rộng 5.000 m2 với quy mô hơn 1.000 chỗ ngồi, Trung tâm TDTT quận Gò Vấp được thiết kế mới trên 1.500 chỗ, sân vận động Gia Định thuộc Trung tâm TDTT quận Bình Thạnh cũng được đầu tư xây trên 37.000 m2 có sân bóng đá, khán đài có mái che…

Thành phố cũng đầu tư không ít hạng mục thiết bị công cộng ở các khu dân cư, công viên, người dân tập luyện miễn phí.

Phó giám đốc Sở VHTT nhận xét các trung tâm thể thao ở TP.HCM mang tính nhỏ lẻ, chủ yếu phục vụ phong trào, chưa có công trình đạt chuẩn quốc tế.

“Khu thể thao Mỹ Đình ở Hà Nội rộng 45 ha, chưa tính khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình rộng gấp 2-3 lần, quy mô của đơn vị thể thao này rất lớn và đa năng. Còn TP.HCM chưa có công trình đạt quy mô tương tự”, ông Mai Bá Hùng dẫn chứng.

Thiếu kinh phí, vướng cơ chế

Ông Mai Bá Hùng đồng thời đề cập đến hiện trạng các cơ sở TDTT công lập của thành phố và các quận, huyện, TP Thủ Đức thực hiện theo Nghị định 60 của Chính phủ về cơ chế tự chủ tài chính của các đơn vị công lập.

“Vì tự chủ tài chính, các trung tâm thể thao cần thu phí từ việc tập luyện của người dân nói chung. Để phục vụ người dân thì việc thu phí không thể quá đắt đỏ, chỉ ở mức độ đủ để cải tạo sửa chữa, chi trả cho nhân sự phục vụ. Vì thế, chi phí dư dả cho việc đầu tư mới hay nâng cấp còn bị hạn chế”, ông Hùng giải thích.

Theo chia sẻ của ông Hùng, nhìn lại TP.HCM có Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc là công trình hướng đến quy mô như Mỹ Đình. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí, dự án bị treo hàng chục năm.

Theo Luật Đầu tư, lĩnh vực thể thao hiện không nằm trong diện được áp dụng phương thức đối tác công tư. Vì điều này, nguồn kinh phí tư nhân không có cơ hội đầu tư vào các công trình trên quỹ đất công, trong khi đó ưu tiên các công trình giáo dục, y tế, sản xuất…

“Lĩnh vực thể thao được nói là cần kêu gọi xã hội hóa đầu tư, nhưng cứ vướng luật thì sẽ không có nhiều tiền, khó cho các công trình xây mới. Tính ra, từ năm 2003 đến nay, TP.HCM chưa có công trình TDTT mới, ngoài sân Phú Thọ được ráo riết xây phục vụ SEA Games”, ông Mai Bá Hùng giãi bày.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Đặng Hà Việt cũng đưa ra một số khó khăn mà TP.HCM đang gặp phải. Để xây dựng một công trình, định giá tài sản là trách nhiệm của Sở Tài nguyên và Môi trường, nhưng quy trình không đơn giản. Hơn nữa, việc đấu giá, đấu thầu hiện gần như không thể triển khai.

Quan trọng nhất là TP.HCM đang thiếu quỹ đất. Một không gian thể thao cần diện tích lớn, lại đồng thời kết hợp với các dịch vụ để tăng nguồn thu, vì thế việc thu lợi nhuận trên quỹ đất nhỏ không thu hút được các doanh nghiệp đầu tư vào.

“Nhìn các sân bãi nước ngoài, đa số là một tổ hợp nhiều dịch vụ liên quan với thể thao, kết hợp dịch vụ ăn uống, mua sắm, tham quan, tổ chức sự kiện... tăng nguồn thu cho ngân sách. Còn nước ta vướng các khó khăn trên nên còn chưa làm được”, ông Đặng Hà Việt nói.

