Trong năm 2021, khủng hoảng chip toàn cầu khiến General Motors và Ford đóng cửa nhà máy suốt nhiều tháng, lượng hàng đến đại lý khan hiếm. Trong khi đó, Tesla gần như không bị ảnh hưởng khi ghi nhận doanh số kỷ lục suốt nhiều quý, lượng xe bán ra trong năm 2021 gần gấp đôi so với 2020.
Theo New York Times, khả năng tự chủ một số thành phần quan trọng của Tesla mang ý nghĩa lớn hơn doanh số. Nó cho thấy một hãng xe non trẻ có thể đe dọa các công ty lâu đời như Volkswagen hay General Motors.
"Tesla tự kiểm soát vận mệnh"
Tesla và CEO Elon Musk không nói nhiều về cách né tránh khủng hoảng. Tuy nhiên, những gì thể hiện cho thấy hãng xe này xoay sở và chuẩn bị tình huống tốt như thế nào. Tesla dự đoán thị trường tốt hơn, những hãng xe khác bị bất ngờ khi nhu cầu phục hồi quá nhanh, không kịp đặt chip và linh kiện.
Khi Tesla không có những con chip mong muốn, họ dùng lại lượng chip có sẵn rồi chỉnh sửa phần mềm cho phù hợp với nhu cầu. Các hãng xe lớn không thể làm điều này bởi phần mềm trong xe hầu hết phụ thuộc vào công ty bên ngoài. Trong nhiều trường hợp, họ cũng dựa vào đối tác phần mềm để giao dịch với chuỗi cung ứng chip. Khi khủng hoảng xảy ra, các hãng xe không có khả năng thương lượng tốt.
Chỉ vài năm trước, một số chuyên gia nhận định kế hoạch tự chủ thành phần trong xe điện Tesla khiến công ty khó tăng sản lượng. Giờ đây khi khủng hoảng xảy ra, chiến lược trên đã chứng minh hiệu quả.
Tự chủ linh kiện giúp doanh số Tesla tăng trưởng mạnh trong năm 2021 bất chấp khủng hoảng chip ảnh hưởng đến toàn ngành. Ảnh: New York Times. |
Phần mềm trong xe hơi ngày càng quan trọng không kém động cơ hay hộp số. Điều đó được các hãng xe truyền thống như Ford hay Mercedes-Benz thừa nhận. Họ đã tuyển các kỹ sư, lập trình viên để thiết kế chip, phần mềm dành cho xe.
"Tesla sinh ra tại Thung lũng Silicon, chưa bao giờ thuê ngoài để sản xuất phần mềm... Họ viết lại phần mềm để thay thế lượng chip không có sẵn bằng những con chip sẵn có. Các hãng xe khác không thể làm điều này", Morris Cohen, Giáo sư danh dự tại Trường Wharton thuộc Đại học Pennsylvania (Mỹ), chuyên về sản xuất và hậu cần cho biết. Ông nhận định Tesla "đã kiểm soát vận mệnh của mình".
Xu hướng tự chủ linh kiện trong xe hơi
Trong năm 2021, Tesla bán được 936.000 xe hơi trên toàn cầu, tăng 87% so với năm ngoái. Ford, General Motors và Stellantis, công ty do Fiat Chrysler và Peugeot hợp nhất, đều bán ít xe hơn trong năm 2021 so với 2020.
Tính theo lượng xe được giao trên toàn cầu năm 2021, Tesla đã vượt mặt Volvo và Subaru. Các nhà phân tích dự báo hãng này có thể bán 2 triệu chiếc xe trong năm 2022 khi các nhà máy tại Berlin (Đức) và Texas (Mỹ) đi vào hoạt động, trong khi nhà máy tại Thượng Hải (Trung Quốc) tăng cường sản lượng. Điều đó sẽ đưa Tesla trở thành đối thủ ngang tầm với BMW và Mercedes về mặt doanh số, điều rất ít người nghĩ đến cách đây vài năm.
"Chúng tôi đã sử dụng các bộ phận thay thế và lập trình phần mềm để giảm thiểu khó khăn do thiếu hụt chip gây ra", Tesla cho biết trong báo cáo tài chính quý III/2021.
Từng được xem là trò cười trong ngành, tuy nhiên nhiều hãng xe đã tiếp bước Tesla về tự chủ linh kiện. Ví dụ, Mercedes có kế hoạch sử dụng ít chip chuyên dụng hơn, thay bằng những loại chip tiêu chuẩn và tự phát triển phần mềm.
