Khi thị trường tiền mã hóa tăng trưởng nóng, nhiều người tận dụng mọi thiết bị có thể để đào coin, kể cả xe hơi điện. Với một số thay đổi, tinh chỉnh, ôtô Tesla vừa trở thành nguồn cung cấp điện, vừa là cỗ máy khai thác.
Biến xe Tesla thành máy đào
Siraj Raval, sống tại San Francsico (Mỹ), đã tận dụng tối đa khả năng của chiếc Tesla Model 3 vào việc khai thác tiền mã hóa. Trước tiên, ông chạy một phần mềm đào Bitcoin trên Mac mini M1, kết nối với bộ nguồn điện 12 V và cắm vào xe.
Siraj Raval đã biến chiếc Tesla Model 3 thành máy đào coin. Ảnh: Raval. |
Raval cũng tận dụng khả năng của GPU trên xe Tesla, biến nó thành máy đào với nguồn điện có sẵn bên trong. Việc thay đổi công năng sử dụng này dẫn đến nguy cơ xe bị mất bảo hành nhưng chủ nhân vẫn chấp nhận mạo hiểm.
Trao đổi với CNBC, Siraj Raval cho biết, thời điểm giá Ethereum đạt đỉnh vào năm ngoái, mỗi tháng ông kiếm được 800 USD từ việc đào coin bằng xe điện Tesla.
Raval không phải người duy nhất dùng xe điện để khai thác tiền mã hóa. Alejandro de la Torre, một thợ đào Bitcoin khác cho biết việc dùng ôtô Tesla cũng tương tự các nguồn điện truyền thống.
“Yếu tố chính vẫn là giá điện. Nếu đào bằng xe điện rẻ hơn thì thực hiện thôi”, Torre cho biết.
Từ 2018, Chris Allessi, một người sở hữu xe Tesla sống tại bang Wisconsin (Mỹ) đã tìm cách biến phương tiện này thành máy đào Bitcoin.
Ông là chủ nhân kênh YouTube KmanAuto, chuyên đăng tải những “độ” lại tính năng trên xe hơi điện. Tương tự Raval, Allessi đã thử một số cách khác nhau để biến chiếc Tesla Model S của mình thành một giàn khai thác tiền mã hóa.
Allessi đào Bitcoin bằng cách cắm Bitmain Antminer S9 - một loại máy đào được dùng phổ biến trên thế giới - vào ôtô của mình. Ông dùng một bộ biến tần, điều chỉnh điện áp của pin Tesla đến mức tương thích với Antminer.
Ngoài ra, Allessi cũng hack một phần mềm tích hợp bên trong chiếc xe để khai thác các loại tiền mã hóa khác. Dùng máy tính và màn hình có sẵn của xe, ông kết nối với trang web đã thiết lập sẵn để khai thác Moreno.
Với Siraj Raval, ông cho biết trong các cách đã thử, phương án mang lại lợi nhuận cao nhất là hack máy tính bên trong xe Tesla, cộng với cắm trực tiếp GPU vào xe.
Lợi nhuận không lớn
Có thể dùng xe điện Tesla để khai thác tiền mã hóa, tuy nhiên, thực tế lợi nhuận thu được không lớn và phụ thuộc nhiều vào thời điểm mua xe.
Raval vẫn lạc quan về khả năng thu lợi nhuận khi đào coin bằng xe Tesla. Ảnh: Raval. |
Chẳng hạn, Allessi đã mua ôtô điện trước tháng 1/2017, do đó, ông được đưa vào chương trình sạc pin miễn phí, không giới hạn suốt vòng đời của xe.
Vào năm 2018, Allessi ước tính trong khoảng thời gian 60 giờ, ông sẽ kiếm được 10 USD từ việc đào Bitcoin. Tất cả đều là lợi nhuận vì ông không phải trả tiền sạc. Dù vậy, Allessi vẫn cho rằng con số này chẳng đáng bao nhiêu.
“Tại sao bạn lại muốn tạo ra hao mòn cho một chiếc xe trị giá 40.000-100.000 USD? Ngay lúc này, giá Bitcoin đã tăng chóng mặt, nhưng độ khó khai thác cũng tăng theo. Trong cùng khoảng thời gian và thiết bị, có lẽ tôi chỉ thu được 1-2 USD”, Allessi cho biết.
Trong cuộc trao đổi với CNBC, Allessi cho biết không còn quan tâm đến cách khai thác tiền mã hóa này.
“Độ khó quá cao. Tôi có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi làm việc tại McDonald’s”, ông nói.
Trong khi đó, Raval lạc quan về tiềm năng thu lợi. Mặc dù phải trả tiền sạc, ông cho biết bản thân thỏi pin của xe Tesla rất tốt, có thể tận dụng để kiếm lời.
Xe của Raval đi được 515 km mỗi lần sạc, mất khoảng 10-15 USD để nạp đầy pin. Nếu ông lái nó vài giờ mỗi ngày thì sau khoảng 10 ngày phải sạc lại một lần. Tính ra, mỗi tháng chi phí từ 30-60 USD.
Hiện Ravel dùng xe để đào coin 20h mỗi ngày. Số tiền thu được ông lại gửi vào một nền tảng đầu tư có lợi nhuận 23%/năm. Ngoài ra, Raval cũng tiết kiệm được chi phí nhờ mua GPU từ Ebay.
Với những cố gắng đó, dù giá của các loại tiền mã hóa có biến động, ông vẫn có lợi nhuận từ 400-800 USD mỗi tháng trong năm 2021.