Tương lai, tất cả công trình TDTT ở TP.HCM được kết nối với công trình ngầm. “Nhưng TP.HCM chưa đủ khả năng thực hiện”, ông Việt nói thêm.

Lãnh đạo Sở VHTT cho biết sẽ kiến nghị để tháo gỡ nút thắt về cơ chế đầu tư. Trong đó, sở muốn xin phép được đưa cơ chế đối tác công tư vào Nghị quyết số 54 do Quốc hội ban hành về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Mục tiêu tăng giá trị cho TP.HCM

Bản thân các công trình thể dục thể thao chính là một loại bất động sản lớn

TS Võ Kim Cương

Theo TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM, một đô thị đầy đủ cơ sở thể dục thể thao và đảm bảo nhu cầu rèn luyện của người dân thì đô thị này trở nên hấp dẫn hơn. Từ đó, nhu cầu phát triển nhà ở, khu dân cư hay các công trình khác sẽ thu hút người dân, tạo điều kiện cho giá bất động sản tăng lên.

Chuyên gia nhận định một khu vực có khu thể dục thể thao luôn có giá bất động sản tốt hơn là khu vực không có gì cả. Đó là ý nghĩa gián tiếp của bất động sản trong quy hoạch đô thị đối với lĩnh vực thể dục thể thao.

Không chỉ làm tăng giá trị bất động sản, việc mở ra một trung tâm thể thao cũng thu hút đầu tư tư nhân, xuất phát từ nhu cầu tập luyện của người dân.

TP.HCM thieu trung tam TDTT anh 6

Đối với chủ đầu tư bất động sản như khu văn phòng, khu đông dân cư như chung cư thì phòng gym là một điểm thu hút và tăng giá trị cho khu vực đó. Ảnh: Phương Lâm.

“Có thể chia ra 2 loại hình, một là cơ sở quần chúng phục vụ phát triển thể chất của người dân, còn lại là những cơ sở thể dục thể thao phục vụ việc đào tạo, huấn luyện chuyên nghiệp. Mỗi loại có tính chất khác nhau”, ông Cương nói.

Đối với cơ sở quần chúng, chuyên gia gọi đây là một thị trường trong lĩnh vực thể dục thể thao. Những cơ sở này có thể thu hút các nguồn tư nhân thành lập, đầu tư, kinh doanh, chẳng hạn các sân bóng đá mini, phòng gym, yoga, nhảy múa… tại trung tâm hay tại nhà.

Một số trung tâm thể chất do thành phố quản lý cũng đang tự chủ bằng cách cho thuê không gian tập luyện nhiều bộ môn khác và hoạt động phi thể thao, nhằm có thêm thu nhập, thu hút đầu tư để phục vụ chính cho những hoạt động thể thao đúng chức năng ở đó.

Theo chuyên gia Kim Cương, các công trình TDTT không chỉ thỏa mãn nhu cầu sức khỏe người dân, nó còn phục vụ việc phát triển năng lực thể dục thể thao của thành phố, ví dụ như đội bóng, vận động viên thi đấu trong và ngoài nước. Điều này sẽ góp phần mang lại thành tích cho thành phố và vinh quang cho đất nước.

Ông Kim Cương đề cập đến những khu liên hợp thể thao, sân vận động lớn trong thành phố, nơi phục vụ cho thi đấu tầm cỡ quốc gia, quốc tế.

“Ở các nước phát triển thì những sân vận động tầm cỡ lại có nguồn đầu tư tư nhân tham gia. Nhưng ở Việt Nam thì chủ yếu lấy nguồn từ ngân sách, do đó khó tránh khỏi vướng mắc nhiều yếu tố về pháp lý hay tài chính, dẫn đến chậm trễ”, chuyên gia lý giải.

Nói riêng về dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn đề cập đến việc tham khảo mô hình làng thế vận hội. Ông lấy dẫn chứng về làng vận động viên Olympic Tokyo 2020 vừa qua, sau khi kết thúc sự kiện thể thao, khu liên hợp thể thao này được chuyển đổi thành khu dân cư.

