Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TP.HCM thiếu trung tâm TDTT

TL;DR

Người dân TP.HCM 'đau đầu' mỗi khi tìm nơi tập thể dục

Khi tập thể dục để khỏe hơn về sức khỏe lẫn tinh thần, nhiều người TP.HCM phải đau đầu tìm nơi tập luyện thích hợp, kể cả môn chạy bộ không cần cơ sở vật chất chuyên biệt.

Nguoi TP.HCM tim noi tap the duc anh 1

TP.HCM có gần 100 sân cầu lông, nhưng chị Mỹ Duyên (29 tuổi) vẫn chật vật tìm nơi để tập luyện. Nhà ở TP Thủ Đức (quận 9 cũ), quanh đó không phải thiếu sân đánh cầu lông, nhưng mỗi tuần chị đều chạy xe gần một giờ để đến sân tập ở quận 8 hoặc Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11).

“Không phải sân bãi nào cũng đủ chuẩn để chơi và tập thể thao”, chị Duyên chia sẻ.

Câu chuyện thiếu nơi tập luyện thể dục thể thao ở TP.HCM tồn tại từ lâu, nhất là giai đoạn sau Covid-19, nhu cầu người dân rèn luyện thể lực tăng cao. Không chỉ thiếu mặt bằng và chất lượng cơ sở vật chất, người dân còn phải tìm đến những sân bãi tự phát với mức giá cao hơn.

Sân thiếu, người chơi tăng

Theo chị Mỹ Duyên, việc tìm một sân chơi cầu lông không dễ. Đây là môn thể thao phổ biến, chơi theo cặp hoặc nhóm, mỗi đợt người tham gia rất đông. Mọi người thường thuê sân theo tháng, khiến người bận rộn, không cố định khung giờ chơi như chị Duyên khó lòng “chen chân” đặt lịch.

“Sân cầu lông ở Nhà thi đấu Phú Thọ đạt chuẩn và sạch đẹp; tuy nhiên, không phải lúc nào cũng thuê được. Còn mấy sân nhỏ lẻ khác thì không đạt tiêu chuẩn và nhiều người dân thành phố phải chơi ở những sân như thế”, chị Duyên chia sẻ.

Một số chủ sân tư nhân để tăng lợi nhuận đã kẻ vạch phân chia san sát nhau, khiến người chơi vừa tập vừa tránh đụng nhau. Bên cạnh đó, công trình xây dựng không đạt chuẩn và tiêu chuẩn vệ sinh kém khiến sân ẩm mốc, không khí bị ô nhiễm.

“Sân bãi xuống cấp, giá thì cao. Trước dịch Covid-19, giá thuê sân bình dân 60.000-70.000 đồng/giờ, sau dịch tăng lên 90.000-100.000 đồng/giờ. Nhưng trong tình trạng hiếm sân thì giá như trên không thành vấn đề nếu đi theo nhóm 6-8 người, vị chi tầm 50.000 đồng/người/buổi tập”, chị Mỹ Duyên chia sẻ thêm.

Tại Nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (quận 3), anh Hoàng Lộc vừa đăng ký cho con học lớp bóng rổ, cách nhà vài phút chạy xe máy. Sân bóng rộng khoảng 300 m2, dạy theo từng nhóm nhỏ. Với chi phí 400.000 đồng/tháng cho 8 buổi học, anh Lộc đánh giá mức học phí này phù hợp để con học thêm thể thao những ngày nghỉ hè, tránh sa đà vào các thiết bị điện tử.

Việc tìm lớp học cũng không mất nhiều thời gian, chỉ cần đăng ký là có lớp vào học ngay. Điều anh Lộc băn khoăn nhất là diện tích sân không lớn, trong khi nhu cầu tăng cao dịp hè nên anh lo các buổi học không đạt chất lượng như kỳ vọng.

“Với diện tích sân như thế, đáng lẽ chỉ nên nhận 1/3 số lượng học viên thôi, nhận đông thế này thì sân đang quá tải, các bé phải tránh né, chờ đợi nhau tập”, phụ huynh này nói.

Nguoi TP.HCM tim noi tap the duc anh 4

Sân bóng rổ được tận dụng từ khoảng mặt tiền của Nhà thi đấu Hồ Xuân Hương (quận 3). Ảnh: Anh Nhàn.

Theo huấn luyện viên Muay Thái quốc gia Trần Trung Sơn, sau đại dịch Covid-19, sân chơi rèn luyện thể chất được mọi người tìm kiếm nhiều. Cơ sở vật chất có nhưng còn thiếu so với nhu cầu tập luyện.

“Có nhiều mặt bằng rộng lại nằm trong hẻm thì không đủ tiện ích để mọi người đi, đến. Khi tìm được vị trí mặt tiền đường để mọi người tìm đến thì diện tích lại nhỏ, không có đầy đủ các tiện ích phục vụ người chơi. Theo quy chuẩn, thường một khuôn viên hoạt động thể dục thể thao tối thiểu phải 100 m2. Như môn Muay Thái, võ đài chiếm 25 m2, chưa kể không gian tập và các công trình phụ”, anh Trần Trung Sơn cho biết.

