Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Lý do nhóm nghị sĩ Cộng hòa chống đối Tổng thống Biden quyết liệt

Tham vọng chạy đua trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2024 là động cơ phía sau việc 4 thượng nghị sĩ Cộng hòa chống đối quyết liệt chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Josh Hawley, Thượng nghị sĩ đại diện tiểu bang Missouri, là người bỏ phiếu phản đối các đề cử nội các nhiều nhất, The Hill cho biết.

Trong tổng số 21 đề cử nội các đã được Thượng viện thông qua, Thượng nghị sĩ Hawley đã bỏ phiếu phủ quyết 19 đề cử. Hai ứng viên duy nhất được ông Hawley ủng hộ là Đại diện Thương mại Katherine Tai và Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế Cecilia Rouse.

Sau ông Hawley, hai Thượng nghị sĩ Rick Scott của Florida và Ted Cruz của Texas đều 18 lần bỏ phiếu phản đối các đề cử nội các của chính quyền Biden.

nghi si Cong hoa chong ong Biden quyet liet anh 1

Thượng nghị sĩ Josh Hawley. Ảnh: Getty.

Trong khi đó, một đồng minh thân cận của cựu Tổng thống Trump là Tom Cotton, thượng nghị sĩ Arkansas, 17 lần phản đối các đề cử.

Điểm chung giữa họ là gì?

Cả 4 ông Hawley, Scott, Cruz và Cotton đều được coi là những gương mặt đầy triển vọng tham gia cuộc chạy đua trở thành ứng viên của đảng Cộng hòa trong bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024.

Công cụ ghi điểm với phe bảo thủ

Thượng nghị sĩ Josh Hawley là một trong số nghị sĩ từng thách thức kết quả bỏ phiếu của các đại cử tri đoàn ở Quốc hội đầu tháng 1. Trả lời CNN, ông Hawley cho biết sẽ xem xét kỹ lưỡng từng đề cử nội các của chính quyền Biden.

"Nếu có ai đó mà tôi nghĩ là sẽ tốt cho Missouri, người tôi tin là sẽ hoàn thành tốt công việc và tôi có thể giải trình lá phiếu của mình với các cử tri, tôi sẽ bỏ phiếu cho người đó", Thượng nghị sĩ Hawley nói hồi tháng 3.

Trong khi đó, văn phòng của ông Rick Scott cho biết thượng nghị sĩ này đã trò chuyện với tất cả đề cử nội các trước khi bỏ phiếu tại Thượng viện.

"Trong suốt quá trình xem xét, Thượng nghị sĩ Scott luôn nói rõ ông ấy sẽ không bỏ phiếu cho bất cứ đề cử nào ủng hộ việc tăng thuế hay ủng hộ một chương trình hành động khiến việc làm bị cắt giảm", văn phòng ông Rick Scott ra thông báo.

Thượng nghị sĩ Scott cũng không ủng hộ người theo đuổi những chính sách của thời Obama như tái gia nhập thỏa thuận hạt nhân Iran, hòa hoãn với Cuba, hay mềm yếu trước Trung Quốc, thông báo từ văn phòng Thượng nghị sĩ Scott cho biết.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhận định tham vọng chạy đua tổng thống dường như là động lực lớn nhất quyết định việc một thượng nghị sĩ có bỏ phiếu phản đối đề cử nội các của Tổng thống Biden hay không.

"Mọi sự hợp tác với chính quyền mới đều sẽ trở độc dược chính trị trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa năm 2024", BBC bình luận.

Trong một số trường hợp, phản đối các đề cử nội các của Tổng thống Biden dẫn tới chia rẽ giữa chính các nghị sĩ Cộng hòa đến từ cùng một tiểu bang.

Thượng nghị sĩ Ted Cruz chỉ chấp nhận 3 đề cử nội các của ông Biden, trong khi người đồng nghiệp John Cornyn, cũng thuộc đảng Cộng hòa và đại diện Texas, bỏ phiếu ủng hộ tới 15 đề cử.

Trả lời các phóng viên của Texas trong một cuộc họp hồi tháng 3, Thượng nghị sĩ Cornyn cho rằng "tân tổng thống nên có quyền, trong giới hạn nhất định, lựa chọn người ông ấy muốn cho các chức vụ trong nội các của ông ấy".

Tình huống tương tự xảy ra với hai thượng nghị sĩ Cộng hòa đại diện Missouri. Trong khi ông Hawley 19 lần phản đối các lựa chọn nội các của Tổng thống Biden, Thượng nghị sĩ Roy Blunt - một trong các thành viên ban lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện - chỉ 5 lần bỏ phiếu phản đối. Thượng nghị sĩ Blunt sẽ nghỉ hưu sau khi kết thúc nhiệm kỳ này.