Làng Olympic Tokyo rộng 44 ha, có 20 tòa nhà cao 14-18 tầng với tổng 3.600 phòng, sức chứa khoảng 11.000 vận động viên. Các tòa nhà được cải tạo sau sự kiện thể thao để bán cho người dân. Khu dân cư mới có thể dành cho 12.000 dân với 5.600 căn hộ trên 23 tòa nhà và một trung tâm thương mại, đáp ứng được một phần nhu cầu nhà ở của người dân và công trình không bị lãng phí.

“Tuy nhiên, hình thức này ở Việt Nam nói chung chưa có mô hình nào áp dụng thành công”, KTS Nam Sơn nói.

Nói về nguyên nhân khiến dự án này còn nằm im, TS Võ Kim Cương cho rằng không phải do thiết kế hay hình thức, mà do khả năng kinh tế của thành phố không đủ sức xây nó lên, nên cứ phải tiếp tục dời qua giai đoạn sau.

“Rạch Chiếc bị coi là quy hoạch treo, nhưng không treo thì không được. Hiện tại, nếu không giữ im khu đất đó thì sau này cũng không có đất đâu mà làm”, ông Kim Cương nói.

Theo các chuyên gia, vào mỗi giai đoạn khác nhau, tại vị trí khác nhau của thành phố như khu trung tâm, ngoại ô, các khu đông hay vắng dân cư, mỗi nơi có nhu cầu và thách thức không giống nhau về quy hoạch không gian thể dục thể thao.

Trong nghiên cứu về “thành phố lành mạnh” của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thể dục thể thao cần được nâng tầm trong xã hội. Một cơ sở thể thao đạt chất lượng tiêu chuẩn cao cần đòi hỏi các yếu tố quan trọng là xác định vai trò chủ chốt trong việc tổ chức của các cơ quan công quyền, chính sách và mức kinh phí đầu tư vào các dự án, trong một quá trình lâu dài, nhất quán và liên tục.

“Cần hướng vào trọng tâm là 'thể thao cho mọi người'. Nó bao gồm tất cả loại hình, không gian thể thao sao cho phần lớn dân số có thể tham gia, để chỉ số sức khỏe và chất lượng sống của người dân được tăng lên, chứ không chỉ quan tâm đến những bộ môn chuyên nghiệp đem lại thành tích”, nghiên cứu của WHO nêu.

Người dân TP.HCM 'đau đầu' mỗi khi tìm nơi tập thể dục

Khi tập thể dục để khỏe hơn về sức khỏe lẫn tinh thần, nhiều người TP.HCM phải đau đầu tìm nơi tập luyện thích hợp, kể cả môn chạy bộ không cần cơ sở vật chất chuyên biệt.

Nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng vắng người, thành nơi cho thuê mặt bằng

Với diện tích lớn, cơ sở vật chất mới được cải tạo, nhưng nhà thi đấu Lãnh Binh Thăng (TP.HCM) hiện tại chỉ chủ yếu phục vụ hoạt động thể thao nhỏ lẻ.

Nhà thi đấu quận 4 xuống cấp trầm trọng

Sàn thi đấu bong tróc, ghế khán đài gãy đổ, tường nhà thấm dột khiến không gian bên trong nhà thi đấu quận 4 (TP.HCM) trở nên nhếch nhác.

Cảnh xuống cấp tại nhà thi đấu hiện đại bậc nhất ở TP.HCM

Được đầu tư 150 tỷ đồng để phục vụ cho SEA Games 22, nhà thi đấu Phú Thọ dần xuống cấp sau gần 20 năm đưa vào hoạt động.

Dự án nhà thi đấu gần 2.000 tỷ đồng bị bỏ hoang giữa trung tâm TP.HCM

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3, TP.HCM) từng là nơi thu hút người dân và vận động viên đến luyện tập, thi đấu, hiện chỉ còn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.

TP.HCM thiếu trung tâm TDTT

Tâm Linh

Bạn có thể quan tâm