Nơi tập tạm bợ

Ông Francis Garson (62 tuổi, người Pháp) thường lái xe máy từ nơi ở phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, đến Nhà thi đấu Hồ Xuân Hương. Tại đây, ông dành 2 giờ mỗi ngày để tập môn Muay Thái.

So với Pháp và một số quốc gia ở châu Âu Mỹ, các cơ sở thể dục thể thao ở TP.HCM còn khá đơn giản.

Ông Francis Garson

Ông Garson cho biết khu Thảo Điền cũng có một số trung tâm thể dục thể thao. “Tuy nhiên, diện tích không lớn, không nhiều môn, đồng thời khu này ít nơi tập nên sẽ tập trung một lượng lớn dân cư, đặc biệt là nhiều người nước ngoài có nhu cầu tập luyện thời gian dài hơn. Do đó, khó tránh khỏi quá tải”, cư dân ngoại quốc này nhận xét.

Sống ở TP.HCM 30 năm, ông Francis Garson nhìn nhận môi trường tập thể dục thể thao hiện nay ở thành phố này đã cải thiện hơn so với lúc đầu ông mới đến. Nhưng so với Pháp và một số quốc gia ở châu Âu, Mỹ, các cơ sở thể dục thể thao ở TP.HCM còn khá đơn giản.

“Nhiều trung tâm thể hình (gym, fitness) được mở ra mọi nơi, các môn cũng được dạy đa dạng và chuyên nghiệp hơn. Song, trừ những phòng tập đắt tiền, tôi chưa thấy trung tâm công cộng nào có phòng nghỉ, phòng tắm cho người tập, thậm chí nhà vệ sinh còn không sạch sẽ. Dụng cụ tập luyện cũng ở mức bình thường”, người đàn ông Pháp nói.

Một câu lạc bộ kiếm đạo Nhật Bản (Kendo) từng gian nan đi tìm địa điểm tập cho học viên. Đây là một trong những môn có tính chất đặc thù, yêu cầu cơ sở vật chất chuyên biệt. Cụ thể, môn Kendo cần mặt bằng có sàn gỗ.

“Trước đây, câu lạc bộ thuê địa điểm ở Nhà Thiếu nhi quận 1 với giá 5 triệu đồng/tháng vào khung 20-22h. Vì quá trình tập luyện tạo tiếng ồn lớn, những khung giờ khác có các lớp dạy học thì làm ảnh hưởng, do đó khó có thể thuê khung giờ linh động hơn, muốn tập sớm hơn cũng không thể”, thành viên câu lạc bộ cho biết.

Ngoài ra, câu lạc bộ này còn tham khảo địa điểm Nhà thi đấu Hồ Xuân Hương, với phòng tiện nghi và rộng, nhưng phí thuê cao và thời gian không cố định vì những lần có thi đấu môn khác hoặc hội chợ thì sẽ bị lấy lại sân. Hiện câu lạc bộ Kendo thuê không gian tại một cơ sở tự phát ở quận 1, tiện cho đa số học viên, với chất lượng tạm ổn và chi phí phải chăng hơn.

Nguoi TP.HCM tim noi tap the duc anh 5

Một số môn thể thao cần không gian đặc thù, nên chưa đáp ứng đủ nhu cầu tập luyện của người dân. Ảnh: Anh Nhàn.

Với bộ môn đơn giản nhất như chạy bộ, sân Hoa Lư (quận 1) là địa điểm được nhiều runner lựa chọn tập luyện, vì đường chạy tương đối chuẩn, gần trung tâm, tiện cho người đi làm. Tuy vậy, đó là tình hình của nhiều năm trước, còn hiện tại, sân đã xuống cấp nhiều chỗ.

“Sân Hoa Lư thường tổ chức hội chợ, sự kiện nên đường chạy bị hỏng nhiều. Hơn nữa, hiện sân đóng cửa sớm quá, trước dịch thì tầm 21h, nay 19h30 đã đóng, nhiều khi dân văn phòng đi làm về chạy chưa được bao lâu là phải về”, anh Minh Trí, runner thường chạy tại đây, nói.

Anh Trí cho biết nếu sân đóng cửa thì sẽ ra Công viên Lê Văn Tám để chạy. Thế nhưng, nếu công viên có đường chạy chuyên nghiệp, không gian an toàn, không bị làm phiền bởi người qua lại, chướng ngại vật, thì runner này đã không cần đến một sân tập chuyên dụng.

Chưa đủ không gian thể dục thể thao

TS Võ Kim Cương chỉ ra số liệu mà TP.HCM cần quy hoạch hệ thống công trình dịch vụ đô thị, trong đó có công trình thể dục thể thao, theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng năm 2008 của Bộ Xây dựng.