Tesla có thể tăng doanh số trong năm 2022 nhờ các nhà máy tại Đức, Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: VCG. |
"Trong tương lai, Mercedes đảm bảo sử dụng chip tiêu chuẩn, được tùy chỉnh cho xe hơi thay vì 1.000 con chip khác nhau", Markus Schäfer, thành viên ban giám đốc hãng xe Đức cho biết. Ông cũng tiết lộ "một số công ty khác đã theo con đường này từ trước" dù không nói rõ tên.
Việc tự phát triển nhiều linh kiện cũng giúp Tesla tránh tình trạng thiếu pin, vấn đề của Ford và General Motors trong bối cảnh nhu cầu xe điện ngày càng tăng. Khi các công ty tranh luận về tác dụng của xe điện cách đây 8 năm, Tesla đã xây dựng nhà máy pin "gigafactory" tại Nevada, hợp tác với Panasonic. Giờ đây, tình trạng thiếu pin không phải nỗi lo của Tesla nữa.
Theo Giáo sư Cohen, cách tiếp cận của Tesla trái ngược với những ngày đầu của ngành xe hơi, khi Ford sở hữu các nhà máy thép và đồn điền cao su. Trong nhiều thập kỷ gần đây, các hãng xe tập trung vào thiết kế và lắp ráp, giao những công đoạn còn lại cho chuỗi cung ứng. Điều đó giúp tiết kiệm chi phí, nhưng tạo rủi ro lớn nếu chuỗi cung ứng gặp khủng hoảng.
Sức ép cạnh tranh ngày càng lớn
Thuận lợi của Tesla còn đến từ quy mô sản xuất, lượng xe xuất xưởng nhỏ hơn nhiều so với Volkswagen hay Toyota, những cái tên lắp ráp hơn 10 triệu xe mỗi năm. Dòng xe Tesla cũng ít mẫu hơn, trong đó Model 3 và Model Y chiếm hầu hết doanh số công ty trong năm 2021. Các tùy chọn cho từng model của Tesla cũng ít hơn, giúp đơn giản hóa quy trình sản xuất.
Trong khi đó, phần mềm có thể cập nhật từ xa của Tesla được xem là phức tạp nhất trong lĩnh vực xe hơi. Các tính năng như làm mát pin, tự lái được điều khiển bởi những hệ thống máy tính tập trung trên bo mạch, giảm lượng chip sử dụng trong xe.
"Cần càng ít linh kiện vào lúc này càng tốt", Phil Amsrud, nhà phân tích về bán dẫn ôtô tại hãng nghiên cứu IHS Market cho biết.
Mercedes dự kiến tiếp bước Tesla trong việc tùy chỉnh chip, tự phát triển phần mềm cho xe hơi. Ảnh: Mercedes. |
Tất nhiên, Tesla vẫn có thể gặp khó nếu muốn đạt mức tăng trưởng tương tự năm 2021. Trong báo cáo tài chính quý III/2021, công ty thừa nhận các hoạt động sáng tạo có thể không hiệu quả do cần thêm chip và linh kiện trong bối cảnh khủng hoảng.
Thị trường xe điện ngày càng cạnh tranh với sự tham gia của các hãng xe truyền thống. Đầu tháng 1, Ford cho biết sẽ tăng gần gấp đôi sản lượng cho Lightning, phiên bản dùng pin của mẫu xe bán tải F-150 do nhu cầu tăng mạnh. Xe bán tải của Tesla sẽ không thể lên kệ trong ít nhất một năm tới.
Xe điện của Tesla còn đối mặt vấn đề chất lượng. Tháng 12/2021, công ty này tuyên bố thu hồi hơn 475.000 xe điện do 2 lỗi khác nhau, một lỗi khiến camera chiếu hậu bị hỏng, một lỗi khiến mui xe phía trước tự động mở. Trong khi đó, nhà chức trách Mỹ đang điều tra tính năng tự lái Autopilot của Tesla sau hàng loạt vụ tai nạn.
"Tesla vẫn tiếp tục phát triển, nhưng họ sẽ đối mặt sự cạnh tranh lớn và mạnh mẽ hơn bao giờ hết", Stephen Beck, đối tác quản lý tại cg42, một công ty tư vấn tại New York nhận định. Lợi thế cơ bản của Tesla đến từ danh mục sản phẩm chỉ có xe điện, không bị ảnh hưởng bởi các quy trình, quan điểm truyền thống như đối thủ.