Thị trường tiền mã hóa sụt giảm mạnh vào ngày 6/1, trùng với thời điểm Internet tại Kazakhstan bị ngắt cục bộ do tình trạng bạo loạn diễn ra trên khắp quốc gia này.
Tình cảnh “bóng đêm Internet” khiến cho các thợ đào không thể tiếp tục hoạt động. “Không có Internet, không thể đào coin được”, thợ đào Didar Bekbau chia sẻ trên Twitter.
Cảnh sát trên đường phố Kazakhstan. Ảnh: Reuters. |
Sự việc gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động của "công xưởng đào Bitcoin" lớn thứ 2 thế giới, khiến cho năng lực tính toán (hash rate) trên mạng lưới Bitcoin bị suy giảm.
Theo trang thông tin về các tổ chức đào coin BTC.com, tỷ lệ hash rate tại các xưởng đào lớn như AntPool, F2Pool đo lường vào hôm 6/1 giảm 14% so với tối 4/1.
Cuối tháng 9/2021, chính phủ Trung Quốc đã ban hành lệnh cấm hoạt động đào Bitcoin. Ngay sau đó nhiều công ty trong lĩnh vực này đã vận chuyển máy móc của họ ra nước ngoài, và Kazakhstan là một trong những điểm đến chính.
Từ 4% năng lực tính toán của mạng Bitcoin, các mỏ đào tại quốc gia vùng Trung Á hiện chiếm 18% năng lực.
Các hoạt động trên mạng Bitcoin phụ thuộc nhiều vào thợ đào và năng lực tính toán của hệ thống máy tính. Càng nhiều thợ đào, tỷ lệ hash rate càng cao khiến cho các thợ đào phải cạnh tranh hơn nhưng đem lại lợi ích lớn cho người dùng.
Tuy nhiên hoạt động đào coin tiêu tốn nhiều năng lượng. Kazakhstan được chọn làm điểm đến vì tiền điện rẻ, do sử dụng năng lượng than đá để cấp điện cho các xưởng. Ngoài ra, chính phủ nước này không có chính sách quản lý chặt chẽ, góp phần thu hút các xưởng đào coin lớn.
Chính phủ Kazakhstan từng tuyên bố cắt giảm lượng khí thải được sinh ra bởi các xưởng đào hoạt động quá mức quy định. Theo số liệu từ chính phủ nước này, các trại đào đã tiêu thụ khoảng 600 triệu W điện trong quá trình vận hành. Các xưởng hoạt động quá mức quy định tiêu thụ gấp đôi con số trên.
Một xưởng đào tại Kazakhstan. Ảnh: FT. |
Chính phủ Kazakhstan đã hành động quyết liệt nhằm chấm dứt tình trạng bạo động đang lây lan trên khắp các tuyến đường tại đây. Cả lực lượng cảnh sát địa phương và người dân đều ghi nhận thương vong và mất mát. Ngay sau đó, Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev yêu cầu ngắt toàn bộ dịch vụ Internet trên toàn lãnh thổ.
Tình trạng bất ổn tại Kazakhstan khiến cho nhiều chuyên gia tin rằng đây chỉ là điểm đến tạm thời của các thợ đào Trung Quốc trước khi họ chính thức chuyển sang Mỹ. Ông Alex Brammer, chủ xưởng Luxor chia sẻ với CNBC rằng các trại đào lớn chỉ mang các thiết bị cũ của họ sang Kazakhstan.
Các quỹ đầu tư đồng quan điểm với các thợ đào. Ông Nic Carter, sáng lập quỹ Castle Island cho biết chi phí năng lượng tại Mỹ khá rẻ và có nguồn năng lượng tái tạo dồi dào. Nếu các thợ đào di chuyển sang đây, vấn đề bảo vệ môi trường sẽ được giải quyết.