“Trên cơ sở số liệu này sẽ tính được trong thành phố có đủ số lượng cơ sở thể thao hay không”, chuyên gia nói thêm.

Theo quy chuẩn quy hoạch, các công trình dịch vụ đô thị phục vụ trong “đơn vị ở” (nhà, trường học, chợ…) cần đảm bảo bán kính phục vụ không quá 500 m.

Không gian thể dục thể thao ở TP.HCM chưa đạt chỉ tiêu quy hoạch.

TS Võ Kim Cương

Trong đó, chỉ tiêu sử dụng đất tối thiểu dành cho sân tập luyện ở khu dân cư là 0,3 m2/người và 0,3 ha/công trình; sân thể thao cơ bản trong đô thị nói chung là 0,6 m2/người và 1 ha/công trình; sân vận động là 0,8 m2/người và 2,5 ha/công trình; một trung tâm thể dục thể thao cần đạt chỉ tiêu 0,8 m2/người và 3 ha/công trình.

TP.HCM có diện tích 2.095 km2 và hơn 10 triệu dân, với chỉ tiêu trên thì cần tối thiểu 240 trung tâm thể thao với quy mô khoảng 37.500 người/công trình.

Tuy nhiên, sân vận động lớn nhất thành phố mới có sức chứa 25.000 người. Hàng chục cơ sở thể thao công lập và hơn 600 cơ sở tư nhân khác chỉ có quy mô phục vụ từ vài chục đến 2.000 người. Số liệu thực tế cho thấy không gian thể dục thể thao ở TP.HCM chưa đạt chỉ tiêu quy hoạch.

“Chưa có sự phân chia rõ ràng về quy chuẩn giữa cơ sở phục vụ cộng đồng và cơ sở cho vận động viên chuyên nghiệp luyện tập. Do đó, chưa thể xác định được thành phố cần bao nhiêu cơ sở chuyên về phục vụ cho người dân hay cho việc đào tạo”, chuyên gia Võ Kim Cương chia sẻ.

Trong bối cảnh đó, ông Cương cho rằng thành phố cần đảm bảo cơ sở hạ tầng cần thiết để người dân có thể tiếp cận, không phải mất công tìm đến nơi tập luyện quá xa, để duy trì hoạt động thể chất hàng ngày.

Nguoi TP.HCM tim noi tap the duc anh 6

Hầu hết trung tâm TDTT tọa lạc ở trung tâm TP.HCM. Số lượng cơ sở TDTT tại TP Thủ Đức còn chưa đáng kể, thậm chí không hiển thị trên bản đồ, trong khi quy mô diện tích và dân cư khu vực này lớn. Ảnh: Google Maps

Theo thống kê của Sở Văn hóa Thể thao, TP.HCM hiện có 2 sân vận động (Thống Nhất, Quân khu 7); 11 trung tâm sự nghiệp TDTT trực thuộc Sở VHTT; 22 trung tâm trực thuộc các quận, huyện và TP Thủ Đức; 618 cơ sở tập luyện tư nhân. Ngoài ra, còn nhiều cơ sở TDTT khác thuộc quản lý của các trường học, địa phương hoặc cơ quan nhà nước khác nằm ngoài thống kê của Sở VHTT.

Trong đó, 2 dự án Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc (quận 2 cũ) và Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3) được kỳ vọng trở thành cái nôi của thể thao thành phố, nay vẫn nằm trên giấy.

Nhà thi đấu quận 4 xuống cấp trầm trọng

Sàn thi đấu bong tróc, ghế khán đài gãy đổ, tường nhà thấm dột khiến không gian bên trong nhà thi đấu quận 4 (TP.HCM) trở nên nhếch nhác.

Nhà thi đấu từng tổ chức thi đấu SEA Games tại TP.HCM xuống cấp nặng

Từng là địa điểm diễn ra thi đấu môn cầu lông tại SEA Games năm 2003, nhà thi đấu quận Tân Bình (TP.HCM) hiện đã xuống cấp nhiều hạng mục.

Khu liên hợp thể thao lớn nhất TP.HCM vẫn là bãi đầm lầy sau 28 năm

Khu liên hợp thể thao Rạch Chiếc (TP Thủ Đức), nơi từng được chọn để phục vụ SEA Games 31, tiếp tục bị bỏ hoang sau khi tái khởi động vào năm 2018.

Dự án nhà thi đấu gần 2.000 tỷ đồng bị bỏ hoang giữa trung tâm TP.HCM

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng (quận 3, TP.HCM) từng là nơi thu hút người dân và vận động viên đến luyện tập, thi đấu, hiện chỉ còn là bãi đất trống, cỏ mọc um tùm.

TP.HCM thiếu trung tâm TDTT

Tâm Linh - Anh Nhàn

Bạn có thể quan tâm