Không phải lần đầu

Các đề cử thành viên nội các của ông Biden cũng vấp phải sự chống đối quyết liệt từ những gương mặt khác ít có khả năng ra chạy đua tranh cử năm 2024.

Thượng nghị sĩ Tommy Tuberville, đại diện Alabama, đứng thứ 5 trong danh sách những người phản đối nhiều nhất với 15 lần phủ quyết.

Đồng nghiệp của ông Tuberville cũng đến từ Alabama là Thượng nghị sĩ Richard Shelby, người đang dẫn đầu phe Cộng hòa trong đàm phán gói chi tiêu ngân sách chính phủ, 14 lần bác bỏ các đề cử nội các.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Rand Paul của Kentucky, người thất bại trong bầu cử sơ bộ năm 2016, cùng Thượng nghị sĩ Bill Hagerty, tân binh tại Thượng viện đến từ Tennessee, cũng 14 lần bỏ phiếu phản đối các lựa chọn của Tổng thống Biden.

Ngược lại, Thượng nghị sĩ Cộng hòa Susan Collins bỏ phiếu ủng hộ tất cả 21 đề cử nội các của Tổng thống Biden. Còn Thượng nghị sĩ Cộng hòa Lisa Murkowski, người sẽ phải tái tranh cử vào năm tới, chỉ phản đối 1 trong tổng số 21 đề cử.

nghi si Cong hoa chong ong Biden quyet liet anh 2

Thượng nghị sĩ Susan Collins bỏ phiếu ủng hộ tất cả 21 đề cử nội các của ông Biden. Ảnh: Getty.

Việc các thượng nghị sĩ với tham vọng chạy đua Nhà Trắng phản đối đề cử nội các của tổng thống đương nhiệm thuộc đảng đối lập là điều đã nhiều lần xảy ra.

Năm 2017, Thượng nghị sĩ Dân chủ Kirsten Gillibrand đã 20 lần bỏ phiếu chống lại các đề cử nội các của cựu Tổng thống Donald Trump.

Cùng năm đó, Thượng nghị sĩ Bernie Sanders và Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren, đều thuộc đảng Dân chủ, bỏ phiếu phủ quyết các đề cử nội các của ông Trump tới 19 lần.

Những cái tên xếp sau trong danh sách phản đối đề cử nội các của ông Trump nhiều nhất là các Thượng nghị sĩ Dân chủ Cory Booker, Jeff Merkley và Kamala Harris.

Trong vòng bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ năm 2020, trừ ông Jeff Merkley, tất cả cái tên nói trên đều tham gia chạy đua. Bà Kamala Harris thậm chí sau đó trở thành ứng viên phó tổng thống, rồi phó tổng thống cho ông Joe Biden.

Ngoài sự chống đối từ phe Cộng hòa, các đề cử của ông Biden cũng vấp phải sự phản đối từ số ít thành viên của đảng Dân chủ.

Thượng nghị sĩ Bernie Sanders là thành viên duy nhất của đảng Dân chủ bỏ phiếu phản đối đề cử ông Tom Vilsack làm Bộ trưởng Nông nghiệp. Dù vậy, đề cử này sau đó vẫn được Thượng viện thông qua.

Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Joe Manchin đã dẫn đầu phản đối việc đề cử bà Neera Tanden vào vị trí giám đốc Văn phòng Quản lý hành chính và Ngân sách. Bà Tanden sau đó đã rút lui khỏi đề cử này.

Bê bối dụ dỗ thiếu nữ và thác loạn tập thể bủa vây nghị sĩ Mỹ

Hạ nghị sĩ Matt Gaetz trở thành tâm điểm chú ý sau khi New York Times công bố câu chuyện chấn động về cuộc điều tra của Bộ Tư pháp nhắm vào đời tư chính trị gia này.

Ông Trump 'tuyên chiến' với Liên đoàn Bóng chày Mỹ

Cựu Tổng thống Donald Trump kêu gọi tẩy chay Liên đoàn Bóng chày Mỹ sau khi tổ chức này chuyển nơi tổ chức trận đấu All-Star Game khỏi bang Georgia để phản đối luật bầu cử mới.

Chiến dịch của ông Trump bị tố âm thầm rút tiền từ người ủng hộ

Chiến dịch tranh cử năm 2020 của cựu Tổng thống Trump bị cáo buộc sử dụng biện pháp kỹ thuật để rút tiền quyên góp từ người ủng hộ một cách âm thầm.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm